Trí thức trẻ, giảng viên trẻ, sinh viên Đà Nẵng góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng:

“Thi vào đại học hiện nay như mua vé vào sân vận động”

(Dân trí) - “Việc thi vào đại học hiện nay như mua vé vào sân vận động, vào được rồi thì không biết nên chọn chỗ ngồi nào để xem tốt hơn”

Đó là ý kiến của anh Đỗ Thế - Bí thư Đoàn trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tại Hội nghị trí thức trẻ, giảng viên trẻ và sinh viên đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng do Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức ngày 5/10.

 

Hội nghị trí thức trẻ, giảng viên trẻ và sinh viên đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng do Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức vừa diễn ra trong ngày 5/10.
Hội nghị trí thức trẻ, giảng viên trẻ và sinh viên đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng do Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức vừa diễn ra trong ngày 5/10.

Tham dự hội nghị có Chủ tịch Trung ương Hội sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Thành Đoàn TP Đà Nẵng cùng 150 đại biểu là cán bộ Đoàn các cấp, đại diện tổng phụ trách đội các quận, huyện, các giảng viên trẻ và sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Nhiều băn khoăn với việc thi đại học và “đầu ra” cho sinh viên

Rất nhiều ý kiến bày tỏ về những băn khoăn, trăn trở với việc định hướng chọn ngành thi vào đại học và cơ hội việc làm sau khi ra trường như ý kiến dẫn đề nêu trên.

Các đại biểu góp ý sôi nổi tại Hội nghị
Các đại biểu góp ý sôi nổi tại Hội nghị

Góp ý tại Hội nghị, anh Nguyễn Đức Tiến - Bí thư Đoàn ĐH Đà Nẵng cho rằng muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở bậc đại học cần bắt đầu từ bậc THPT với việc coi trọng công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Cùng quan điểm băn khoăn trước công tác hướng nghiệp cho học sinh chưa thực sự hiệu quả dẫn tới học sinh cuối cấp “thi vào đại học như mua một vé vào sân vận động, vào được rồi thì không biết nên chọn chỗ ngồi nào để xem tốt hơn”

Đại biểu Hoàng Huy Hùng, giảng viên trường ĐH Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng cho hay, học sinh và sinh viên hiện nay đang bước vào một cuộc đua thiếu định hướng.

“Chúng ta đang ở một cuộc đua mà không biết đâu là đích đến. Các trường tuyển sinh ồ ạt nhưng lại không cung cấp cho sinh viên những thông tin nhất thiết cần  biết như ngành nào ở địa phương, khu vực đã có nhu cầu nhân lực lớn, và chưa định lượng được là cần bao nhiêu để học sinh sinh viên có định hướng ngành nghề tốt hơn trước khi chọn học. Ai cũng mang tâm trạng là phải đậu đại học, đậu rồi thì phải ráng tốt nghiệp, tốt nghiệp phải loại giỏi. Nhưng thực tế sinh viên tốt nghiệp cầm bằng giỏi ra trường vẫn không tìm được việc làm đúng ngành nghề còn nhiều” - giảng viên trẻ Hoàng Huỳnh Hùng nói.

Nói đến vấn đề “đầu ra” cho sinh viên, Duy Anh - sinh viên ĐH Ngoại ngữ nêu ra việc các đơn vị tuyển dụng đa số đều đòi hỏi ứng viên có kinh nghiệm khiến sinh viên vừa mới tốt nghiệp ra trường rất thất vọng vì khó đáp ứng yêu cầu này. Đồng thời, đưa ra giải pháp kiến nghị Bộ GD-ĐT, các trường đào tạo nên liên kết với các công ty, doanh nghiệp giúp sinh viên có thể đến thực tập để tích lũy kinh nghiệm thực tế trước khi ra trường, thậm chí “ghi điểm” để sinh viên tốt nghiệp ra trường tự tin hơn với các yêu cầu của nhà tuyển dụng.

“Chảy máu chất xám” là chuyện “nói mãi”

Một vấn đề cũng được đưa ra bàn thảo sôi nổi tại Hội nghị là tình trạng “chảy máu chất xám” mà như một đại biểu nói là chuyện “nói mãi”.  Điển hình gần đây nhất và ngay tại Đà Nẵng là việc Đà Nẵng khởi kiện “nhân tài” được cử đi học nhưng lại “bội tín”, không trở về phục vụ thành phố.

Chị Nguyễn Thị Hằng Trang đến từ trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (Đà Nẵng) nói: “Chúng ta cần nhìn nhận tại sao họ được thành phố ưu ái cho đi học, đảm bảo việc làm nhưng lại không muốn quay về. Phải chăng chưa có một môi trường làm việc tốt, chưa có chế độ đãi ngộ thích hợp để nhân tài quay về, trụ lại cống hiến cho quê hương nên tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn cứ tiếp diễn?”.

Nhiều ý kiến đóng góp cần có những chính sách cụ thể để thu hút “nhân tài” trở về, ở lại cống hiến cho quê hương. Đồng thời, cần phát hiện kịp thời và hỗ trợ xứng đáng cho những nhà sáng chế chân chất, nghiệp dư nhưng lại nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm thiết thực, hữu dụng ngay trong cuộc sống lao động sản xuất đời thường.

Việc làm thế nào để thu hút cán bộ trẻ về làm việc tại vùng sâu vùng xa, miền núi,... nâng cao vai trò cống hiến của tuổi trẻ cũng được các đại biểu góp ý sôi nổi tại Hội nghị.

Ghi nhận các ý kiến, đóng góp, đề xuất của đại biểu dự Hội nghị, anh Lê Quốc Phong, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội HSSV Việt Nam bày tỏ: “Từ những tồn tại, bất cập đặt ra hôm nay, tôi hy vọng đội ngũ trí thức trẻ chúng ta sẽ sớm tìm cách khắc phục ngay từ trong đơn vị mình. Đó cũng là cách góp sức cho Đảng, cho Nhà nước”.

Khánh Hiền

(khanhhien@dantri.com.vn)