1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Thứ trưởng Bộ Giáo dục: Thầy cô vùng núi hy sinh "cõng chữ" cho học trò

Nhung Nhung

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ và bày tỏ sự cảm ơn đến các thầy cô giáo cắm bản đã phải hy sinh gia đình, cuộc sống để đem cái chữ đến với học sinh.

Tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 tổ chức vào ngày 16/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, 58 thầy cô đại diện cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa được chọn tuyên dương trong chương trình này là những tấm gương luôn tích cực, không quản ngày đêm vì học sinh thân yêu từ mầm non đến trung học phổ thông.

Nhiều thầy cô có bố mẹ bệnh tật, chồng công tác xa. Có thầy cô đã vượt qua những thử thách như thiếu thốn cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở, đi lại... để bám trường, bám lớp. Có người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để gắn bó, mang con chữ đến cho học trò.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Ngô Thị Minh biểu dương những thành quả, cống hiến, đóng góp của các thầy cô đang công tác nơi vùng cao.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục: Thầy cô vùng núi hy sinh cõng chữ cho học trò - 1

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu (Ảnh: Đặng Hải).

Ghi nhận nỗ lực, cố gắng, đồng thời chia sẻ với các khó khăn của các giáo viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh mong các thầy cô tiếp tục nỗ lực cố gắng, chủ động và bản lĩnh để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục tại vùng khó, nhất là trong giai đoạn thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Nhân dịp này, Thứ trưởng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 63 thầy cô giáo tiêu biểu người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục: Thầy cô vùng núi hy sinh cõng chữ cho học trò - 2
Tham dự chương trình có 58 giáo viên đang trực tiếp giảng dạy cho các học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. (Ảnh: Đặng Hải).

Tại buổi gặp mặt, đã có 6 ý kiến chia sẻ về những khó khăn, hạn chế trong công tác giáo dục tại vùng dân tộc thiểu số.

Nhiều thầy cô cũng bày tỏ trăn trở khi khó khăn cả về cơ sở vật chất, điều kiện sống, môi trường, nhiều nơi chưa có sóng Internet, điều kiện đi lại, đường sá khó khăn… dẫn đến chất lượng giáo dục cho trẻ dân tộc thiểu số còn hạn chế.

Các thầy cô đề xuất Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần có đề án cụ thể, chính sách cho thăng hạng chức danh nghề nghiệp, chế độ đãi ngộ đối với các giáo viên tổng phụ trách đội, hỗ trợ bán trú và cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy; có chính sách đảm bảo chế độ cho giáo viên và học sinh vùng cao.

Ngoài gia, các giáo viên đề nghị tiếp tục nhận được sự quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho đồng bào dân tộc; mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo, giúp giáo dục vùng dân tộc nâng cao chất lượng.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, lãnh đạo Bộ đang đệ trình lên Quốc hội cũng như tham mưu cho Chính phủ để có những cơ chế, chính sách hỗ trợ từng bước cho các thầy cô giáo, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa.

"Tiến trình đổi mới giáo dục vốn đã khó, đổi mới căn bản, toàn diện càng khó hơn, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy, các thầy, cô giáo nơi đây càng phải cố gắng hơn nữa để chung tay cùng toàn ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ này", Thứ trưởng Ngô Thị Minh bày tỏ.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ lòng cảm ơn đến các thầy cô giáo cắm bản đã phải hy sinh gia đình, cuộc sống để đem cái chữ đến với học sinh.