Ngày đầu học online, thầy trò ở TPHCM bị "treo" liên tục
(Dân trí) - Trong ngày đầu chính thức bước vào năm học mới bằng hình thức học online sáng nay (6/9) thầy trò TPHCM đã vấp phải sự cố đường truyền, hệ thống học trực tuyến chập chờn, bị "treo" liên tục...
Sáng nay 6/9, gần 700.000 học sinh bậc THCS, TPHCM tại TPHCM cùng hàng triệu học sinh trong cả nước chính thức bước vào năm học thông qua hình thức học online.
Quá tải đường truyền, nhưng có phương án dự phòng
Nhiều giáo viên, học sinh tại TPHCM phản ánh, trong ngày đầu học sinh bậc THCS, TPHCM học chính thức, họ đã gặp phải sự cố hệ thống đường truyền tải dữ liệu bị chập chờn, liên tục bị treo, rớt... nên khó tổ chức các hoạt động khi dạy và học.
Cụ thể, với phần mềm K12 Online - một trong những hệ thống học online đã được Sở GD-ĐT TPHCM thẩm định - được nhiều trường sử dụng liên tục bị chập chờn, treo.
Tại nhiều trường, giáo viên lẫn học sinh thậm chí không "vào lớp" được. Có trường hợp vào lớp được, nhưng khi giáo viên bắt đầu dạy thì đường truyền tải dữ liệu lại "đứng hình" nên đành ngưng tiết học. Nhiều trường "chữa cháy" bằng cách chuyển thầy trò sang phần mềm dự phòng.
Ông Trần Văn Minh, đại diện Trường THCS -THPT Đào Duy Anh cho biết, sáng nay, hệ thống K12 Online mà trường sử dụng bị chập chờn. Ngay lập tức trường chuyển qua phương án dự phòng là học qua Zoom.
Trong buổi giao lưu trực tuyến "Năm học mới trong đại dịch" do báo Người Lao Động tổ chức chiều nay 6/9, phụ huynh tại TPHCM cũng phản ánh tình trạng học sinh đã vào "lớp học" theo phần mềm của nhà trường gửi, nhưng vẫn rất chập chờn, giáo viên cũng không vào được, giờ học liên tục bị gián đoạn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ: Sự cố quá tải đường truyền sáng nay, Sở đã nắm được. Sáng nay, gần cả triệu học sinh cùng vào học, đây là tình huống đã được lường trước và khắc phục ngay. Ngay khi nắm thông tin, Sở GD-ĐT TP HCM đã trao đổi với phía công viên phần mềm Quang Trung, nâng cấp dữ liệu đường truyền lên 50%.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, hiện nay mỗi trường học đều có 2 đường truyền khác nhau, nên nếu một đường truyền gặp sự cố, sẽ có đường truyền còn lại.
Phía Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục làm việc với Sở Thông tin Truyền thông TPHCM để nâng cấp đường truyền theo hướng lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng chia sẻ, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo tiết học online phải cô đọng, không như tiết dạy trực tiếp, có hướng dẫn trước tiết dạy, nên học sinh không phải lúc nào cũng phải ngồi trên mạng, thời gian tự học của học cũng rất nhiều.
Bỏ những thông tin rườm rà, nội dung học phải phù hợp với bối cảnh dịch bệnh
Tại buổi giao lưu, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT chia sẻ, trong bối cảnh này, quan điểm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT với nhiệm vụ năm học là phải đảm bảo an toàn. An toàn thì mới đến trường, đến trường thì phải an toàn. Bên cạnh đó là thực hiện chương trình năm học đảm bảo chất lượng.
Thực hiện kế hoạch năm học trong bối cảnh đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các cấp học rà soát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình học, nhưng tinh giản nội dung.
Bộ đã công văn 3280/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Theo đó, 10 môn học sẽ điều chỉnh nội dung dạy học, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh Học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục.
Đặc biệt, sẽ không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu…
"Năm học này, chúng tôi tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh", ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Có tiền cũng khó mua thiết bị
Ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin, toàn thành phố có khoảng 77.000 học sinh không có điều kiện học tập trên internet. Đây là số liệu gồm cả những khó khăn về đi lại, đường truyền, không có phụ huynh kèm cặp… Thực tế, còn khoảng 51.000 học sinh gặp khó khăn khi học trực tuyến về thiết bị, đường truyền.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, một thực tế trong điều kiện giãn cách, phụ huynh có tiền cũng không mua được, máy hư, cũ, ngay cả giáo viên cũng không thể đi sửa được vì đi lại khó khăn.
Đối với trường hợp học sinh không thể học trên internet, ngành giáo dục xây dựng phiếu học tập, ban đầu thầy cô sẽ giao bài, đội ngũ tình nguyện viên sẽ thu các phiếu đó đưa lại giáo viên để giáo viên nắm mức độ học tập của các em.
Sở cũng chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch cho những đối tượng học sinh này để các em vẫn tiếp cận được việc học một cách thuận lợi nhất.