Đào tạo nguồn nhân lực phải là động lực cho sự đổi mới sáng tạo của một quốc gia

Phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2015 vừa qua đã gây nên nhiều sự ồn ào trong dư luận, nhưng "đầu vào" chưa hẳn là những vấn đề căn cốt của giáo dục đại học. Tham gia vào đợt sinh hoạt chính trị lớn - góp ý vào dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng - GS.TSKH, Nhà giáo Nhân dân Bành Tiến Long đã đề cập tới những nội dung cốt lõi để đổi mới toàn diện giáo dục ĐH nói riêng, đổi mới sáng tạo của đất nước nói chung. Đó cũng là nội dung cuộc trò chuyện của Báo Hànộimới cùng ông nhân dịp các tân sinh viên tựu trường.

 


GS Bành Tiến Long

GS Bành Tiến Long

 

Mô hình nào cho Việt Nam ?

- Từng là người tham gia xây dựng chiến lược phát triển cho giáo dục ĐH, nếu đánh giá một cách ngắn gọn, ông sẽ nói thế nào về nền giáo dục nước nhà?

- Phải khẳng định những đóng góp lớn lao của giáo dục đối với sự phát triển đất nước trong hơn 30 năm đổi mới, đó là: Giáo dục và đào tạo là nhân tố quan trọng góp phần đưa Việt Nam từ một nền kinh tế nghèo thành một nước có mức thu nhập trung bình, trình độ dân trí được nâng cao rõ rệt, một nước hội nhập quốc tế sâu rộng. Giáo dục nước ta trong 30 năm đổi mới có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, loại hình giáo dục, loại hình trường, đặc biệt là trường ngoài công lập, đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân, nhất là tầng lớp công dân thế hệ trẻ.

- Nhân tố quan trọng như ông vừa nhấn mạnh sẽ có vai trò thế nào trong tương lai, thưa ông?

- Các chuyên gia quốc tế cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam sẽ tiếp tục phụ thuộc vào một chương trình hoạt động mạnh mẽ về giáo dục và đổi mới sáng tạo. Trong ngắn hạn, tốc độ tăng trưởng khiêm tốn có thể được hỗ trợ bằng đầu tư nước ngoài có sức hấp dẫn nhờ mức lương thấp và môi trường kinh doanh tương đối ổn định. Nhưng trong dài hạn, tăng trưởng năng suất nhanh hơn, làm nền tảng cho sự thịnh vượng sẽ đòi hỏi phải có một cam kết rõ ràng và đúng đắn đối với việc cải cách mạnh mẽ hơn nữa hệ thống đào tạo nguồn nhân lực bậc cao và ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo.

Nói một cách tổng thể hơn là tạo ra một môi trường xã hội có khả năng cạnh tranh, đánh giá cao sự cởi mở đối với những ý tưởng mới và khuyến khích chấp nhận rủi ro và thúc đẩy, nâng cấp công nghệ. Đó chính là những yếu tố quan trọng tạo ra sự tăng trưởng nhanh chóng ở một số nước và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Singapore và Hồng Kông, Đài Loan.

- Bài học của các nước chưa hẳn đã có thể áp dụng một cách máy móc, thưa ông, bởi, mỗi quốc gia có những mục tiêu và điều kiện để đạt được mục tiêu rất khác nhau.

- Có những bài học đúng với mọi quốc gia. Đó là bài học về xác định mục tiêu, đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu, đưa ra những giải pháp tiến hành cụ thể ra sao cho mục tiêu này.

Xin lấy Hàn Quốc làm ví dụ. Kế hoạch phát triển của xã hội Hàn Quốc từng giai đoạn của một tổng thống rất rõ ràng: Chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp (Agricultural Society) sang xã hội công nghiệp (Industrial Society), chuyển sang xã hội thông tin (Information Society) và tiến đến xã hội tri thức (Knowledge Society).

Cùng với các giai đoạn phát triển xã hội đó thì sản phẩm công nghiệp cũng rất rõ ràng và tương ứng, đó là từ sản phẩm thô, sản phẩm nông nghiệp (Raw material, Agricultural products) chuyển sang sản phẩm công nghiệp (Industrial products), sản phẩm thông tin (Information products) và sản phẩm tri thức (Knowledge products). Hàn Quốc đã trải qua 7 nền Cộng hòa.

Mỗi nền Cộng hòa là 5-10 năm tương đương với 1-2 chu kỳ kế hoạch. Hiện nay Hàn Quốc đang ở nền Cộng hòa thứ bảy từ năm 2013. Chiến lược khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực từ 1960-1970 là chiến lược "Đuổi kịp" (Catch-up) và từ 1970-1980-2000 là "Đổi mới" (Innovation)…; thế kỷ XXI là văn hóa sáng tạo, con người tài năng sáng tạo, đầu tư nghiên cứu và phát triển; hệ thống cạnh tranh. Nhìn sang Đài Loan, Singapore... cũng vậy.

Trong khi đó, "Mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020", theo Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 là: "Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD". Theo một số chuyên gia Ngân hàng Thế giới, để tránh bẫy thu nhập trung bình thì đòi hỏi nước ta phải tăng trưởng đều đặn 8-10% trong hai thập kỷ tới. Đây là một câu hỏi và thách thức rất lớn.

Vậy cái gì sẽ dẫn đến thành công khi không có một công thức cứng nhắc cho Việt Nam chúng ta. Có nhiều quan điểm và giải pháp. Nhưng theo tôi, nhân tố rất quan trọng là đổi mới sáng tạo, mà nguồn lực và động lực chính cho đổi mới sáng tạo là nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học - công nghệ. Đổi mới sáng tạo là quá trình biến tri thức khoa học - công nghệ thành sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường, diễn ra ở doanh nghiệp.

Đổi mới sáng tạo là một nhân tố chủ yếu của Năng suất các yếu tố tổng hợp - TFP, chiếm ½ tăng trưởng của GDP. Trong Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng cần bổ sung nội dung này trong mục tiêu tổng quát. Với "Đổi mới sáng tạo" và với một bộ máy và sự vận hành thích hợp, sẽ là công cụ chìa khóa giúp cho chúng ta vượt qua bẫy thu nhập trung bình, từ đó chúng ta tìm ra "mô hình Việt Nam", khác với mô hình của các nước khác.

Nhưng ở bất cứ giai đoạn nào, thì đào tạo nguồn nhân lực vẫn phải là động lực cho sự đổi mới sáng tạo của một quốc gia, là chìa khóa của mọi lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là trong thời kỳ xây dựng công nghiệp hóa, văn minh hóa xã hội.

Các nhà khoa học Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan khi báo cáo các chủ đề liên quan đến "Đổi mới sáng tạo" thúc đẩy nền kinh tế phát triển đột phá, họ đều trích dẫn các nhân vật điển hình qua từng giai đoạn, đóng góp vào lĩnh vực cụ thể nào và kết luận các báo cáo đều là: "Nhân tài là nền tảng của sự phát triển".

- Như ông đã nói, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực để đổi mới sáng tạo. Cụm từ "nguồn nhân lực chất lượng cao" khá là quen thuộc ở Việt Nam, song có vẻ như nội hàm của khái niệm này chưa được "định nghĩa" một cách đúng đắn, đầy đủ, thống nhất?

- Các nước đổi mới thành công đều có một đội ngũ nguồn lực có chất lượng cao với hai nhóm quan trọng. Nhóm thứ nhất bao gồm đội ngũ nguồn vốn nhân lực tiên tiến - các nhà nghiên cứu cao cấp và các giáo sư đại học - những người tiến hành nghiên cứu, giảng dạy các sinh viên giỏi nhất (đặc biệt là trong giáo dục sau ĐH) và hình thành nên đội ngũ giảng viên cho các cơ sở giáo dục ĐH.

Nhóm thứ hai lớn hơn, được giáo dục và có kỹ năng tay nghề cao và ít chuyên sâu hơn - số này thường chiếm 80-85% quy mô đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp có tay nghề từ bậc ĐH. Nhóm thứ hai này thường không làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc tại các học viện.

Thay vào đó, họ giữ tất cả các vị trí từ cấp trung đến cấp cao trong các công ty, doanh nghiệp giúp trực tiếp biến tri thức thành các sản phẩm và xử lý các quy trình ứng dụng công nghệ có giá trị trên một quy mô lớn.

Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao của hai nhóm này cần có một hệ thống giáo dục ĐH tiên tiến, có chất lượng. Hệ thống giáo dục ĐH ấy phải lấy sinh viên làm trung tâm với vai trò mở rộng tính tự chủ của ĐH công lập và giáo dục ĐH tư thục; và coi việc phân bổ và đánh giá dựa trên kết quả đầu ra là hạt nhân của hệ thống nghiên cứu.

Chính sách nào cho đổi mới?

- Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu không phải bàn cãi. Nhưng chúng ta luôn đứng trước một mâu thuẫn không dễ giải quyết, đó là đất nước còn nghèo nên các điều kiện để xây dựng một hệ thống đào tạo tiên tiến còn nhiều thiếu thốn trong khi đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng trở nên cấp thiết. Có cách nào "gỡ" được mâu thuẫn này không, thưa ông?

- Câu trả lời là xây dựng chính sách đúng và mạnh. Trước hết, chính sách phải làm sao để có một hệ thống giáo dục ĐH được tái cấu trúc và quản trị theo hướng hiện đại, bảo đảm tự chủ, dân chủ, bình đẳng, chất lượng và hiệu quả làm động lực cho đổi mới sáng tạo. Mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH được phân tầng theo chức năng nhiệm vụ, có cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Trong đó trường ĐH theo hướng nghiên cứu khoảng 20-25 trường, còn lại là các trường ĐH theo hướng khoa học ứng dụng, trường CĐ chuyên nghiệp, CĐ cộng đồng, CĐ nghề.

Thứ hai, trong thực tế, hiện có những chính sách tôi cho rằng đang đặt ra những trở ngại lớn đối với chất lượng, tính phù hợp và độ bao phủ trong tương lai của hệ thống giáo dục ĐH. Đó là việc hạn chế nguồn thu thông qua trần học phí; làm chậm tốc độ tăng trưởng phân loại nguồn nhân lực thông qua kiểm soát hành chính; hạn chế sự lựa chọn của sinh viên đối với các chương trình cấp bằng.

Trong mỗi trường hợp, việc giải quyết trở ngại hiện nay sẽ giúp chúng ta tránh được một kết quả tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng nó lại cản trở những kết quả tích cực và sự phát triển lâu dài của hệ thống.

Vì thế, trước tiên cần phải bằng việc tự do hóa chính sách để tăng nguồn thu trong hệ thống; cho phép tuyển sinh theo phân loại nguồn nhân lực và được xác định bởi nhu cầu của sinh viên; tạo ra một vai trò lớn hơn cho các nhà cung cấp khu vực tư nhân (khu vực này cần được mở rộng mạnh mẽ bằng cải cách, nhất là các doanh nghiệp lớn) và buộc các cơ sở giáo dục phải thích ứng với sinh viên, tăng tính đáp ứng và năng động.

Thứ ba, để xây dựng các chương trình sau ĐH và các trường ĐH nghiên cứu chất lượng cao trong nước, chúng ta cần nỗ lực để xây dựng mạng lưới liên kết của mình với tri thức tốt nhất toàn cầu bằng hợp tác quốc tế.

Mối liên kết này sẽ cho phép đào tạo nguồn nhân lực tiên tiến hơn trong nước, giải quyết các vấn đề về chất lượng nghiên cứu thấp và trình độ thấp của các giảng viên. Đưa các mối liên kết quốc tế vào chất lượng trong nước đòi hỏi phải nâng cao số lượng và chất lượng của các chương trình sau ĐH trong nước và thúc đẩy nghiên cứu có chất lượng cao trong nước. Chúng ta phải thừa nhận rằng, hệ thống giáo dục ĐH của ta vẫn không mang tính đổi mới.

Quyền tự chủ trên thực tế của các cơ sở giáo dục ĐH là khá hạn chế. Về cơ bản đó vẫn là một hệ thống mà việc thực hiện chính sách dành ưu tiên để tránh một số hậu quả xấu chứ không phải là hướng tới kết quả tích cực. Khung pháp lý trên thực tế vẫn còn mang tính hạn chế và không đổi mới. Ví dụ, học phí được giới hạn bởi vì chúng ta cảm thấy rằng sinh viên đến từ các gia đình nghèo sẽ không thể đủ khả năng để vào các trường ĐH.

Tuy nhiên, trong thực tế, có rất ít bằng chứng thực tế về những gia đình nào thực sự có thể đủ khả năng. Hơn nữa đối với số này cần có chính sách khác. Các mục tiêu của chính sách hạn chế học phí trong thực tế không tạo ra hiệu quả mong muốn. Trong khi đó, nó hạn chế khả năng của các cơ sở giáo dục ĐH trong việc thu học phí của các sinh viên sẵn sàng và có thể chi trả nhiều hơn cho việc học của họ. Đây cũng là nền tảng cho cạnh tranh và bảo đảm chất lượng. Cho đến nay chúng ta mới làm được ít trong lĩnh vực này.

Trong tương lai, các cơ sở giáo dục ĐH công lập phải được tự quyết định theo chi phí đơn vị đào tạo. Ở đây tôi chỉ lấy học phí là một ví dụ minh họa cho vấn đề tự chủ của các trường công để nhấn mạnh một nguyên tắc trong làm chính sách là phải đẩy mạnh tự chủ cho các trường ĐH theo lộ trình cụ thể, giao tự chủ cho cơ sở giáo dục ĐH nào, giao đến đâu, cơ chế giám sát ra sao... phải rõ ràng.

Phát triển mạnh mẽ trường ĐH tư thục phi lợi nhuận để loại hình này dần dần cân bằng trong hệ thống giáo dục ĐH cũng rất cần những chính sách phù hợp và mạnh tay của Nhà nước.

- Trong điều kiện nguồn kinh phí nhà nước eo hẹp, mở rộng và tăng cường vị trí của các trường ĐH tư thục là một hướng đi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trừ một số trường tư thục có uy tín, nhiều trường đang lâm vào tình trạng "sống dở, chết dở" vì không có sinh viên. Trong một môi trường chính sách chung, tại sao có trường bứt lên, có trường lại đi xuống. Nguyên nhân rõ ràng là vì chất lượng kém, đó đâu phải là do chính sách, thưa ông?

- Trong những năm qua, tuy quy mô đào tạo được mở rộng, nhưng chất lượng giáo dục ĐH lại không đồng đều, có nơi chất lượng tốt lên, nhưng cũng có nơi chất lượng kém đi do chạy theo "nhu cầu thị trường" một cách thiếu cân bằng và thiếu quy hoạch, dự báo. Vì vậy, không chỉ trường ngoài công lập mà cả trường công lập cũng rơi vào cảnh không có người học. Cạnh tranh trong đào tạo, phần tầng giáo dục ĐH là tất yếu.

Chính sách phải tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Ở đây, nguyên nhân của việc các trường không tuyển sinh được ngoài yếu tố chủ quan, có yếu tố khách quan là chính sách. Cần phải xem lại cơ chế chính sách cân bằng trong đào tạo ĐH và các trình độ đào tạo khác giữa các địa phương. Cũng cần có cơ chế chính sách để huy động được các nguồn vốn trong xã hội cho phát triển nhân lực và cơ chế tài chính, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, lãi suất, đất đai... để các nhà đầu tư yên tâm xây dựng trường theo hướng phi lợi nhuận.

Ngoài ra đã đến lúc và rất cần thiết phải tái cấu trúc hệ thống giáo dục ĐH của chúng ta. Sự tồn tại và hoạt động của các trường đã đủ minh chứng để làm việc đó. Các doanh nghiệp, ngân hàng đã thực hiện tái cơ cấu. Sự đổi mới giáo dục vốn dĩ thường đã không theo kịp đổi mới kinh tế, xã hội kể cả trong tư duy và trong hành động.

Tôi mong và tin tưởng rằng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 sắp tới sẽ đề ra những quyết sách mạnh mẽ và đúng đắn để giáo dục nói chung, giáo dục ĐH nói riêng sẽ có những bước đổi mới mạnh mẽ, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, làm động lực cho đổi mới sáng tạo, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

- Xin cám ơn ông.

Theo Hà Nội Mới