Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: "Tri thức càng chia sẻ càng nhân lên nhiều lần"
(Dân trí) - "Điều đầu tiên của đề án giáo dục đại học số đó là chất lượng học liệu, cần sự chia sẻ nguồn học liệu. Tri thức càng chia sẻ thì càng nhân lên gấp nhiều lần", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nói.
Tri thức càng chia sẻ thì càng nhân lên gấp nhiều lần
Chiều 30/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp của Tiểu ban Giáo dục đại học (Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực) về "Góp ý dự thảo đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số".
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận và tiếp thu những nhận xét, kiến nghị, đề xuất của các chuyên gia để đưa vào đề án.
"Điều đầu tiên của đề án giáo dục đại học số đó là chất lượng học liệu. Muốn tạo ra giá trị tăng cao và đột phá, cần sự chia sẻ nguồn học liệu. Vật chất mà chia sẻ, sử dụng lại nhiều thì càng cũ, nhưng tri thức càng chia sẻ thì càng nhân lên gấp nhiều lần", ông Sơn khẳng định.
Thứ trưởng Sơn cho rằng, từng trường đưa học liệu lên nền tảng của trường cho sinh viên sử dụng, song nếu như đưa lên hệ thống chung thì giá trị sẽ nhân lên nhiều lần.
Vì vậy, hồn cốt của đề án giáo dục đại học số khác với trường đại học số. Bởi trường đại học số chỉ ở mức cơ sở, nhưng giáo dục đại học số lại mang tính hệ thống, vượt qua biên giới của trường đại học, thậm chí vượt qua tầm quốc gia.
Thứ trưởng Sơn cũng lưu ý về việc phải có hệ thống theo dõi, đánh giá quá trình người học.
"Chất lượng học liệu là quan trọng nhất, cùng với đó nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên. Trong quá trình sử dụng phải kiểm tra, đánh giá, sau này cải tiến liên tục để mô hình vận hành phải bền vững", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Những thách thức để xây dựng mô hình giáo dục đại học số
Góp ý về đề án, GS.TS Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu Cao cấp Về Toán (VIASM) cho rằng, cần xác định rõ mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể. Vấn đề xây dựng mô hình giáo dục đại học số phải làm như thế nào, cách thức triển khai?
"Tiên quyết là rà soát, thay đổi chương trình với nội dung đào tạo phù hợp với nhu cầu mới (bỏ và thêm). Xây dựng khóa học, học liệu số theo chương trình rà soát", GS.TS Hồ Tú Bảo nêu ý kiến.
Ông Bảo cũng chỉ ra một số thách thức, trong đó kiến thức và nghề nghiệp thay đổi nhanh, các cơ sở giáo dục đại học có chương trình đào tạo khác nhau, trình độ giáo viên, sinh viên không đồng đều... Vì vậy, phải tính đến tính khả thi của hệ thống.
Trong khi đó, PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), cho hay thách thức đầu tiên chính là cơ chế chính sách cho giáo dục đại học số chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, cần phải hoàn thiện chính sách này. Cùng với đó là thách thức về hạ tầng kỹ thuật và nguồn học liệu và đội ngũ giảng viên, cán bộ kỹ thuật vận hành hệ thống.
Ông Phong kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có những cơ chế chính sách để các cơ sở giáo dục có thể từ đó thực hiện, không nhất thiết phải thí điểm tại một số cơ sở giáo dục đại học. Vì nếu thí điểm một số đơn vị thì vô hình trung làm chậm vấn đề này.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nguồn học liệu chung để tiết kiệm nguồn lực; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ vận hành hệ thống.