Những dòng họ không có con cháu bỏ học

(Dân trí) - Dòng họ có tác dụng gắn kết mọi gia đình trong việc duy trì và phát huy những truyền thống tốt đẹp của họ tộc. Ngày nay hàng vạn dòng họ thi đua nhau khuyến khích con cháu học tập. Thậm chí, có dòng họ còn đặt ra “kỷ luật” không để con cháu bỏ học.

Đại hội thi đua khuyến học và biểu dương các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học sẽ khai mạc vào ngày mai 9/10 tại Hà Nội. Về dự Đại hội lần này sẽ có 393 đại biểu gồm 176 đại biểu gia đình hiếu học xuất sắc đại diện cho trên 5,5 triệu gia đình hiếu học, 75 đại biểu xuất sắc đại diện cho gần 6 vạn dòng họ hiếu học, 75 đại biểu xuất sắc đại diện cho 20 vạn cộng đồng khuyến học trong toàn quốc.

Theo yêu cầu của Hội Khuyến học Việt Nam, đối với gia đình hiếu học và dòng họ hiếu học là mỗi gia đình hiếu học có ít nhất 1 hội viên khuyến học, mỗi dòng tộc hiếu học có 1 chi hội (hay 1 ban) khuyến học. Chính yêu cầu này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng số lượng hội viên Hội Khuyến học lên tới gần 11 triệu người, chiếm trên 12 % dân số trong cả nước. Chính những gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học đã xây dựng nên một xã hội học tập và là một cách làm độc đáo ở Việt Nam mà nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định tại Đại hội Khuyến học năm trước.
Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu trao tặng giấy khen đến học sinh giỏi.

Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu trao tặng giấy khen đến học sinh giỏi.

Điển hình như dòng họ Tống ở xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, có 80% trong tổng số 180 hộ (tức 144 hộ) gia đình trong dòng họ Tống đã đăng ký phấn đấu “Gia đình hiếu học”. Năm 2012 có 90% tổng số hộ đăng ký đạt tiêu chuẩn “Gia đình hiếu học”, 100% con cháu dòng họ trong độ tuổi đến trường học, không có học sinh bỏ học hoặc lưu ban; 90% con em đi học đạt chuẩn quốc gia THCS; 98% con em phổ cập đi học hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS. Đến năm 2012, dòng họ Tống có 24 người có trình độ Đại học, 1 người trình độ trên Đại học, 50 người có trình độ Cao đẳng, 70 người có trình độ THCN.

Quỹ của dòng họ Tống thu được trong 3 năm (2010 - 2013) là trên 20 triệu đồng, trích cho quỹ khuyến học 50%. Vận động được trên 30 thành viên trong dòng họ tham dự các lớp tập huấn tại Trung tâm học tập cộng đồng về kỹ năng chăm sóc sức khoẻ sinh sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, khuyến nông, khuyến lâm…

Dòng họ Hoàng ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có 54 hộ gia đình với 215 nhân khẩu, không có người mù chữ, không có người bỏ học. Từ trước đến nay trong dòng họ có trên 100 người tốt nghiệp THPT, có 23 người có trình độ cao đẳng và đại học, có 25 người có trình độ trung học chuyên nghiệp, có 4 người có trình độ cao học.

Mỗi năm mỗi hộ gia đình ủng hộ quỹ khuyến học của dòng họ 100.000 đồng để thưởng cho các cháu có thành tích cao. Quỹ của dòng họ thường xuyên duy trì ở mức 20.000.000 đồng. Hằng năm vào ngày giỗ tổ có phần thưởng cho các cháu có thành tích cao trong học tập. Mỗi cháu đỗ đại học được dòng họ thưởng 2.000.000 đồng. Từ năm 2006 đến 2013 trị giá trên 100.000.000 đồng.

Dòng họ Nguyễn ở thôn Đon Thài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Các con cháu của dòng họ Nguyễn đến nay có 175 người, trong đó có 33 người có bằng trung cấp, 15 người có bằng cao đẳng, 30 người có bằng đại học và 6 người có bằng thạc sĩ.

Trong quy chế của Hội Khuyến học Dòng họ và Quỹ khuyến học, Hội vận động thành viên trong dòng họ hàng năm đóng góp 1 ngày lương với những người làm công chức, người về hưu, 10 kg thóc với những hộ làm nông nghiệp và cùng sự ủng hộ của các nhà hảo tâm quỹ khuyến học của dòng họ đã có được 21 triệu đồng, số tiền này được gửi vào tiết kiệm để lấy lãi.

Hàng năm, hội trích 1 phần quỹ để trao tặng cho những con em có thành tích trong học tập như học sinh tiên tiến, học sinh giỏi từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/em với những em đỗ thẳng đại học là 500.000 đồng/em.

Dòng họ Đỗ ở thôn Phù Lôi, xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã hình thành và phát triển trên 400 năm. Họ Đỗ hiện có trên 100 hộ. Trên 60 gia đình đã có con được học các trường nghề từ sơ cấp đến đại học. Dòng họ thống kê: Số hộ cả bố và con được học đại học là 8 (1 gia đình: bố tiến sĩ, con học thạc sĩ). Số hộ mới có đời con học đại học: 23. Số hộ có con học cao đẳng, trung cấp: 29. Trong giai đoạn này, con em Họ Đỗ có 262 người bước vào đời lập thân, lập nghiệp, thì 155 người đã được học các ngành nghề = 59,16%/262. Trong đó, đại học, cao học là 48 = 18,32% (có 1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ). Cao đẳng, trung cấp là 107 = 40,84%.

Ban khuyến học dòng họ Đỗ đã rút kinh nghiệm 20 năm làm công tác khuyến học đã đề ra Bản “18 điều cần làm để nâng cao chất lượng công tác khuyến học”, kinh nghiệm này đã được báo cáo tại Đại hội biểu dương gia đình, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học huyện Phổ Yên.

Dòng họ Đặng ở thôn Trung Bản, xã Liên Hoà, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh có 64 hộ gia đình, với 250 nhân khẩu hoạt động khuyến học, khuyến tài từ năm 1997.Từ năm 1997 đến năm 2012, dòng họ đã trao thưởng cho 471 lượt cháu, trong đó có 302 cháu là học sinh xuất sắc cấp trường trở lên, 18 cháu là học sinh giỏi cấp tỉnh, 1 cháu đoạt giải thưởng cấp quốc gia, 1 cháu đoạt giải cấp quốc tế, 42 cháu đỗ Đại học, trong đó có nhiều cháu đã liên tục nhiều năm được nhận tặng thưởng của dòng họ. Số tiền trao thưởng khuyến học, khuyến tài của dòng họ cho các cháu đến nay là hơn 40 triệu đồng.

Ông Đặng Huy Tô, đại diện dòng họ cho biết: “Ngoài việc khen thưởng, Ban khuyến học của dòng họ đã phát triển phong trào “Ba đỡ đầu”; hàng năm đã trích hàng triệu đồng hỗ trợ, động viên các cháu có hoàn cảnh khó khăn trong dòng họ không để các cháu phải bỏ học, nghỉ học. Phong trào phấn đấu trở thành gia đình hiếu học từ 50%, 60%, nay 100% các gia đình đều đăng ký và đều được công nhận gia đình hiếu học trong đó 80% gia đình hiếu học cấp thị xã và tỉnh”.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm