Thông tư 30 sửa đổi sẽ được áp dụng trong năm học mới

(Dân trí) - “Khi sửa đổi thông tư phải có tiêu chí chuẩn kiến thức, kỹ năng dễ nhớ, dễ thực hiện. Một số tiêu chí phải được lượng hóa, cụ thể để học sinh hiểu mình tiến bộ hơn chỗ nào. Có thể đánh giá theo thang bậc A, B,C,D không nhận xét “có tiến bộ” hoặc mặt cười, mặt mếu như trước”.

Trên đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị góp ý, sửa đổi Thông tư 30/2014/TT-Quy định đánh giá học sinh tiểu học, và mô hình trường học mới, vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Một số tiêu chí phải được lượng hóa, cụ thể

Theo Bộ GD&ĐT, qua tổng hợp ý kiến của 63 Sở GD&ĐT cuối năm học 2015-2016 cho thấy, thông tư 30 đã đi vào cuộc sống, hầu hết giáo viên đều nhận thức được tính nhân văn, những quan niệm mới của Thông tư 30.

Cách đánh giá mới đã góp phần điều chỉnh cách dạy và học trong trường tiểu học. Đặc biệt, học sinh đã biết cách tự đánh giá bản thân mình và biết nhận xét góp ý cho bạn, giúp góp phần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích.

Mặc dù vậy, qua lắng nghe ý kiến của các địa phương, Bộ GD&ĐT thừa nhận, việc thực hiện Thông tư 30, đánh giá thường xuyên giáo viên còn có khó khăn, sĩ số lớp học vượt quá quy định. Vẫn còn cán bộ quản lý, giáo viên và cha mẹ học sinh chưa hiểu rõ bản chất, vai trò mục đích đánh giá thường xuyên và định kỳ.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh giá học sinh chỉ thông qua điểm số thì mới chính xác hoặc nhận xét không chấm điểm, học sinh sẽ lười học hơn.

Giáo viên nhận xét học sinh theo TT30 (Ảnh: Minh Quân)
Giáo viên nhận xét học sinh theo TT30 (Ảnh: Minh Quân)

Về phía đội ngũ giáo viên, còn khó khăn là mất nhiều thời gian để viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Khả năng viết nhận xét còn hạn chế.

Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ một số hạn chế, giáo viên quá coi trọng việc ghi đánh giá, nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng dẫn đến không có thời gian đầu tư nghiên cứu, giảng dạy, hiểu sai khái niệm đánh giá thường xuyên trên lớp và đánh giá định kỳ. Nhiều giáo viên nhận xét rập khuôn, học sinh không có sự cạnh tranh trong học tập, tiêu chí khen thưởng không rõ…

“Khen thưởng theo Thông tư 30 yêu cầu, học sinh nổi trội mặt nào thì được khen thưởng mặt đó, rất cụ thể, rõ ràng. Vậy nhưng, có trường ở Hà Nội ghi là “Giấy khen từng mặt” thì thiếu trách nhiệm quá”, ông Định nói.

Trước tình hình đó, theo Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, thời gian tới, Bộ sẽ sửa đổi bổ sung một số điều thực hiện Thông tư 30. Tiếp tục triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học:

Sẽ áp dụng TT30 sửa đổi đầu năm học mới

Tại Hội nghị góp ý, sửa đổi TT30, Bộ trưởng yêu cầu khi sửa đổi thông tư phải có tiêu chí chuẩn kiến thức, kỹ năng dễ nhớ, dễ thực hiện. Một số tiêu chí phải được lượng hóa. Ví dụ, trước đánh giá học sinh rất chung chung, nay phải cụ thể để học sinh hiểu hôm nay tiến bộ hơn hôm qua chỗ nào. Có thể đánh giá theo thang bậc A, B,C,D không nhận xét “có tiến bộ” hoặc mặt cười, mặt mếu như trước.

Giấy khen từng mặt của một trường tiểu học tại Hà Nội
"Giấy khen từng mặt" của một trường tiểu học tại Hà Nội

Đặc biệt, thông tư mới phải xây dựng một số tiêu chí để giáo viên làm căn cứ đánh giá, nhận xét học sinh. Phần học sinh nhận xét lẫn nhau cũng chỉ ở mức độ nhẹ. Ông Nhạ khẳng định: “Sau khi sửa xong bộ sẽ gửi các sở tham giảo, cho ý kiến rồi mới ký và thực hiện ngay trong năm học mới”.

Bộ tiếp tục đổi mới, thực hiện Thông tư 30 trên tinh thần giảm tải cho giáo viên, gây hứng khởi cho học sinh. Sau này không quá cầu toàn đánh giá hàng ngày mà đánh giá hàng tháng hoặc 3 tháng để tổng hợp từng khía cạnh, năng lực của học sinh. Bộ ra chương trình khung, ngoài ra tạo điều kiện cho giáo viên có sự sáng tạo, linh hoạt khi đánh giá.

(Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ)

Trao đổi với Báo chí về thời gian áp dụng TT30 mới, Bộ trưởng Nhạ cho hay, ông đang đề nghị các đơn vị của Bộ phải hoàn tất việc sửa đổi và ban hành ngay trong tháng 8 này, trước khi khai giảng năm học mới. Sau khi ban hành, các thày cô sẽ phải thực hiện.

“Vấn đề ở chỗ không phải do bất cập của TT 30 mà do một số thầy cô vẫn ngại thay đổi và cũng không thay đổi được nên dẫn đến bức xúc. Vì thế phải phân biệt rất rõ, đâu là cái bất cập có tính chất về chuyên môn kĩ thuật, đâu là những bất cập do thầy cô không đáp ứng được hay là ý thức bảo thủ”, Bộ trưởng khẳng định.

Cũng theo ý kiến của Bộ trưởng Nhạ:”Tới đây, tôi sẽ phân trách nhiệm rất rõ cho các địa phương và các Sở GD&ĐT phải có trách nhiệm trong việc hướng dẫn và tuyên truyền để cho các phụ huynh, các thầy cô hiểu thì mới làm tốt. Một khi họ còn chưa rõ, còn đang phân tâm thì làm sao thực hiện được”.

Bộ trưởng cho rằng, đối với bậc tiểu học, ông đánh giá rất cao, đó là bậc nền tảng. Các cháu phải được học, được đánh giá một cách hết sức nhẹ nhàng, căn bản chứ không phải thí nghiệm để cho mô hình này, mô hình kia. Và cũng không phải là chỗ để tranh luận cho người lớn.

“Tôi đã chỉ đạo hết sức cụ thể, các thầy cô phải quan tâm sớm trong tháng này để vào học là có thông tư 30 sửa đổi và tôi sẽ kí trực tiếp ban hành”, Bộ trưởng khẳng định.

Mỹ Hà

Dòng sự kiện: Sửa đổi Thông tư 30

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm