Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt nhà giáo tiêu biểu nhân ngày 20/11
(Dân trí) - Sáng 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện 60 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Thầy cô, học sinh cùng vượt "bão" Covid-19
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, các thầy giáo, cô giáo có mặt tại đây hôm nay chính là những đại diện tiêu biểu của hơn 1,5 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp trong cả nước.
Đó là các thầy giáo, cô giáo ngày đêm bám trường, bám lớp ở các buôn làng, xóm, ấp ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để duy trì sĩ số học sinh, phụ đạo học sinh yếu, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học.
Đặc biệt, có những giảng viên thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, có nhiều công trình khoa học góp phần giải quyết những vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19,…
"Đây là vinh dự, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền đất nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động của ngành", Bộ trưởng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Kế hoạch năm học bị gián đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi, nhiều hoạt động giáo dục không thể thực hiện được.
Gần 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên, giảng viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Hàng nghìn giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập không có lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã động viên toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và các cán bộ quản lý toàn ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề và với học sinh để cùng nhau đoàn kết, ứng phó với dịch bệnh, tất cả vì học sinh thân yêu.
"Được gặp trực tiếp Thủ tướng Chính phủ là niềm vinh dự lớn của các thầy cô, với mong muốn được nhận những chia sẻ, động viên của Thủ tướng.
Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa, lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị chung tay với ngành Giáo dục để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đội ngũ nhà giáo nói riêng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung, đúng theo tinh thần 'Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa thành công là tương lai của dân tộc Việt Nam'", Bộ trưởng cho hay.
Dù khó khăn vẫn kiên trì bám bản
Tại buổi lễ, cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên Trường mầm non Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: "Sinh ra và lớn lên tại một huyện miền núi của tỉnh Bắc Kạn, tôi đã có 9 năm công tác tại trường Mầm non xã Bằng Lãng - huyện Chợ Đồn- Tỉnh Bắc Kạn, nơi tôi công tác cách trung tâm thị trấn 8 km là một ngôi trường nhỏ với gần 100 cháu học sinh 100% là người dân tộc thiểu số.
Nhiều học sinh tại đây có hoàn cảnh khó khăn, có cháu không đủ điều kiện để đi học, lớp học cách nhà hàng chục km đường rừng. Với lòng yêu nghề, mến trẻ các thầy cô giáo đã kiên trì vận động từng gia đình để các con có thể được học những con chữ. Các thầy cô kiên trì bám bản mặc dù lớp học trên đỉnh đồi, xe máy không đi được phải trèo đèo, lội suối để đến trường gieo từng con chữ với mong muốn ngày mai sẽ tươi sáng với các con".
Cô Dung cho hay, có những trường, phụ huynh nghèo quá, một bữa cơm có thịt là cả một niềm mơ ước đối với các con, mỗi ngày đi học là một ngày mang cơm độn ngô, khoai, hay có khi chỉ vài hạt cơm với vài sợi mì tôm chan nước… Lúc đó không ai bảo ai, các cô giáo lại góp tiền, góp công để giúp đỡ những bữa ăn cho các con tươm tất…
Chia sẻ tại lễ gặp mặt, cô Lê Thị Hạnh, Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở Na Loi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đề xuất Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành quan tâm tạo điều kiện về trang thiết bị, vật chất, điều kiện giảng dạy, học tập cho giáo viên, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
"Là giáo viên công tác vùng sâu vùng xa đến nay hơn 20 năm, tôi thấy trang thiết bị cho giáo dục ở các khu vực miền núi còn thiếu. Vừa qua, khi dịch Covid-19 diễn ra, các thầy cô dạy học trực tuyến nhưng học sinh lại không có trang thiết bị. Các thầy cô phải cắm bản để gieo chữ cho học sinh, có bản xa trường 20km, có bản không có học sinh, có bản 1-2 học sinh", cô Hạnh cho biết.
Trước khó khăn của dịch bệnh Covid-19, cô Mai Thị Kim Phượng, hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, huyện Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, thời gian đầu giãn cách, các em học sinh gặp rất nhiều trở ngại. Có những em mất cả cha lẫn mẹ, cũng có những em hoàn cảnh vô cùng nghèo. Cùng với hỗ trợ của ngành giáo dục thành phố, các thầy cô cùng nhau ủng hộ cơ sở vật chất để hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục học tập.
Chia sẻ về những ngày thiên tai, bão lũ, cô Hồ Thị Tuyết, giáo viên Trường Trung học cơ sở Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị kể, sau những trận lũ, nhiều học sinh hỏi: "Cô ơi, sáng nay có đi học được nữa không?". Cô chỉ có thể trả lời: Nếu việc đến trường không an toàn thì các em nghỉ, phải đặt an toàn của các em lên trên hết.
Nhiều đêm lũ về đột ngột trong đêm, nhiều học sinh không kịp phòng tránh lũ, ướt hết sách vở, quần áo… Các em nói, "cô ơi cho em nghỉ học, vì bây giờ em không có áo quần khô để đi học"…
"Từ đầu năm tới nay, chúng tôi đã thay đổi tới 6-7 thời khóa biểu do ảnh hưởng của dịch bệnh, giáo viên và học sinh cố gắng, nỗ lực để làm sao vừa dạy và học, vừa bảo đảm an toàn phòng dịch", cô Tuyết nhớ lại.
Mong được quan tâm giáo dục nghề nghiệp
PGS. TS. BS Dương Quý Sỹ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng cho biết, qua 30 năm công tác, ông vẫn luôn tâm niệm, bất kỳ dù ở vị trí nào vẫn luôn cống hiến, đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà.
Đặc biệt, nhà giáo này đề xuất một số giải pháp cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp, có những chính sách, mô hình đào tạo kỹ năng toàn diện, bao trùm, đặc biệt là thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, tình hình mới hiện nay.
"Rất mong Thủ tướng, các bộ ngành Trung ương quan tâm đến các nhà giáo trong lĩnh vực đặc thù, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cho đối tượng yếu thế, ở các trường dân tộc nội trú, những ngành nghề đặc biệt…
Mong rằng chúng ta có những chính sách thu hút nhân tài, cũng như có những mô hình mới để phát triển các trung tâm đào tạo nghề quốc gia, hình thành hệ thống liên kết trong giáo dục nghề nghiệp, để lực lượng lao động ngang tầm với khu vực và thế giới", thầy Dương Quý Sỹ nói.
Cùng với quan điểm trên, thầy Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết, hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với hơn 1.900 cơ sở, từ các trường Cao đẳng đến các trung tâm GDNN công lập và tư thục; mỗi năm tuyển sinh và đào tạo hơn 2 triệu người.
Trong những năm qua GDNN Việt Nam đã và đang ngày đêm miệt mài đào tạo hàng chục triệu công nhân kỹ thuật và người lao động có tay nghề cho các ngành kinh tế, kỹ thuật và dịch vụ, cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Hệ thống GDNN đã đào tạo ra hàng chục triệu người đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, là nòng cốt để thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Để có được những thành quả như đã nêu ở trên, là kết quả của sự quan tâm với chiến lược đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với GDNN. Bên cạnh đó cũng không thể không nói tới những gian lao vất vả của các thầy, cô giáo trong hệ thống GDNN đang ngày đêm tận tụy với công việc.