Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc: Mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(Dân trí)-Tại Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc khai mạc sáng nay 9/10 đã dành phút mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam suốt 17 năm qua.
Đến dự Đại hội có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam; đồng chí Vũ Oanh - nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; GS.VS Nguyễn Văn Hiệu và đại diện Bộ GD-ĐT, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội nguời Cao tuổi, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, tổ chức quốc tế UNESCO, UNICEF... Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, gửi lẵng hoa chúc mừng tới Đại hội.
Đặc biệt, về dự Đại hội có 393 đại biểu gồm 174 đại biểu gia đình hiếu học xuất sắc đại diện cho trên 5,5 triệu gia đình hiếu học, 86 đại biểu xuất sắc đại diện cho gần 6 vạn dòng họ hiếu học, 82 đại biểu xuất sắc đại diện cho 20 vạn cộng đồng khuyến học trong toàn quốc.
Đại biểu dự Đại hội thi đua và biểu dương phong trào xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng khuyến học toàn quốc lần thứ III.
Đại hội đã dành phút mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam suốt 17 năm qua (từ khi thành lập Hội Khuyến học Việt Nam 1996) vừa từ trần, hưởng thọ 103 tuổi.
Đại hội đã dành phút mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm.
Video clip Đại hội thi đua và biểu dương phong trào xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng khuyến học toàn quốc lần thứ III - năm 2013 diễn ra tại Hà Nội ngày 9/10:
(Thực hiện: Xuân Ngọc - Trọng Trinh)
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm cho biết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là vị Đại tướng đầu tiên của nước ta, là Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, là một vị tướng huyền thoại trong thế kỷ XX. Đồng chí là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Ban chấp hành TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bí thư Quân uỷ TƯ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng được các tầng lớp nhân dân trong cả nước và thế giới ca ngợi với những ngôn từ đẹp đẽ nhất.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là nhà quân sự thiên tài mà còn là nhà chính trị lỗi lạc, có kiến thức sâu về nhiều lĩnh vực cả về khoa học và giáo dục. Đại tướng chính là một trong những người sáng lập ra Hội Khuyến học Việt Nam và giữ cương vị Chủ tịch danh dự của Hội suốt 17 năm qua kể từ ngày thành lập”.
Trước đây, vào dịp Đại hội thi đua khuyến học lần thứ II của Hội, do tình hình sức khoẻ không đến dự được, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư mừng Đại hội trong đó có đoạn viết: “Tôi mong rằng Đại hội sẽ là động lực đưa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập lên một tầm cao mới, tiến lên xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm thành công cho công cuộc CNH - HĐH, đưa dân tộc ta trở thành một dân tộc thông thái”.
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm khẳng định: “Chúng ta xem đó là những điều mong muốn, những lời dặn dò của Chủ tịch danh dự kính yêu đối với chính Đại hội chúng ta. Chúng ta hứa với đồng chí sẽ ra sức thực hiện những mong muốn của đồng chí, những ý kiến chỉ đạo của đồng chí trong các bài nói và bài viết của đồng chí như là di chúc của đồng chí về phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập”.
Phát biểu khai mạc tại Đại hội, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: "Đại hội chúng ta không những biểu dương các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học xuất sắc nhất mà còn có nhiệm vụ sơ kết 15 năm cuộc vận động cũng như nhìn lại 17 năm xây dựng và phát triển Hội để rút kinh nghiệm thiết thực, những bài học bổ ích đưa ra cuộc thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học và phong trào khuyến học, khuyến tài nói chung sang một giai đoạn mới phát triển mạnh cả bề rộng và chiều sâu, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, thời kỳ Chấn hưng nền giáo dục nước nhà, thời kỳ “Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập” và “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo” theo Nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng".
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm khẳng định: “Mô hình Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học là một mô hình độc đáo vừa mang đậm truyền thống Việt Nam, vừa thể hiện xu thế của thời đại. Trong lịch sử dân tộc ta những người học giỏi, đỗ đạt cao, “vinh quy bái tổ”, làm cho gia đình vẻ vang, dòng họ vinh hiển, thường gọi là dòng họ khoa bảng được mãi mãi lưu danh từ đời này qua đời khác. Cộng đồng khuyến học minh chứng cho xu thế của thời đại, khi giáo dục vươn gia khỏi nhà trường đi vào xã hội với sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể, các ban, ngành, các tổ chức và lực lượng xã hội, các cộng đồng dân cư…”.
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm nhấn mạnh: Dù khó khăn bao nhiêu chúng ta vẫn tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, với tâm huyết của những người làm khuyến học, với Chỉ thị 11CT/TW của Bộ Chính trị luôn là bó đuốc soi đường cho chúng ta tiền về phía trước, trong đó đã xác định khuyến học, khuyế tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, nhất định Hội Khuyến học Việt Nam sẽ quyết tâm phấn đấu góp phần tích cực và hiệu quả vào việc xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập để “dân tộc ta trở thành một dân tộc thông thái” như Bác Hồ hằng mong muốn.
Minh chứng cho mô hình trên, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, GS Phạm Tất Dong cho biết: “Đại hội thi đua lần thứ III này, chúng ta tôn vinh 3 danh hiệu: gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học. Sự tăng lên về số lượng các danh hiệu và số đơn vị đăng ký đạt các danh hiệu cho thấy quy mô của phong trào thi đua khuyến học đã tăng lên rất nhanh, đồng thời, phong trào đã bắt rễ và bám chặt vào cộng đồng cơ sở. Riêng về danh hiệu cộng đồng khuyến học, sau Đại hội II, phần lớn các cộng đồng được tặng danh hiệu thường gắn với tổ dân phố, xóm thôn, phum sóc, ấp, khóm như tổ dân phố khuyến học, ấp khuyến học, xứ đạo khuyến học, nhà chùa khuyến học. Khoảng 3 năm trở lại đây, các cộng đồng khuyến học có xu hướng phát triển trong nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp, quân đội, đoàn thể xã hội như doanh nghiệp khuyến học, xí nghiệp khuyến học, cơ quan khuyến học…
GS.TS Phạm Tất Dong Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam báo cáo kết quả 5 năm công tác khuyến học.
Theo GS Dong, yêu cầu đối với gia đình hiếu học và dòng họ hiếu học là mỗi gia đình hiếu học có ít nhất 1 hội viên khuyến học, mỗi dòng tộc hiếu học có 1 chi hội (hay 1 ban) khuyến học. Chính yêu cầu này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng số lượng hội viên Hội Khuyến học lên tới gần 11 triệu người, chiếm trên 12 % dân số trong cả nước. Như vậy, gia đình hiếu học và dòng họ hiếu học là yếu tố hết sức cần thiết đối với công tác tổ chức và công tác hội viên của Hội Khuyến học Việt Nam.
Hội Khuyến học rất cần những giải pháp và cơ chế vận động người lớn tham gia học tập suốt đời. Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học trách nhiệm bảo đảm người lớn trong gia đình, trong dòng họ, trong cộng đồng tham gia một hoặc nhiều hình thức học tại các thiết chế giáo dục không chính quy, tạo cơ hội và điều kiện để ai cũng học và ai cũng tham gia thúc đẩy việc học tập của người khác. Số người lớn học tại các cơ sở giáo dục không chính quy trong mấy năm vừa qua, tính trung bình khoảng 12 triệu lượt người/năm. Trong số này, hầu hết đều chịu có sự tác động của gia đình, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học.
Phong trào khuyến học mở rộng tới tất cả nhân dân
GS Phạm Tất Dong cho biết, phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài do Hội Khuyến học Việt Nam phát động và chỉ đạo không chỉ đóng khung trong phạm vi của gần 11 triệu hội viên, mà ngày càng mở rộng trên các địa bàn dân cư, được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng.
Hoạt động khuyến học, khuyến tài trong 17 năm qua đã phát huy được truyền thống hiếu học của dân tộc ta, do đó, thi đua khuyến học, khuyến tài đã trở thành phong trào sâu rộng trên khắp các địa bàn dân cư trong cả nước. Từ Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ I (26/10/2000) đến nay, trải qua 13 năm phát triển, phong trào thi đua chưa bao giờ bị gián đoạn và chưa có biểu hiện chùng lại ở bất cứ thời điểm nào.
GS Dong cho biết, trong năm 2014, toàn Hội sẽ phải nghiên cứu học tập Bộ chỉ số đánh giá các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư đạt yêu cầu học tập. Khuyến học như tổ dân phố khuyến học, doanh nghiệp khuyến học, cơ quan hành chính khuyến học, nhà chùa khuyến học… cũng phải nỗ lực hơn mới đạt danh hiệu tổ dân phố học tập, doanh nghiệp học tập, cơ quan học tập…Để đạt yêu cầu “học tập”, tất cả các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, cũng như các doanh nghiệp, trường học, tổ dân cư, tổ dân phố, hợp tác xã không chỉ bảo đảm số người đi học là đủ, mà còn phải chứng minh tác dụng của học tập tới kết quả, lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, bảo vệ môi trường…
Các xã/ phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan sự nghiệp… muốn đạt danh hiệu cộng đồng học tập, cũng như bảo đảm năng suất lao động cao, sản xuất phát triển bền vững, chất lượng sản phẩm tốt, khắc phục các tệ nạn xã hội, duy trì môi trường trong sạch, nhân dân có lối sống lành mạnh. Cấp ủy, chính quyền địa phương phải có những cam kết về việc chỉ đạo chặt chẽ, tạo điều kiện cho cộng đồng phát triển đa dạng các hình thức học tập suốt đời.
Đại biểu dự Đại hội thi đua và biểu dương phong trào xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng khuyến học toàn quốc lần thứ III.
Đại hội thi đua toàn quốc kỳ này, Trung ương Hội trao tặng đến các tỉnh, thành Hội: 21 Bằng khen có nhiều thành tích; 16 Bằng khen xuất sắc; 26 Cờ thi đua xuất sắc. Số đại biểu về dự Đại hội được Bằng khen của Trung ương Hội: 324.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao 18 Bằng khen và tiền thưởng đến đại diện của các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học tiêu biểu (gồm 6 gia đình, 6 dòng họ, 6 cộng đồng).
Bộ GD-ĐT cũng quyết định tặng 24 Bằng khen và tiền thưởng đến các danh hiệu gia đình, dòng họ và cộng đồng xuất sắc (gồm: 13 gia đình, 4 dòng họ, 7 cộng đồng khuyến học).
Truyền thống hiếu học của gia đình là một kho báu
Phát biểu tại Đại hội, bà Katherine Muler - Marin, trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: “Tôi rất vinh dự có mặt tại đây ngày hôm nay để tham dự Đại hội. Thật ấn tượng khi được chứng kiến sự lớn mạnh của phong trào này, không chỉ số lượng người tham gia, mà còn về sự đa dạng và chiều sâu trong các hoạt động học tập có chất lượng diễn ra trong đó. Không còn nghi ngờ gì, phong trào này đã và sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự phát triển cá nhân, gia đình, cộng đồng và cả nước nói chung”.
Bà Katherine Muler - Marin, trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại Đại hội.
Bà Katherine cho rằng: “Học tập trong một gia đình giúp chúng ta bảo vệ và giữ gìn truyền thống và lịch sử gia đình quý báu, đồng thời giúp cho những thế hệ trẻ có thể kế thừa và cập nhật kiến thức của ông cha để lại. Vai trò của các tổ chức hàng đầu như Hội khuyến học Việt Nam trong công tác nghiên cứu, tư vấn, tham mưu, hướng dẫn và nâng cao nhận thức trong việc hỗ trợ các gia đình, dòng họ và cộng đồng trong phát triển cá nhân, tạo việc làm và đảm bảo cuộc sống toại nguyện là điều hết sức quan trọng trong nỗ lực xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam”.
“UNESSCO rất tự hào khi được trở thành đối tác của quí vị cùng với các thành viên khác của Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập để cùng nhau xây dựng một tầm nhìn chung về công dân học tập và xã hội học tập mong muốn Việt nam, cũng như xác định một kế hoạch hành động phối hợp để thực hiện tầm nhìn đó. Suốt 4 năm qua, công tác tại Việt Nam, tôi đã cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy và bảo vệ truyền thống giá trị gia đình của Việt Nam, truyền thống hiếu học trong gia đình như một kho báu của xã hội Việt Nam. Truyền thống này luôn dành được sự quan tâm trong nghị sự toàn cầu cũng như được ưu tiên trong đất nước thịnh vượng và tươi đẹp này” - bà Katherine khẳng định.
Tại Đại hội, bà Lotta Sylwander, trưởng đại diện UNICEF Việt Nam cho rằng: “Việt Nam đưa giáo dục thành một ưu tiên đặc biệt trong Chương trình nghị sự phát triển dài hạn và Việt Nam đã đưa một thông điệp rõ ràng rằng chất lượng giáo dục và học tập suốt đời là chìa khoá để phát triển toàn diện, công bằng và bền vững. Chúng tôi đồng ý đã đến lúc Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng giáo dục, đó là công bằng, phù hợp và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, cả kiến thức và kỹ năng.
Chúng tôi tin rằng với hơn 10 triệu hội viên khuyến học là những nhà tri thức tình nguyện và những người tận tâm vì sự nghiệp khuyến học hoạt động ở hơn 20.650 Hội và Chi hội ở tất cả các tỉnh, thành phố, huyện xã… trên khắp đất nước”.
Bà Lotta Sylwander - trưởng đại diện UNICEF Việt Nam phát biểu tại Đại hội.
Bà Lotta Sylwander khẳng định: “Hội Khuyến học Việt Nam là một tổ chức rất mạnh và hiệu quả để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân thông qua truyền thông vì sự phát triển. Hội Khuyến học Việt Nam đã rất mạnh trong việc huy động xã hội và vận động chính sách. Chúng tôi được biết Hội Khuyến học Việt Nam luôn tham gia huy động xã hội để gia đình và cộng đồng đóng góp và hỗ trợ cho học sinh nhập học, đồng thời có nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến trẻ em…”.
Đại hội cũng tổ chức giao lưu với các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học tiêu biểu trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Đại hội đã phát động các đại biểu ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt ở miền Trung.