Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII:

Trí thức trẻ TPHCM hiến kế phát triển giáo dục, khoa học công nghệ

(Dân trí) - Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, trí thức trẻ TPHCM đã đặt ra nhiều vấn đề xã hội đang quan tâm nhưng chưa được nói kỹ trong dự thảo. Các trí thức trẻ còn đưa ra giải pháp giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ.

Ngày 24/9, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị cán bộ, giáo viên, giảng viên trẻ và sinh viên đóng góp ý kiến dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tại TPHCM.


Khoảng 200 trí thức trẻ TPHCM đã đến tham dự Hội nghị góp ý kiến dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Khoảng 200 trí thức trẻ TPHCM đã đến tham dự Hội nghị góp ý kiến dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Về cơ bản, các đại biểu đồng ý với chủ đề và các nội dung chính được trình bày trong dự thảo. Chỉ có một số đại biểu góp ý về ngôn từ, văn phong, bố cục và cách thể hiện dự thảo văn kiện Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI sẽ trình tại đại hội.

Thành phần hội nghị góp ý lần này chủ yếu là giảng viên, sinh viên các trường đại học nên chủ đề giáo dục, phát triển nhân lực, khoa học công nghệ được đem ra nghiên cứu thảo luận nhiều. Các đại biểu có nhiều ý kiến đóng góp vào những nội dung: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ...

Về giáo dục, chị Trần Thị Thanh Trà, giảng viên ĐH Mở TPHCM, đặt vấn đề sử dụng nguồn lực con người. Theo chị, chúng ta tìm nhiều cách để nâng cấp giáo dục, đào tạo những thanh niên tài giỏi nhưng lại chưa có chính sách sử dụng nguồn lực đó, hàm lượng trí thức trẻ rất nhiều nhưng chưa tận dụng được.

Chị Trà dẫn chứng: “Như chương trình Đường lên đỉnh Olympia ta làm nhiều năm nay đã góp phần tìm ra nhiều tài năng, cho họ học bổng rất giá trị để đi Úc du học. Nhưng theo báo chí ghi nhận thì chỉ có duy nhất 1 người trở về Việt Nam làm việc, còn lại họ đều ở lại Úc”.

Do đó, theo Thanh Trà, để phát triển nguồn lực con người thì cái cần nhất là chính sách tốt để thu hút nhân tài, nhất là lượng du học sinh về nước làm việc. Vì họ là những người được xã hội đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc đào tạo nên lại không thể phục vụ cho đất nước.


Đại biểu Đỗ Trúc Quyên, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TPHCM, đề xuất tìm giải pháp cho vấn đề sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều

Đại biểu Đỗ Trúc Quyên, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TPHCM, đề xuất tìm giải pháp cho vấn đề sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều

Anh Trần Quốc Lâm, giảng viên ĐH Kinh tế, cũng đồng tình với ý kiến trên. Anh cho rằng: giáo dục cần đổi mới, nhưng chính sách sử dụng nguồn nhân lực cũng quan trọng không kém.

Anh Lâm cũng góp ý về nội dung Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ với định hướng đến năm 2020 có một số lĩnh vực đạt trình độ ngang tầm khu vực. Theo anh, cần xác định rõ nguồn lực khoa học của mình để lựa chọn cụ thể lĩnh vực nào cần tập trung phát triển chứ không thể nói chung chung là một số lĩnh vực. Anh nói: “Nguồn lực cũng có giới hạn, nếu nói chung chung thì ta sẽ đầu tư dàn trải, không làm được gì tốt!”.

Cũng về khoa học công nghệ, anh Trần Văn Thương, giảng viên ĐH Sư phạm TPHCM đề nghị cần có cơ chế liên kết các trường ĐH để nghiên cứu tốt hơn. Anh cho rằng: “Mỗi trường có thế mạnh về thiết bị và nhân lực riêng, nếu có thể liên kết có thể bù trừ cho nhau để đạt được hiệu quả nghiên cứu tốt hơn rất nhiều!”.


Đại biểu Trần Văn Thương đề xuất lập cơ chế liên kết trong nghiên cứu khoa học.

Đại biểu Trần Văn Thương đề xuất lập cơ chế liên kết trong nghiên cứu khoa học.

Đề xuất liên kết cũng được chị Nguyễn Phương Thúy, giảng viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM đưa ra ở một góc độ khác. Chị nói: “Vấn đề của nghiên cứu khoa học ở các trường hiện nay là nghiên cứu xong rồi để đó, rất lãng phí! Việc cần giải quyết là tìm đầu ra cho các sản phẩm khoa học và ứng dụng khoa học. Tôi đề nghị nên liên kết nghiên cứu liên ngành. Chẳng hạn như sinh viên kinh tế và kỹ thuật có thể nghiên cứu cùng nhau, kinh tế thì tìm được ý tưởng để phát triển thương mại, kỹ thuật thì tìm được hướng ứng dụng phù hợp”.

Bạn Trương Thị Thanh Trầm, sinh viên 5 tốt của ĐH Kinh tế TPHCM thì băn khoăn về việc sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường. Trầm nhắc lại vấn đề lớn nhất của giáo dục Việt Nam là đào tạo chú trọng lý thuyết hơn thực hành khiến năng lực thích ứng của sinh viên kém khi ra trường.

Bạn trẻ này nhấn mạnh đã đến lúc cần nghiên cứu thật kỹ vấn đề nguồn nhân lực để có giải pháp phát triển thích hợp khi chúng ta hội nhập ASEAN, kịp chuẩn bị để nguồn nhân lực trong nước có thể cạnh tranh với các nước lân cận.

Anh Lâm Thanh Minh, Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm TPHCM, cũng đồng tình với ý kiến trên. Anh đề nghị giải pháp cụ thể là phải quy hoạch lại mạng lưới đào tạo nghề nghiệp, xây dựng những trường trung cấp mang tầm cỡ quốc gia.

Chị Đỗ Trúc Quyên, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng đề nghị dự thảo văn kiện lần này chú trọng nghiên cứu, đề cập đến vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Đồng thời cũng phải nghiên cứu đến vấn đề quan hệ sử dụng nguồn nhân lực, đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tham gia làm việc để khuyến khích họ phát huy sự sáng tạo, đóng góp cho nghiên cứu, sản xuất.

Sau 1 buổi làm việc, tổng cộng hội nghị đã nhận được 24 lượt phát biểu trực tiếp tại hội trường với nhiều góp ý sâu sắc, được chuẩn bị công phu.


Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam kết luận hội nghị.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, phát biểu: “Các góp ý của các bạn là những chia sẻ, mong muốn, kỳ vọng, đặt vấn đề cho Đảng quan tâm giải quyết và cả phương cách giải quyết từ cách nhìn của các bạn. Đó là kinh nghiệm rất đáng quý!”.

Ông Lê quốc Phong cho rằng: “Tôi nghe các bạn góp ý tôi thấy được nhiệt tình đóng góp của những người trẻ đang được thụ hưởng những thành quả phát triển của đất nước, sự mong mỏi đất nước ngày càng giàu mạnh. Đây chỉ là bước đầu, mong là thời gian sau, trong quá trình học tập, công tác, các bạn chú tâm nghiên cứu và đề xuất thêm các ý kiến thiết thực cho đại hội”.

Tùng Nguyên - Ngọc Tiến

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm