Thông tư 30 sửa đổi: Cách đánh giá và chương trình học còn “vênh” nhau

(Dân trí) - Dự thảo Thông tư 30 vừa được đưa ra đã có nhiều ý kiến trái chiều. Một số hiệu trưởng trường tiểu học tại Hà Nội cho biết, xem bản Dự thảo TT30 sửa đổi, trong đó có nhiều điểm giảm tải cho giáo viên. Tuy nhiên, giữa thông tư sửa đổi và chương trình tiểu học hiện đang “vênh” nhau nên lo ngại có bất cập trong thực hiện.

Giáo viên "nhẹ gánh"

Chia sẻ với chúng tôi về Dự thảo TT30 sửa đổi, cô Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) cho hay, một số thay đổi trong Dự thảo liên quan đến thêm/bớt từ không nói đến. Nhưng điểm khác biệt là Dự thảo thông tư sửa đổi có một số điểm giảm tải cho giáo viên. Chẳng hạn, giáo viên được chủ động trong việc nhận xét học sinh vào sổ hoặc nhận xét miệng về những điểm tiến bộ hoặc chưa.

Tuy nhiên, nếu đánh giá thay đổi này được hay chưa được, phải căn cứ vào quá trình thực hiện bởi văn bản đưa ra là một chuyện, quan trọng các trường vận dụng linh hoạt ra sao mới có tác dụng. Cụ thể, cô Ngọc lấy thí dụ như TT30 lúc chưa sửa đổi, nhà trường đã vận dụng rất linh hoạt. Cụ thể, nhà trường siết chặt việc giáo viên chấm bài kiểm tra cho học sinh phải kĩ lưỡng, không qua loa để học sinh không bị "thả lỏng". Nhà trường vẫn có điểm số qua bài kiểm tra để đánh giá xem học sinh tiến bộ hay không chứ không đưa vào sổ sách nhưng qua đó, các em phấn đấu học tập hơn.

Trong mục khen thưởng, việc ghi giấy khen cũng không chung chung mà nhà trường ghi rất cụ thể theo từng mức như: “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”; “Hòa thành tốt môn Toán”; “Hoàn thành tốt môn Khoa học...” nên phụ huynh vẫn hình dung được con mình đang ở mức độ nào.

Dự thảo TT30 sửa đổi giảm tải cho giáo viên
Dự thảo TT30 sửa đổi giảm tải cho giáo viên

“Nhiều trường còn ghi chung chung nhưng tôi thấy ở mục khen thưởng, ngay trang bìa học bạ đã có ghi rõ ràng. Các hiệu trưởng cứ thế mà làm theo đúng quy định nên qua hai năm triển khai TT30 ở đây, nhiều phụ huynh, học sinh hài lòng. Như trường tôi, học sinh tốt môn nào, nhà trường đều khen môn đó. Các cụm từ cũng dễ hiểu và phân chia ra ba cấp độ: Hoàn thành xuất sắc; Hoàn thành tốt và Hoàn thành từng mặt nào đó. Hiện nay, một số giáo viên và nhà trường còn sử dụng các cụm từ cụt lủn gây khó hiểu và còn thiếu sự tôn trọng người học”, cô Ngọc nói.

Cũng trao đổi về Dự thảo TT30 sửa đổi, cô Nguyễn Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn A chia sẻ, hiện nhà trường đang chờ Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai TT sửa đổi đến Phòng GD&ĐT sau đó đến các trường mới có thể nhận xét được chi tiết. Tuy nhiên, quan điểm của cô, làm sao tốt nhất cho học sinh là được.

Lê Đoan trang, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực nghiệm cũng nhận xét, Dự thảo thông tư dù sao cũng có phần giảm tải cho giáo viên và giáo viên có thể chờ đợi sự thay đổi trong giai đoạn tiếp.

“Khỏe” cho giáo viên thì không tốt cho học sinh

Tuy nhiên, cũng theo bà Đoan Trang, đành rằng mọi chủ trương đều do Bộ GD&ĐT quyết định nhưng với vai trò là nhà giáo, cô cho rằng, nếu đơn giản cho giáo viên thì sẽ không tốt cho học sinh. Và tốt nhất, nếu không tốt được cho cả giáo viên và học sinh thì nên nghiên cứu làm sao để tốt cho người học. Đặc biệt, Dự thảo thông tư 30 là đánh giá năng lực theo kiểu của mô hình trường học mới (VNEN) nhưng chương trình vẫn đang nặng về kiến thức như hiện nay, nếu cố gượng ép áp dụng sẽ bị “vênh” và khập khiễng.

Tuy nhiên, nếu khỏe cho giáo viên mà chưa tốt cho học sinh, theo một số hiệu trưởng nhà trường, cần phải xem xét.
Tuy nhiên, nếu "khỏe" cho giáo viên mà chưa tốt cho học sinh, theo một số hiệu trưởng nhà trường, cần phải xem xét.

“Việc Dự thảo đã cụ thể hóa việc đánh giá năng lực theo mức A, B, C là một cách giảm tải cho giáo viên. Tuy nhiên, cuối kì thì lại chấm điểm thì liệu có bất cập gì trong các vấn đề này không? Tôi nghĩ, việc đánh giá năng lực này gần giống với mô hình VNEN nhưng lớp học của VNEN rất vắng. Trong khi các trường công lập của chúng ta hiện có sĩ số quá tải.

Như trường tôi, sĩ số không quá cao mà mỗi lớp đã khoảng 40 em, như vậy nếu lớp đông thì ra sao? Tóm tại, điều bất cập cần giải quyết là đang “vênh” giữa kiến thức học sinh đang học với việc đánh giá, nhận xét kiểu đánh giá kiến thức mà Dự thảo đưa ra”, bà Trang nói.

Ngoài ra, cũng theo bà Trang, để lấy ý kiến rộng rãi của giáo viên, ngày 30/8, bà đã cho dán toàn bộ Dự thảo TT30 sửa đổi ở Văn phòng nhà trường để đóng góp ý kiến.

Còn theo cô Bích Ngọc, nghề gì cũng có sự vất vả. Tuy nhiên, nếu vất vả cho giáo viên mà “khỏe” cho học sinh vẫn là điều tốt. Ngược lại, nếu “khỏe” cho giáo viên thì chưa tốt cho học sinh- đó là thực tế.

Cô nói thêm: “Do TT30 quy định không chấm điểm nên nhiều em sau khi tốt nghiệp tiểu học, lên cấp 2 đều bị “sốc” vì hơn 10 môn đều chấm điểm. Vì thế, tôi trực tiếp giám sát giáo viên việc chấm điểm trong những học kì vừa qua, vì chỉ cần châm chước một chút, chấm sai một tí, học sinh sẽ không hình dung được trình độ mình đang ở đâu để ôn tập trong hè và vào THCS”.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Sửa đổi Thông tư 30