"Thầy cô trù dập học trò vì không học thêm thì không đủ tư cách dạy học"
(Dân trí) - "Thầy cô mà trù dập học sinh vì không học thêm là vi phạm đạo đức nghề rồi. Thời mình học cấp 2 cách đây gần 30 năm cũng có chuyện này, tới giờ có vẻ càng lúc càng trầm trọng hơn".
Mới đây, một người mẹ chia sẻ trên mạng xã hội việc con mình bị cô giáo đối xử bất công, "dìm" điểm và gạt khỏi danh sách thi học sinh giỏi cấp trường dù học lực thuộc nhóm đứng đầu lớp. Nguyên nhân bởi con chị không đi học thêm.
Tương tự, chị H.T.M. (giáo viên, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng có con đang học lớp 9 bị phân biệt đối xử do không đi học thêm. Chị cho biết cô giáo bắt đầu từ việc đe dọa nếu con không học thêm sẽ trượt kỳ thi cấp 3, sau đó nói bóng gió, khiêu khích khiến con xấu hổ, áp lực, phê bình con nặng nề trước lớp khi mắc lỗi và thường xuyên trừ điểm ở mức cao nhất trong các bài kiểm tra với những lỗi sai nhỏ nhất.
Vi phạm đạo đức nghề, không đủ tư cách dạy học
Trên thực tế, đây không phải sự việc hiếm gặp. Sau khi những chia sẻ trên xuất hiện, nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với hai vị phụ huynh bởi con mình cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi từ chối các lớp học phụ đạo của thầy, cô.
Bình luận dưới bài viết Con bị cô giáo "dìm" điểm vì không học thêm: Chuyển trường hay chiến đấu? , chủ tài khoản Công nghệ xử lý nước viết: "Con tôi cũng từng bị trù dập vì tôi phản ứng với quỹ phụ huynh đóng quá nhiều. Từ hạnh kiểm tốt học kỳ 1, sang học kỳ 2 lớp 5 bị phê hạnh kiểm mức kém. Tôi cùng con phải im lặng vì lúc đấy cháu cũng sắp lên cấp 2".
Tương tự, độc giả Nguyễn Tây Sơn chia sẻ: "Con tôi cũng đã từng bị vào năm học lớp 9 tại Đà Nẵng. Đây là tình trạng phổ biến, cần sự vào cuộc của Sở Giáo dục và hiệu trưởng. Không phải gia đình nào cũng đủ thời gian và kiên nhẫn để dạy con và con bạn có đủ năng lực để vượt qua tình trạng đó. Nếu không thể vượt qua, học sinh sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập và tương lai sau này".
"Thầy cô mà trù dập học sinh vì không học thêm là vi phạm đạo đức nghề rồi. Thời mình học cấp 2 cách đây gần 30 năm cũng có chuyện này, tới giờ càng lúc càng trầm trọng hơn", độc giả lam tuan chia sẻ.
Bên cạnh những bình luận đồng cảm, chia sẻ về "trải nghiệm" của bản thân cùng con, nhiều độc giả cũng bày tỏ sự phẫn nộ, sử dụng câu từ gay gắt để nói về đạo đức nghề nghiệp của những giáo viên này.
"Thầy cô giáo mà tâm địa trù dập học trò để học thêm thì không đủ tư cách dạy học. Việc này sẽ tác động không tốt, ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của các em. Tốt nhất chuyển đến môi trường khác nếu có thể", độc giả Ngọc Bình bình luận gay gắt.
"Cô giáo mà phân biệt học sinh vậy là suy nghĩ cạn rồi. Sau này đứa trẻ lớn lên sẽ rất hận và khinh bỉ cô giáo đó. Mình cũng gặp trường hợp cô giáo hồi lớp 7 không giữ lời hứa mà giờ 50 tuổi vẫn còn ghét cô đó", chủ tài khoản minh ho kể lại.
"Học sinh không phải người lớn để bảo em nào cũng phải chịu đựng hoặc biết cách ứng xử trong các tình huống bị cô "dìm", đặc biệt khi đó cũng rất dễ bị cô lập trong lớp. Có em tính cách vững vàng, có thể vượt qua. Có em nhạy cảm, nếu chịu tình cảnh đó kéo dài sẽ ảnh hưởng cả về tâm lý lẫn nhân cách. Giáo viên có người có tâm lấy lợi ích của học sinh là trên hết, có người cũng cay nghiệt, bảo thủ. Điều cần nhất là gia đình hiểu và là chỗ dựa tinh thần cho các em để tìm phương hướng phù hợp, dù ở lại hay chuyển trường", chị minh Nguyen tuyet chia sẻ.
Trong khi đó, anh Hồ Trung cho biết, mình chỉ quan tâm kiến thức và kỹ năng sống của con, không quan tâm nhiều về điểm số nên không "ngán" bất kỳ thầy cô nào. Tương tự, độc giả Hien Pham cũng cho rằng phụ huynh không nên thỏa hiệp với sự trù dập của cô giáo bằng cách miễn cưỡng cho con đi học thêm bởi điều đó đồng nghĩa dạy con sự cam chịu, khuất phục trước những bất công và chấp nhận thiệt thòi cho bản thân mình.
"Các con cần được vun đắp trong môi trường mà cô trò tràn đầy tình yêu thương, chứ không phải cô lại trở thành biểu tượng cho sự thù địch, bất công, mà chung quy chỉ là vì học thêm, mà học thêm cũng chỉ vì tiền. Tuổi thơ của con như vậy tội lắm mẹ ạ", độc giả này trải lòng.
Giải pháp nào để tháo gỡ xung đột?
Trên thực tế, việc phụ huynh không cho con đi học thêm và xảy ra xung đột với giáo viên là chuyện thường xuyên xảy ra, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Để bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của con, mỗi phụ huynh sẽ có những cách giải quyết khác nhau.
Có người "tặc lưỡi" miễn cưỡng cho con đi học thêm, chấp nhận phương án "dĩ hòa vi quý" nhằm giữ mối quan hệ tốt với giáo viên để con không bị trù dập. Người khác thì cho con chuyển trường để tránh áp lực, trong khi nhiều phụ huynh lại lựa chọn phương án đối đầu, đấu tranh quyết liệt với cô giáo, thậm chí nhờ sự can thiệp từ cấp cao hơn để "bóc trần" sự thật.
Mọi hành động đều xuất phát từ sự yêu thương của bố mẹ nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của con. Song giải pháp nào cũng đều có 2 mặt, và các phụ huynh nên khéo léo, cân nhắc từng động thái nhằm hài hòa các yếu tố, hạn chế tối đa thiệt thòi cho con trẻ.
Chia sẻ về cách làm của bản thân, độc giả TIEN LAM viết: "Tôi có con học lớp 2, lứa tuổi mà gần như nhà nào cũng cho học thêm nhưng tôi lại không cho đi từ lớp 1. Tuy nhiên, tôi có cách tiếp cận với cô giáo, tôi thường xuyên trao đổi việc học của con với cô. Ngày lễ, tôi cũng quan tâm tới cô giáo của con mình. Tôi thấy nhiều khi không phải cô cũng dìm con mà thực tế con chỉ đạt đến đó mà thôi.
Nhiều khi vì phụ huynh và cô giáo thiếu thiện cảm nên một sự việc nhỏ cũng bị hiểu nhầm. Có đợt con học kém thật, tôi cũng cho con đi học nhưng không diễn ra cả năm. Tôi nghĩ không nên căng thẳng quá, phải nhìn một cách khách quan".
"Con tôi không đi học thêm lớp tiếng Anh của cô chủ nhiệm, cũng không đi học thêm ở đâu hết (cô đỡ tức). Ban đầu cô cũng dìm , nhưng may là tiếng Anh của con khá, và tôi ứng xử như không có chuyện gì xảy ra, khi con có thành tích gì, tôi đều nhắn tin cám ơn cô - nhờ công cô dạy dỗ. Dần dần, cô chuyển sang quý con", chị Ngọc Phương chia sẻ.
Hoàng Diệu