Khâm phục những gia đình làm thuê để con được đi học
(Dân trí) - Không có ruộng đất, không có nghề nghiệp, không đủ cơm ăn hàng ngày… nhưng họ vẫn bền bỉ, ngày ngày làm thuê, cuốc mướn, tích cóp dành dụm để nuôi con ăn học thành người.
Họ là những tấm gương sáng từ nhiều tỉnh, thành phố được cử về dự Đại hội Gia đình hiếu học, Dòng họ khuyến học, Cộng đồng khuyến học lần thứ III sắp diễn ra tại Hà Nội vào ngày 9/10 tới.
Oằn lưng vác đá thuê!
Gia đình nhà ông Trang Văn Bé, ở khóm 1, phường 8, thành phố Cà Mau, nhà rất nghèo, không nghề nghiệp ổn định, gia đình có 7 người nên luôn trong tình trạng bữa đói, bữa no. Để giúp gia đình vượt qua cơn đói, ông Bé đã đi vay vốn để buôn cá. Ông Bé kể: “Hàng ngày tôi đi mua cá ở vùng nông thôn sâu bằng thuyền cách nhà 40 - 50 cây số về cho vợ tôi đi bán lẻ kiếm từng đồng lời. Lúc rảnh rỗi, tôi vác nước đá thuê để duy trì cuộc sống. Năm 1981, chỉ trong vòng 5 tháng, hai đứa con tôi bị bệnh lần lượt qua đời do không có tiền để điều trị. Vợ chồng tôi phải gạt nỗi đau để lo cho các con còn lại, quyết tâm không bao giờ để các con bỏ học, có lúc cả gia đình chỉ có cơm còn thức ăn là sả kho nước mắm. Mặc dù khó khăn chồng chất nhưng các con tôi vẫn quyết tâm học hành trong thiếu thốn mọi bề”. Hiện nay, 5 người con gia đình ông Trang Văn Bé con đều làm bác sĩ, kỹ sư xây dựng.
Gia đình ông Võ Văn Thẹo, ở tổ 6, Ấp Phú Ân, xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long cũng lâm vào hoàn cảnh như vậy. Thu nhập chính của gia đình 9 người này đều phụ thuộc vào tiền trợ cấp thương binh ít ỏi hàng tháng của ông Thẹo. Thương con, không quản ngại vất vả nắng mưa, hàng ngày vợ chồng ông đi làm thuê, mướn, sống tằn tiện từng đồng cũng chỉ đủ cho các con no bụng.
Ông Thẹo tâm sự: “Đến lúc, 3 người con lớn vào đại học và 4 đứa đang học phổ thông, cuộc sống gia đình tôi tưởng chừng không vượt qua được, nhiều đứa con sẽ phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Nhưng, rất may đúng lúc đó, với sự giúp đỡ của anh, chị em trong gia đình, bằng nguồn vốn vay của Nhà nước, gia đình tôi đã vượt qua khó khăn, các con đều được đi học”.
Được biết, 7 người con của ông Thẹo đến này đều học đại học và có việc làm ổn định.
Còn đối với gia đình ông Võ Phú Hội ở ấp 5, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, nhà có 5 người sống trong căn nhà lá xiêu vẹo, mục nát lại không có ruộng để cày cấy. Vợ chồng ông chỉ sống vào nghề làm thuê, làm mướn để có tiền nuôi con ăn học từng ngày.
“Vợ chồng tôi tâm niệm rằng việc cần nhất trong đời là nuôi dạy các con học hành đến nơi đến chốn, luôn động viên nhắc nhở các con yêu lao động và vượt khó học giỏi. Vì thế, vợ chồng tôi không ngại khó, ngại khổ đi thuê đất làm ruộng, trồng dưa, chăn nuôi thêm” - ông Hội chia sẻ.
Biết gia đình nghèo, thương bố mẹ nên 3 con ông Hội, sáng theo mẹ cắt lúa, nhổ cỏ mướn chỉ mong kiếm được chút tiền phụ giúp cha mẹ, trưa về đi học, chiều về phụ nấu cơm dọn dẹp, tối ba chị em chỉ bảo nhau học bài, làm bài.
Không phụ lòng cha mẹ, hai người con nhỏ luôn nỗ lực học tập tốt, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cả hai đều đậu vào trường THPT Tân An. Niềm vui nhân đôi khi hay tin đứa con gái thứ hai đậu vào Trường Đại học Cần Thơ ngành Sư phạm Vật lý.
Học sinh Hà Nội chúc mừng đại biểu về dự Đại hội Gia đình hiếu học lần thứ II.
Nghèo nhưng vẫn hiến đất xây trường
Gia đình ông Chảo Phủ Páo, dân tộc Dao, thôn Sùng Hoảng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng ông nuôi dạy 3 con đều học hành thành đạt.
Tuy nghèo nhưng hết lòng vì sự học, gia đình ông đã đóng góp 1.200m2 đất để xây dựng trường học. Ngoài ra, gia đình ông còn thường xuyên vận động nhân dân trong thôn bản tham gia vào hội, thành hội viên chi hội khuyến học của thôn, ủng hộ xây dựng quỹ khuyến học của thôn.
Hay như gia đình ông Ksor Ký, dân tộc Jrai ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, gia đình ông có 9 người con (5 trai, 4 gái), trong đó có 4 con học Đại học Y Dược TPHCM, 2 con học Đại học Sư phạm, đã có công ăn, việc làm ổn định. Con trai thứ 5 của ông Ksor Ký đang học ngành Tin học tại trường Đại học Tây Nguyên và 2 người con út đã học hết lớp 9, xây dựng gia đình, làm nông tại địa phương.
Ông Ksor tâm sự: “Là gia đình dân tộc thiểu số nghèo, nhưng tôi luôn trăn trở với việc học. Đối với tôi, được nhìn các con được học hành là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Tôi đã dành cả cuộc đời vất vả mưu sinh để lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn. Chính sách ưu đãi cho sinh viên vay vốn học tập đã giúp các con tôi được đi học, được học hành thành đạt. Tôi cảm ơn Đảng và Chính phủ rất nhiều”.
Hồng Hạnh