Góp ý Dự thảo báo cáo Chính trị của BCHTW trình ĐH Đảng lần thứ XII:

Cần chỉ ra giáo dục của Việt Nam đang đứng ở đâu?

(Dân trí) - Trong bối cảnh chúng ta ngày càng hội nhập quốc tế cả chiều sâu lẫn bề rộng, Báo cáo chính trị của BCHTW cũng cần chỉ ra giáo dục và đào tạo của Việt Nam đang đứng ở đâu?


Lo lắng, căng thẳng trong thi cử hiện rõ trên khuôn mặt từng thí sinh

Lo lắng, căng thẳng trong thi cử hiện rõ trên khuôn mặt từng thí sinh

Đổi mới căn bản toàn diện là do giáo dục, đào tạo tụt hậu quá xa?

Nội dung về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; Phát triển nguồn nhân lực của đất nước đã được trình bày cô đọng, súc tích trong phần V của Báo cáo chính trị. Về cơ bản đã phản ánh được đầy đủ tinh thần Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XI. Tuy nhiên, Cần đưa vào báo cáo chính trị một nhận định quan quan trọng về nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém, đó là việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về  phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" còn chậm và lúng túng.

Chính vì vậy mà nhiều hạn chế, yếu kém của giáo dục và đào tạo đã được nêu từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII vẫn chưa được khắc phục cơ bản, có mặt nặng nề hơn. Do đó, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang trở thành một yêu cầu khách quan và cấp bách của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Có một câu hỏi đặt ra khiến nhiều người băn khoăn là phải chăng chúng ta tiến hành đổi mới căn bản toàn diện là do giáo dục, đào tạo nước ta tụt hậu quá xa so với thế giới và những hạn chế, yếu kém đã trầm trọng tới mức nếu không “làm lại từ gốc” (theo cách diễn đạt của một số ý kiến) thì hậu quả khôn lường ?

Đúng là nền giáo dục của chúng ta đang bất cập trước những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và sẽ có nhiều vấn đề phải giải quyết trong quá trình thực hiện đề án đổi mới giáo dục và đào tạo, nhưng nếu chỉ vì khắc phục sự yếu kém và lạc hậu, một bài toán của riêng ta thì có lẽ chưa phải tầm của công cuộc đổi mới lần này.

Báo cáo chính trị cần làm rõ thêm một thực tế trong mấy thập niên gần đây đổi mới giáo dục đào tạo là xu thế toàn cầu. Vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, khoa học và công nghệ trên thế giới phát triển như vũ bão tạo ra những bước tiến nhảy vọt, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử - viễn thông, tin học và công nghệ thông tin. Những thành tựu của sự phát triển này đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội trong từng quốc gia và trên phạm vi toàn cầu.

Để diễn đạt bước ngoặt trong tiến trình phát triển của nhân loại người ta đã nói đến một thời đại tin học với sự bùng nổ thông tin và công nghệ đổi mới nhanh đến mức chóng mặt. Đó chính là nền tảng khoa học – công nghệ của quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của kinh tế tri thức. Những chuyển biến hết sức mạnh mẽ này đã làm thay đổi, nếu không nói là đảo lộn nhiều triết lý, quan niệm, phương thức tổ chức và hoạt động của hầu hết các lĩnh vực mà trước hết và chủ yếu lại chính là giáo dục và đào tạo.

Các nước, bắt đầu từ những nước có nền khoa học phát triển, từ nhiều thập niên gần đây đã tiến hành xem xét lại toàn bộ hệ thống giáo dục của mình và một chuyển biến tương đối rõ là họ chuyển dần từ dạy kiến thức chuyên môn sang dạy cách tự học. Việc học tập không chỉ thực hiện ở nhà trường mà có thể ở nhà hoặc ở bất cứ đâu. Cơ hội học tập không chỉ dành cho với lứa tuổi cắp sách đến trường mà với bất cứ ai. Triết lý xã hội học tập, học suốt đời dần hình thành.

Tri thức là của chung nhân loại. Giáo dục, đào tạo là truyền thụ kiến thức nên từ bản chất lĩnh vực này đã chứa đựng thuộc tính không biên giới. Tuy nhiên, bất cứ nền giáo dục nào cũng lại chịu sự chi phối rất mạnh của văn hóa dân tộc và những bệ đỡ tư tưởng xuất phát từ những ý thức hệ khác nhau nên trong một thời gian dài từng tồn tại sự khác biệt rất xa về cấu trúc hệ thống giáo dục và cấu tạo chương trình.

Đổi mới giáo dục phải thực sự “nhúng” sâu trong môi trường quốc tế

Đổi mới giáo dục đào tạo, phải được xem là xu thế mang tính toàn cầu. Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Trong ý nghĩa này, công cuộc đổi mới giáo dục đào tạo ở Việt Nam không phải chỉ là vấn đề của riêng ta mà phải thực sự “nhúng” sâu trong môi trường quốc tế.

Trong bối cảnh chúng ta ngày càng hội nhập quốc tế cả chiều sâu lẫn bề rộng, Báo cáo chính trị cũng cần chỉ ra giáo dục và đào tạo của ta đang đứng ở đâu?

So với trình độ phát triển của giáo dục và đạo tạo trên thế giới, có thể không khó để nhận ra chúng ta đang khác (hay tụt hậu) so với thế giới trên các mặt sau đây:

Thứ nhất, chúng ta đã dừng quá lâu ở một nền giáo dục chú trọng trang bị kiến thức chuyên môn. Các chương trình đào tạo từ phổ thông đến đại học, sau đại học đều dày đặc các kiến thức cụ thể. Với lượng tri thức mới được sản sinh ngày càng nhiều và liên tục được cập nhật vào chương trình thì tình trạng quá tải là không thể khắc phục, nếu không nói là sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Việc nhớ những kiến thức ấy đã khó, vận dụng nó vào cuộc sống lại còn khó hơn.

Tri thức cụ thể dù cho mới đến đâu vẫn là cái đã biết nên luôn lạc hậu so với thực tiễn. Theo triết lý trọng kiến thức chuyên môn nên các trường đại học ở Việt Nam pjuaafn lớn được tổ chức theo hệ thống đại học chuyên ngành. Mỗi ngành hay một khối ngành có một (một số) trường đại học.

Để phục vụ mục tiêu giáo dục trang bị kiến thức chuyên môn, hệ thống phân loại môn chính, môn phụ cũng được tiến hành một cách giản đơn như đương nhiên phải thế (trong khi đó phương châm của Đảng là giáo dục toàn diện).

Đặc biệt nghiêm trọng là hệ thống thi cử, đánh giá. Coi việc nhớ kiến thức chuyên môn là quan trọng nhất nên việc thi cử tuyển đầu vào, kiểm tra trong quá trình học tập và đánh giá đầu ra đều lấy việc hỏi kiến thức cụ thể làm mục tiêu chủ yếu. Phương thức thi cử nhằm đánh giá kiến thức chuyên môn (cụ thể) sinh ra hệ lụy nan giải và những căn bệnh trầm kha khó lòng cứu chữa. Đó là học vẹt, học tủ và quay cóp.

Thứ hai, do phải mất quá nhiều thời gian và công sức để “cung cấp và tích lũy kiến thức” cụ thể (luôn quá tải) nên từ chương trình, người dạy, người học đều không còn đủ thời gian và sự quan tâm đúng mức cho việc trau dồi phương pháp, kỹ năng, học để hiểu biết về cuộc sống, về thế giới, dung dưỡng tâm hồn và đạo đức, lối sống…Nói tóm lại là học cách tự học và học làm người.

Điều đáng lo ngại là xu thế vị bằng cấp đang trở nên ngày càng phổ biến trong cộng đồng những người đi học. Đi học chỉ cốt để lấy bằng (và tệ hơn là nếu học ít, thậm chí không học mà vẫn có bằng thì càng hay).

Nhiều bậc trí giả lo lắng không phải không có cơ sở là xã hội ta ngày càng nhiều những người có học vị, bằng cấp cao, nhưng một đội ngũ trí thức với những nhân cách đáng kính của một tầng lớp dẫn dắt xã hội dường như ngày càng thưa vắng. Hiện tượng này có nhiều nguyên nhân, nhưng căn nguyên chính vẫn là từ chính những hạn chế và yếu kém của giáo dục đào tạo.

Thứ ba, một hạn chế lớn của giáo dục và đào tạo nước ta là việc dạy và học không gắn chặt với thực tiễn, nhất là các trường đại học. Đa phần các chương trình đào tạo hiện nay là những gì nhà trường và các thầy có đem áp đặt cho người học, chứ chưa phải là những cái xã hội cần.

Có một nguyên nhân quan trọng là ở nước ta trong một thời gian dài, cung và cầu của giáo dục đại học mất cân đối nghiêm trọng. Việt Nam là nước có truyền thống hiếu học và trọng học nên số người có nguyện vọng đi học (đúng ra là số gia đình mong muốn con vào đại học) thì đông mà số trường đại học (tốt) lại rất ít nên các cơ sở đào tạo đại học không có nhiều động lực để đổi mới.

Chương trình cũ, phương pháp dạy không thay đổi, chất lượng đào tạo không nâng cao cũng vẫn có rất đông người tranh nhau vào học. Những tiêu chí đánh giá về chất lượng giáo dục quốc tế dường như ảnh hưởng không nhiều lắm đến các trường đại học nước ta.

Thứ tư, cũng chính vì động lực đổi mới không cao và do một số nguyên nhân khác nữa, nền giáo dục của chúng ta tương đối khép kín. Về cơ bản, hệ thống giáo dục và các chương trình của các cơ sở đào tạo ở nước ta so với các nước tiên tiến trên thế giới còn có khoảng cách khá xa.

Và đặc biệt điều đáng nói là tính liên thông quốc tế của hệ thống giáo dục nói chung và của các cơ sở đào tạo nước ta nói riêng còn rất hạn chế. Nếu như ở nước ngoài (kể cả các nước Đông Nam Á), các trường đại học có thể dễ dàng trao đổi sinh viên với nhau vì họ công nhận hệ thống tín chỉ của nhau, thì điều này còn rất khó khăn với các trường đại học nước ta.

Trong hoàn cảnh nước ta, với những đặc trưng truyền thống của dân tộc và đặc điểm của đất nước hiện nay của chúng ta, đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo chỉ có thể thành công khi cả cả chỉ khi nào cả hệ thống chính trị vào cuộc và với sự chung sức của toàn dân. Điều này cũng rất cần được phản ánh trong báo cáo chính trị.

GS.TSKH Vũ Minh Giang

Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT - Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Mọi ý kiến đóng góp về giáo dục, mời độc giả gửi bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!