Xóm rác Sở Thùng nằm cạnh đường Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng (mới làm) ở quận Bình Thạnh (TPHCM), giáp ranh với quận Gò Vấp là khu vực đã giải tỏa từ lâu. Dân nghèo tứ xứ đến đây tạo thành xóm rác với "nghề" chính là đi vào thành phố thu gom rác và nhặt ve chai.
Sở Thùng hiện tại có khoảng 60 hộ, phân nửa số này là gia đình có trẻ em. Vì cha mẹ nghèo và cũng bởi các thủ tục nhập học bị cản trở, việc học hành của các em hoàn toàn trông cậy vào lực lượng tình nguyện viên.
Gắn bó với sự nghiệp gieo chữ ở xóm Sở Thùng đã 3 năm nay là CLB Công tác xã hội Nhân Ái, với các thành viên đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng của TPHCM. Để gầy dựng lớp học, các bạn đến từng nhà để thuyết phục cha mẹ đồng ý cho trẻ đi học. Ban đầu là các lớp học “dã chiến” ngay tại nhà dân kề bên bãi rác, trong không gian chật chội, ẩm thấp.
Lớp học tình thương Sở Thùng năm 2011
Bạn Mai Bảo Trung, sinh viên ĐH Nông Lâm TPHCM - chủ nhiệm CLB Nhân Ái chia sẻ: “Họ làm nghề bới rác nên điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Mọi người đi qua đi lại, các em khó tập trung học được”. Vì vậy, Trung tìm đến ngôi chùa gần đó để mượn nơi dạy học, may sao, nhà chùa đã ủng hộ nhiệt tình.
Những đứa trẻ nơi đây đã quen với lối sống không khuôn phép, gò các em vào nguyên tắc, biết nắn nót từng con chữ là điều cực kỳ gian nan. Lớp học tại xóm lao động nghèo, tình hình an ninh trật tự phức tạp nên không ít lần chính các “thầy cô” cũng bị mất trộm tài sản. Chính Bảo Trung đã từng bị mất chiếc xe máy cà tàng ở đây.
Thế nhưng vì lòng yêu trẻ, nhóm bạn vẫn kiên trì bám địa bàn. Bảo Trung tâm sự: “Có người nói với tôi: Mày đi dạy mấy từ thiện cho mấy đứa nhỏ thì mày sẽ mất nhiều hơn được, nhưng họ đâu biết rằng, chính tôi mới là người nhận được nhiều điều. Tôi nói là tôi dạy bọn nhỏ, nhưng trái lại, bọn nhỏ đang dạy tôi, đang làm tôi dần trưởng thành. Hãy chơi với bọn trẻ, cùng cảm nhận cuộc sống xóm rác, bạn sẽ hiểu. Đừng vội la rầy vì bọn nhỏ chưa phải là mình...”.
Từ năm 2012, lớp học duy trì tại chùa Giác Quang (quận Bình Thạnh)
Ngoài giờ lên lớp, các em học bài trong gian nhà trọ, không hề có bàn ghế.
Không chỉ dạy chữ, lớp học tình thương Sở Thùng còn dạy võ phù hợp với sự hiếu động của lứa tuổi các em. Cuối tuần, các bạn tình nguyện viên dạy vẽ, dạy xếp giấy, dắt các bé đi tham quan ở bảo tàng, công viên... Chính những khoảnh khắc này giúp hai bên hiểu nhau hơn, tình cảm thắt chặt hơn. Bạn Lê Thị Oanh, sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM vẫn nhớ: “Có lần đi chơi, sau khi bọn trẻ kể lể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất thì cả đàn dắt nhau đi về. Lúc về, tôi bị đám trẻ dọa ma sợ chạy bắn khói, còn bọn nó thì cười lăn”.
Thấy những đứa trẻ đi học tiến bộ hẳn lên nên các gia đình ngày càng ủng hộ lớp học tình thương. Bản thân các bé cũng thích đi học, với những lý do ngộ nghĩnh rất riêng của trẻ con xóm rác: - Con thích đi học không? - Thích! - Tại sao? - Để con biết chữ hát karaoke...
Hiện đại lộ Phạm Văn Đồng đang hoàn chỉnh từng ngày, đồng nghĩa với thời điểm xóa sổ xóm rác Sở Thùng đang đến gần. Những đứa trẻ sẽ di tản nhiều nơi, con đường gieo chữ mà các tình nguyện viên dày công gầy dựng sẽ bị đứt ngang.
Bạn Oanh chia sẻ: “Chỉ một câu nói Sau này dù nhà có phải giải tỏa thì con vẫn luôn nhớ cô. Con quyết tâm không bỏ học đâu! mà ấm áp biết chừng nào. Không biết các em sẽ về đâu? Nơi đó có lớp học tình thương hay không? Mong sao tụi nhỏ được đến trường, không phải lam lũ kiếm sống như cha mẹ các em nữa”.
Hai chị em Như và Nghĩa nắn nót từng con chữ bằng bàn tay trầy trụa. Cha bỏ đi, mẹ đi phụ bán quán ở Thủ Đức nên hai em sống cùng các dì, các cậu tại xóm Sở Thùng
Với đôi tay trần, em bé lục lọi đống rác để tìm những đồ vật còn dùng được hoặc bán được
Bé Thư (4 tuổi) rất vui vì tìm được áo đầm, các bạn khác thì nhặt được đồ chơi còn mới
Các bé chơi trò dựng lều với chiếc mùng chụp mới nhặt được
Tình nguyện viên không ngần ngại xông vào rác chơi đùa cùng các em
Một gian nhà trọ ở Sở Thùng khoảng 10 mét vuông, có giá thuê từ 700-800 ngàn đồng mỗi tháng là chỗ che mưa nắng cho hơn 10 người. Không gian sinh hoạt của các gia đình nhỏ (vợ chồng, con cái) chỉ còn bằng chiếc chiếu
Mùa mưa, con đường hẻm nhỏ hẹp trước phòng trọ ngập trong sình lầy
Hàng ngày họ bơm nước giếng một lần để cả nhà sử dụng một cách tằn tiện. Mỗi cơn mưa là dịp vui "trời cho" để các bé thỏa thích vẫy vùng.
Đại lộ đang hoàn chỉnh từng ngày, tương lai các bé ở Sở Thùng chưa biết sẽ đi đâu, về đâu?
Tại xóm rác Sở Thùng, điều kiện ăn ở của các gia đình rất kém vệ sinh. Trong môi trường ô nhiễm nặng mà nhiều nhà vẫn uống nước lã bơm trực tiếp từ giếng. Trẻ em bị bệnh không có điều kiện đến bác sĩ.
Trường hợp điển hình là bé Phương Anh (6 tuổi), con gái chị Lâm Thị Tím ở Sở Thùng đã 8 năm. Bé bị bệnh đường tiết niệu, không thể kiểm soát việc nước tiểu cứ chảy ròng rã suốt ngày. Nhờ các mạnh thường quân phát hiện, Phương Anh được đưa đến BV Nhi Đồng 2. Cũng nhờ vậy mà chị Tím học được cách thông tiểu, vệ sinh cho con, giúp Phương Anh kết thúc cảnh ngồi trên giẻ nhiều năm liền. Trong đợt dịch đau mắt đỏ hiện nay, gần như toàn bộ trẻ em tại đây bị nhiễm bệnh. Nhà nào không có tiền thì dùng lá rau răm thay thuốc. Trẻ em xóm rác Sở Thùng rất cần được chăm sóc về y tế và giáo dục một cách thường xuyên và triệt để. |
Bài: Hồng Nhung
Ảnh: Hồng Nhung và CLB Nhân Ái