Bạn đọc viết:
Đừng để học trò sợ thầy cô giáo
(Dân trí) - Câu chuyện bắt đầu từ một buổi họp phụ huynh của con trai tôi. Một phụ huynh không ngần ngại hỏi thẳng thầy hiệu trưởng rằng “Vì sao con họ không thích đến trường, cháu bảo rất sợ cô giáo chủ nhiệm. Phải chăng cách giáo dục của thầy cô hiện nay quá nghiêm khắc. Nên chăng nhà trường xem xét lại vấn đề này”.
Từ sự việc trên, phụ huynh bắt đầu vào vấn đề "thầy cô có nên nghiêm khắc quá với học trò". Nhiều người cho rằng giáo viên cần phải nghiêm khắc với học trò, thầy cô nghiêm khắc trò mới ngoan. Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến cho rằng thầy cô không nên quá khắt khe với các em. Làm sao để tạo được sự thân thiện vui vẻ của học trò. Làm sao để các em có cảm giác vui vẻ khi đến trường. Người nào cũng bảo vệ bằng được ý kiến của mình.
Theo tôi, thực ra trong quá trình dạy học, mỗi thầy cô sẽ có những cách giáo dục học trò khác nhau. Có thầy cô thì rất nghiêm khắc với học trò. Mục đích của cách giáo dục này là học sinh đi vào nề nếp. Thầy nói gì, trò sẽ phải nghe theo. Hầu hết các thầy cô nghiêm khắc học sinh rất ngoan. Các em thường răm rắp thực hiện theo mệnh lệnh của thầy cô. Những thầy cô nghiêm khắc thường rèn cho học sinh tính nguyên tắc kỉ luật. Còn những thầy cô dễ tính thì nếp lớp thường lộn xộn. Các em thường hay nói chuyện trong giờ học. Nhiều em còn không chịu học bài vì giáo viên quá dễ.
Như vậy, cách giáo dục nào cũng có ưu điểm và nhược điểm. Các thầy cô dễ các em thường không nghe lời, nhiều em thường vi phạm nội quy mà không sợ vì "thầy (cô) em dễ lắm". Nhiều giáo viên bộ môn không thích dạy ở các lớp có giáo viên chủ nhiệm dễ. Lí do là học sinh các lớp này thường hay nói chuyện trong giờ học. Tuy nhiên, học sinh ở các lớp này thường có tâm trạng vui vẻ, hoạt bát. Các em thường tỏ ra quý mến thầy cô vì cô dễ thương. Còn đối với các thầy cô nghiêm khắc quá thì học sinh thường có hai mặt. Trước thầy cô thì tỏ ra là học sinh chăm ngoan, nhưng sau lưng thì các em lại dễ nổi loạn chống đối. Thậm chí, nhiều em còn phản ứng lại khi thầy cô áp dụng những hình phạt gay gắt.
Một số phụ huynh cũng cho rằng các trường đang xây dựng phong trào thi đua "trường học thân thiện, học sinh tích cực". Vậy nếu thầy cô nghiêm khắc quá thì còn đâu là "trường học thân thiện" nữa. Nhiều em còn không dám đi học vì sợ cô giáo phạt. Có em đến giờ học mà không thể tập trung bài vì sợ hãi. Hầu hết phụ huynh không đồng tình với thầy cô quá nghiêm khắc. Họ cho rằng nếu thầy cô cứng nhắc quá sẽ khiến cho con cái của họ luôn có cảm giác lo sợ khi học bài. Nhiều em vì thế mà “nổi loạn” để phản đối thầy cô.
Như vậy để giáo dục một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn không phải dễ dàng gì. Ngay trong các gia đình cũng vậy, người nguyên tắc với kỉ luật thép, người dịu dàng, thoải mái với con. Cách giáo dục nào cũng có những ưu điểm và khuyết điểm cả. Rất nhiều gia đình nghiêm khắc mà con vẫn hư, nhưng nhiều người dạy con rất nhẹ nhàng mà vẫn cho kết quả tốt.
Là một phụ huynh, bản thân tôi nhận thấy mỗi phương pháp sẽ có ưu, khuyết khác nhau. Tuy nhiên, tôi cũng không đồng tình cách giáo dục quá nghiêm khắc của một số thầy cô. Bởi suy cho cùng học sinh đều là những đứa trẻ hiếu động. Nếu chúng ta o ép chúng vào khuôn khổ quá mức đôi khi sẽ phản tác dụng. Vì thế mà nhiều em tỏ ra sợ hãi với những thầy cô quá nghiêm khắc. Nhưng tôi cũng không đồng tình với những thầy cô quá dễ khi lên lớp. Các em là học sinh cần phải tuân thủ nguyên tắc trường học nghiêm túc. Trong quá trình giáo dục, giáo viên cần vận dụng linh hoạt tính "nhu, cương" cho phù hợp. Thầy cô cần biết khi nào thì cương và khi nào thì nhu. Làm sao để các em vẫn nhận ra tình cảm chân thành của thầy cô dành cho mình.
Một nữ sinh lớp 8 ở thị trấn Hòa Thành, Tây Ninh cho biết: “Em rất sợ cô giáo chủ nhiệm mình. Ngày nào đến lớp cô cũng bắt bẻ các bạn đủ kiểu. Nào là trực nhật trễ, giặt đồ lau chưa sạch. Rồi lớp chưa đạt nhiều hoa điểm 10, giờ học tốt. Bạn nào lỡ bị ghi trong sổ đầu bài là cô bắt chép phạt mỏi tay. Tuần nào lớp em cũng giành cờ luân lưu nhưng chẳng ai hào hứng phấn khởi. Nhiều khi cô vào lớp là chúng em run bần bật”.
Thế mới thấy công tác giáo dục của thầy cô thật không đơn giản. Mỗi người cần vận dụng linh hoạt sự nghiêm khắc của mình trước học trò. Làm sao để các em luôn cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Loát Trần
(Châu Thành, Tây Ninh)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!