Hứa "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên", vào lớp online là cha mẹ "tăng xông"

Hoài Nam

(Dân trí) - Chị Hà dằn vặt, khổ sở sau khi cho con hai bạt tai vì cháu táy máy xóa mất ứng dụng học tập, bị thoát ra khỏi lớp học online.

Ngồi học, có trẻ xé tập xếp... 50 chiếc thuyền 

"Có ai vừa kèm con học là hét, là đánh, là cho con "ăn tát" như mình không? Tội nghiệp cho con tôi quá đi thôi!", chị Hồ Minh Hà, nhà ở TP Thủ Đức, TPHCM mệt mỏi kể về hành trình kèm hai con học online trong những tuần qua.  

Từ ngày hai con, đứa lớp 1, đứa lớp 5 chính thức vào học online, chị Hà thấy mình biến thành một người khác. Lần nào, trước khi vào lớp để hỗ trợ con, chị cũng hít một hơi thật sâu hứa với con: "Hôm nay mẹ sẽ "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên". 

Hứa đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, vào lớp online là cha mẹ tăng xông - 1

Nhiều phụ huynh "tăng xông" khi kèm con nhỏ học online.

Vậy nhưng, vào được vài phút là quyết tâm của chị đổ sông đổ biển. Con chị, lúc cô giáo đang giảng bài thì lôi giấy ra vẽ; lúc học chữ lại đòi làm bài tập Toán; có khi cầm điện thoại leo lên bàn, lăn ra sàn hay thao tác ra - vào lớp liên tục... 

Chị ngồi cạnh không ngừng nhắc nhở, la mắng, trợn mắt, nhéo, thậm chí khi thiếu kiềm chế còn đánh con. 

"Mới hôm qua, tôi đã không giữ được bình tĩnh cho cháu hai bạt tai khi lần thứ hai cháu xóa ứng dụng đang học. Tôi loay hoay cả buổi mới cài lại được, mất luôn buổi học", người mẹ day dứt nhắc lại. 

Mới bé lớp 1 chị đã hết hơi, lại thêm lâu lâu ngó vào lớp cô con gái lớn, người mẹ lại lên cơn "tăng xông". Ngoài học trên lớp, còn kèm làm bài tập hàng tối, chị quát con không ngớt. 

Liên quan đến việc học của cậu con trai lớp 3, vợ chồng nhà anh Nguyễn Ngọc Dung, ở Phú Nhuận, TPHCM cũng không ngừng "gây gổ" với nhau, với con. 

Trước đây, con chị ngoan, có ý thức, nhưng giờ cháu uể oải, lười học, chống đối, tính khí lại khó chịu.

Có hôm, trong giờ học, con xé tập xếp... 50 cái thuyền, vứt trắng cả phòng; hay cô giáo gọi 5 - 7 lượt cháu vẫn kệ không trả lời. 

Chồng chị nóng tính, thấy vậy liền vào xách tai con ra khỏi lớp quát tháo, chê bai ầm ĩ, xưng "mày - tao" rồi có lúc đánh phạt cháu. 

Chị vào can, thế là vợ chồng cãi nhau, con thì khóc. Dù bận nhiều việc trong nhà nhưng cuối cùng, chị đành giành luôn phần việc kèm con học. Sợ bố cháu nổi khùng khi con làm sai, nên lúc con học chị phải ngồi kè kè bên cạnh nhắc nhở. 

"Ngồi kèm con học mình cũng trở dễ nổi nóng, quạu. Mẹ thì mệt, con thì chán nản, thường xuyên gắt gỏng, sứt mẻ tình cảm với ba và ấm ức luôn với mẹ.", chị Ngọc Dung thở dài. 

Trẻ gặp nhiều khó khăn khi học ở nhà 

Sau một tuần TPHCM triển khai học online ở bậc tiểu học và trước đó là bậc THCS, THPT, nhiều phụ huynh chia sẻ tình trạng căng thẳng, mệt mỏi khi kèm con học. Giờ học một số có lúc là "trận chiến" giữa bố mẹ và con cái. 

Trong nhiều lớp học online, cùng với tiếng bài giảng không thiếu những âm thanh "cây nhà lá vườn" từ phụ huynh bắt con phải thế này thế kia, quát mắng, chì chiết hay đánh phạt trẻ. 

Hứa đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, vào lớp online là cha mẹ tăng xông - 2

Sự thông cảm và kiên nhẫn của bố mẹ cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ học online hiệu quả.

Việc học online tại nhà, nhất là với trẻ nhỏ phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của bố mẹ. Phụ huynh có thể gặp khó khăn như thiếu thời gian, kiến thức, kỹ năng, thiếu sự sẵn sàng và cả sự kiên nhẫn. Hơn nữa, việc bố mẹ kèm con trẻ học chưa bao giờ là việc dễ dàng.

Nhiều người không thể nào kiềm chế nổi trước bất cứ sai sót, hành vi, phản ứng nào của con trong sinh hoạt, nhất là trong việc học. 

TS.BS Phạm Phương Thảo, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục Sức khỏe Tâm lý y học, ĐH Y Dược TPHCM cho biết, việc "đóng cửa" vì dịch Covid-19 tác động vô cùng nguy hiểm với trẻ.

Mắt nhắm mắt mở 

"Cha mẹ nuôi con có lúc phải mắt nhắm, mắt mở. Cần quan sát, đồng hành cùng con nhưng cũng đừng chăm chăm vào hành vi của con. Những hành vi nào ở mức vừa phải, trong mức an toàn thì có thể lơ đi để hành vi đó ít có cơ hội tái diễn"

TS.BS Phạm Phương Thảo

Ở tuổi này các em có xu hướng tương tác với bạn bè, thầy cô; là lứa tuổi vận động nhưng giờ chỉ có ba mẹ, chỉ ở trong nhà dễ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, buồn chán, thiếu ý tưởng. 

Thiếu khung cảnh trường học, việc học tại nhà của trẻ có thể diễn ra trong bối cảnh mẹ nấu cơm, ba xem tivi, em khóc... rất khó để tập trung. 

Chưa kể, nhiều tác động từ dịch bệnh, từ 6 tuổi các em hiểu về cái chết, lo âu về sự mất mát. Ở nhà bố mẹ con cái lại đụng mặt nhau suốt. Bố mẹ mệt mỏi lại có xu hướng trút lên con, đứa trẻ trở thành nạn nhân của bạo hành. 

"Với nhiều trẻ việc học online dễ dàng nhưng với nhiều trẻ rất khó khăn", bác sĩ Phạm Phương Thảo lưu ý. 

TS Phạm Phương Thảo nhấn mạnh, bố mẹ cần hiểu hành vi của trẻ lúc này không phải bản chất của con mà điều đó cho thấy trẻ đang gặp khó khăn. Trước hết, bố mẹ cần phải thông cảm cho con.  

Lúc này, vai trò của giáo viên rất quan trọng khi họ tương tác nhiều với phụ huynh qua dạy học online. Phía nhà trường, giáo viên cần có kế hoạch giúp cha mẹ hiểu về những khó khăn của trẻ, đồng hành cùng trẻ. Có thể phối hợp với các chuyên gia giúp đỡ trẻ, hướng dẫn và đề nghị bố mẹ tương tác lành mạnh với con.