"Thay lời tri ân" và những câu chuyện truyền cảm hứng xúc động về thầy cô
(Dân trí) - Với chủ đề "Gieo mầm", Chương trình "Thay lời tri ân" năm 2021 nhằm ghi nhận và tôn vinh các thầy cô trong mọi hoàn cảnh đã vượt khó đóng góp cho những thành công của giáo dục nước nhà.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tối 14/11, Chương trình "Thay lời tri ân" (do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam) diễn ra tại Hà Nội.
Chủ đề "Thay lời tri ân" năm 2021 dựa theo ý tưởng của bài thơ "Người làm vườn" trong tập thơ "Người gieo hạt" của cô giáo Lê Mai. Bài thơ không chỉ là tâm huyết, trải nghiệm, nghĩ suy mà còn là một lời sẻ chia, nhắn nhủ: Chỉ khi nào, người làm vườn nâng niu, chăm sóc những hạt giống quý bằng tất cả tình yêu thì mới có thể mang đến cho đời những mùa quả ngọt, là sự nở hoa kết trái kỳ diệu của tài năng, trí tuệ, tâm hồn học trò.
Nhiều nội dung trong "Thay lời tri ân" năm nay gắn liền với bối cảnh giáo dục đặc biệt, khi bị tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh Covid-19.
Cùng với đó là những hình ảnh, câu chuyện truyền cảm hứng, xúc động, đáng khâm phục về những người thầy hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì học trò thân yêu.
"Người cha" thứ 2 của những học trò nghèo
Công Sơn là một xã nghèo của huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Nhiều năm qua, những học trò có hoàn cảnh éo le luôn được thầy Ngô Mạnh Cường, Trường THCS Sơn Công tìm cách hỗ trợ, cưu mang. Những học sinh được thầy hỗ trợ những năm qua, nhiều tới mức thầy không nhớ hết.
Dù đồng lương nhà giáo không nhiều, lại phải nuôi ba con ăn học nhưng thầy giáo Cường đã cố gắng dành dụm để hỗ trợ các em, rồi kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ.
Học trò cũ Nguyễn Tường Huy, một trong những em có hoàn cảnh khó khăn, đã được thầy Cường gần gũi, động viên và giúp đỡ để Huy trở thành tiến sĩ khoa học như ngày hôm nay.
Chia sẻ tại chương trình "Thay lời tri ân 2021 - Gieo mầm", TS Nguyễn Tường Huy, Trưởng bộ môn Địa lý kinh tế xã hội, Khoa Địa lý, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết: "Tôi sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn về mặt kinh tế và tình cảm. Từ nhỏ, tôi đã là người nhút nhát, tự ti, sống khép kín trước bạn bè và mọi người xung quanh. Khi đó, tôi chỉ biết lấy việc học làm niềm vui.
Năm lớp 7, thầy giáo Ngô Mạnh Cường được phân công làm giáo viên chủ nhiệm và giảng dạy môn Toán của lớp tôi. Thầy đã chủ động gần gũi, thăm hỏi gia đình tôi để thấu hiểu hoàn cảnh gia đình và bắt đầu hành trình truyền cảm hứng, giúp đỡ tôi suốt 40 năm vừa qua.
Dù thời gian đã chảy trôi, tôi vẫn nhớ như in hộp mứt Tết được thầy Mạnh Cường tặng khi còn khó khăn".
Hay như em Nguyễn Minh Hòa mồ côi cả cha mẹ, cũng được thầy giáo Cường gần gũi, động viên, giúp đỡ để tạo điều kiện cho em học hết lớp 12 và hiện nay em đã đi làm.
"Ở thế hệ thứ 3, em Trần Thị Hiền, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Tôi nghĩ với sự giúp đỡ của mình và các nhà hảo tâm, giúp Hiền cố gắng học hết cấp THCS và đã thi vào cấp THPT.
Đối với tôi đó là niềm vui lớn nhất của nhà giáo khi có những học sinh vững bước đi lên để có tương lai tươi sáng hơn", thầy Cường nhớ lại.
Thầy giáo "ngược đời", tình nguyện cắm bản
Tại chương trình, câu chuyện của thầy giáo Hò Văn Lợi khiến nhiều người xúc động. Thầy Lợi hiện là giáo viên cắm bản thuộc Trường PTDT bán trú Tiểu học Ngam La (xã Ngam La, huyện Yên Minh, Hà Giang).
Thôn Pờ Chừ Lủng nơi thầy Hò Văn Lợi công tác hiện là thôn sâu, xa nhất của xã Ngam La với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Thôn nằm chơ vơ giữa đại ngàn với những ngọn núi vắng dấu chân người qua lại.
Sau thời gian công tác ở vùng khó, thầy giáo Hò Văn Lợi được điều chuyển về điểm trường chính để dạy học. Thế nhưng, thầy đã có quyết định "ngược đời": tiếp tục tình nguyện "cắm bản" và mở lớp xóa mù chữ cho bà con dân bản.
"Tôi muốn đem kiến thức, con chữ đến với bà con dân bản, để phục vụ cho cuộc sống thường nhật như: đi chợ, làm các thủ tục hành chính… Khi bà con biết chữ, bà con sẽ được các giấy tờ văn bản, sẽ ký được tên, không phải điểm chỉ" - thầy Lợi chia sẻ.
Được biết nơi thầy giáo này giảng dạy rất khó khăn. Có hôm, các em đến lớp bị ướt, rét run, thầy Lợi phải tìm kiếm cây ngô để đốt lửa sưởi ấm cho học trò.
Cũng theo thầy Lợi, vào mùa Đông, sương mù dày đặc, giăng mắc khắp nơi. Lớp học cũng bị bao phủ bởi những lớp sương mù như thế nên bảng và bàn ghế bị ướt hết.
Gần 10 năm gắn bó với nghề, với học sinh, thầy Lợi vẫn giữ cho mình một đam mê với nghề giáo: "Tôi luôn tự nhủ bản thân phải bằng tình yêu thương và trách nhiệm trong công tác. Mong muốn đóng góp một phần sức nhỏ bé của mình mang cái chữ đến với các em học sinh, giúp các em có thêm hy vọng về một tương lai tương sáng ở phía trước".
Thức trắng nhiều đêm cùng học sinh ở khu cách ly
Ngày 7/9, Trường Tiểu học Tri Lễ 1, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An bất ngờ có 2 học sinh của lớp 2A1 và 5A2 được chính quyền địa phương xác nhận dương tính với Covid-19.
Vấn đề đặt ra lúc này, đó là các học sinh tiểu học vẫn còn quá nhỏ, chưa thể tự chăm sóc bản thân khi đi cách ly tập trung.
Gần như ngay lập tức, có hai cô giáo của trường này đã tình nguyện xung phong vào khu cách ly cùng các em.
Hai cô giáo dân tộc Thái là cô Hà Thị Kim và cô Hà Thị Dung, một cô đã có gia đình với hơn 20 năm kinh nghiệm, một cô giáo trẻ vẫn còn độc thân, đã không ngần ngại xung phong tham gia cách ly cùng học sinh mà chẳng biết, liệu điều gì có thể chờ mình trong những ngày sắp tới.
"Bố mẹ tôi đều rất lo lắng với quyết định này: Thứ nhất, tôi chưa tiêm vaccine phòng Covid -19. Thứ hai, môi trường cách ly tập trung rất dễ lây nhiễm chéo, biết đâu học trò có bị thì lây sang cô là điều khó tránh khỏi.
Nhưng vượt qua tất cả, vì tình yêu thương của mình dành cho các trò quá lớn, tôi đã thuyết phục được bố mẹ ủng hộ mình. Tôi coi học trò như những đứa em, đứa cháu trong nhà nên ngay từ đầu đã xác định, nếu có chuyện gì xảy ra, tôi cũng không hối hận. Tôi sẵn sàng bảo vệ các trò đến cùng", cô Kim nhớ lại.
Vậy là một giáo viên trẻ, chưa lập gia đình nhưng sau một quyết định đột ngột, không suy tính, cô Kim đã có thêm một… đàn con.
Còn cô giáo Hà Thị Dung cho hay: "Khi cùng học sinh vào khu cách ly, tôi không thể lường hết những khó khăn mà mình sẽ phải đối diện. Bản thân tôi vốn dĩ chưa được tiêm vaccine nên cũng có sự nguy hiểm ít nhiều.
Nhưng khi nhận được sự kêu gọi của lãnh đạo nhà trường và bản thân tôi thấy thương học sinh nên đã không suy nghĩ gì nhiều, lập tức gói ghém quần áo vào khu cách ly theo các em".
Ngày đầu vào khu cách ly, cô giáo Hà Thị Dung đã thức trắng 3 đêm. Đó là ba ngày cả cô, trò và phụ huynh cùng mang tâm trạng hồi hộp lo lắng chờ đợi kết quả xét nghiệm Covid-19 lần đầu. Khi nhận được thông báo kết quả âm tính, niềm vui như vỡ òa.
Những ngày sau đó, mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm, các cô lại phải làm công tác tư tưởng bởi nhiều học sinh rất sợ và không chịu hợp tác. Rồi nỗi lo mỗi lần có học sinh sổ mũi, nhức đầu…
Nhiều học sinh vào khu cách ly khi tuổi còn quá nhỏ, có em mồ côi... nên có em khóc thút thít cả đêm. Thương trò, nên cô trò cứ ôm nhau mà khóc và chỉ biết động viên, an ủi học sinh cố để vượt qua thời điểm khó khăn.
Cô Dung cho biết, thời gian trong khu cách ly cô đã vừa làm mẹ, vừa làm cô giáo, phải làm nhiều cách để học sinh ổn định tinh thần, không khóc lóc…
Nhớ lại những ngày đã trải qua trong khu cách ly, cô Dung cho hay, đó là trải nghiệm đặc biệt nhất trong suốt gần 20 năm dạy học ở xã biên giới này. "Là giáo viên bản địa, cô không chỉ dạy học sinh ở trường, mà còn gần gũi, biết rõ hoàn cảnh từng em. Tình thương đối với học trò còn lớn hơn cả nỗi sợ hãi, lo lắng về nguy cơ nhiễm dịch bệnh, nên dù thế nào đi nữa, tôi vẫn ở bên các em".
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Nhà giáo là một nghề cao quý. Sự cao quý đó không phải tự nhiên mà có; cao quý vì nó tạo dựng nên con người.
Tôn sư thường đi với trọng đạo, thầy được tôn quý vì là người có đạo đức và kiến thức, đem chúng truyền dạy cho học trò. Muốn dạy cho học trò thành người, giỏi nghiệp, nhà giáo phải học tập rèn luyện, phải hoàn thiện bản thân, phải mẫu mực, vì mẫu mực mà trở nên cao quý.
Theo Bộ trưởng, nhà giáo làm hết chức phận của mình, hoàn thành công việc khó của dạy học, đó đã là quý. Nhà giáo làm việc tốt, làm một cách xuất sắc, điều đó càng quý hơn, vì nhà giáo hoàn thành xuất sắc công việc thì sẽ tạo nên sự xuất sắc cho nhiều người, nhiều học sinh. Trong những hoàn cảnh khó khăn, éo le, nhiều thử thách, vẫn làm tốt, làm xuất sắc công việc, đó là điều đặc biệt xuất sắc và phải được ca ngợi.