Bạn đọc viết:

“Tôi không chuyển khẩu để “chạy” trường tốt cho con”

(Dân trí) - Tôi đã phải vận động để vợ thống nhất cho con về học “trường làng”, vừa gần nhà, vừa đỡ tốn kém thời gian, chí phí, vừa giảm áp lực, để con có tâm lý thoải mái. Tôi tin rằng cháu sẽ tiến bộ mà không nhất thiết phải chuyển khẩu để chọn trường tốt.

Con tôi hiện đang học tiểu học, đây là trường điểm của tỉnh. Cháu may mắn vào học là nhờ bốc trúng thăm. Sang năm là lớp cuối cấp và phải chuyển trường. Do cháu học không xuất sắc nên không đủ điều kiện theo học tại các trường chuyên, trường điểm của tỉnh. Vì vậy, theo quy định thì cháu phải học ở trường địa phương theo hộ khẩu thường trú.

Hiện nay, tôi đang thường trú ở xã nên bắt buộc khi chuyển cấp, con tôi phải về học tại xã. Vợ tôi thì nhất quyết không chịu, bắt tôi phải nhờ vả hoặc chuyển khẩu để con được học tại các trường ở trung tâm thành phố. Tôi thì nhất quyết không chịu, cho rằng nếu ai cũng chuyển khẩu để con theo học ở trường tốt thì chỗ đâu mà học. Nếu có cho học thì cũng xảy tình trạng nhồi nhét, quá tải, rồi phát sinh tiêu cực.

Qua tìm hiểu phụ huynh học sinh cùng trường của con thì họ đều cố gắng chọn trường tốt cho con sau khi chuyển cấp, mục đích là cho con mình có môi trường đào tạo tốt nhất, để các em có nền tảng kiến thức vững vàng hơn. Nhiều phụ huynh chấp nhận "chạy" trường cho con bằng mọi cách nên đã phát sinh tiêu cực trong môi trường giáo dục, gây áp lực, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, việc phụ huynh chuyển khẩu để con được học trường tốt sẽ gây nên áp lực không nhỏ đối với nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục, bắt buộc phải ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng và nâng cấp trường học để đáp ứng với nhu cầu... Nếu không có giải pháp hạn chế thì tình trạng phụ huynh chuyển khẩu để con được học trường tốt sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục hiện nay.

Việc phát huy khả năng học tập của các em là tổng hòa các yếu tố chứ không phải nhất thiết phải “chạy” vào trường tốt, trường điểm. Đôi khi phụ huynh vô tình gây áp lực cho các cháu trong việc học tập như bắt chạy theo thành tích ảo, các cháu sẽ có tính ỷ lại, dựa vào cha mẹ, mặt khác, có thể làm cho các cháu có hành vi coi thường, miệt thị đối với các bạn cùng trang lứa đang học tại các trường có chất lượng giáo dục thấp hơn.

Đối với trường hợp của con thì tôi phải vận động để vợ thống nhất cho con về học “trường làng”, vừa gần nhà, vừa đỡ tốn kém thời gian, chí phí, vừa giảm áp lực, để con có tâm lý thoải mái, "vừa học, vừa chơi". Đồng thời đó, tôi sẽ cố gắng kèm cặp, dạy bảo cháu, nhất là rèn cho các cháu có ý thức tự học, tự tìm hiểu, nghiên cứu các bài tập nâng cao; học tập qua mạng… Tôi tin rằng cháu sẽ tiến bộ, học giỏi mà không nhất thiết phải chuyển khẩu để chọn trường tốt, vừa rắc rối, vừa gây ra xáo trộn trong cuộc sống mà chưa chắc con mình có thể học giỏi.

Đỗ Văn Nhân

(Kon Tum)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Dòng sự kiện: Câu chuyện giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm