Thầy Hoàng sẽ được khen thưởng vì thành tích chống tiêu cực

(Dân trí) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bành Tiến Long đối với trường hợp thầy giáo Lê Đình Hoàng - tác giả của 4 đoạn phim gây sốc nhất từ trước đến nay về quang cảnh thi cử của Việt Nam.

Cũng theo ông Long, trước kết luận của Thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An rằng, thầy Hoàng đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi, ông khẳng định quan điểm rất rõ ràng: “Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chỉ nhận được một bản dự thảo báo cáo của Sở GD-ĐT Nghệ An và tôi khẳng định không có vấn đề xử lý thầy Hoàng do “vi phạm quy chế nghiêm trọng”. Việc đề xuất xử lý thầy Hoàng có thể là của một số cá nhân trong đoàn thanh tra của Sở, chưa phải là ý kiến chính thức của lãnh đạo Sở”.

 

Không như Sở GD-ĐT Hà Tây, Sở GD-ĐT Ngệ An tỏ ra khá “mạnh tay” đối với người tố cáo tiêu cực. Thưa Thứ trưởng, phải chăng Nghệ An “xa” Bộ chủ quản hơn nên họ đã tỏ ra ít  phải“kiêng dè” hơn?

 

Tôi có thể khẳng định không phải như vậy. Tinh thần chung đã được lãnh đạo Bộ trực tiếp làm việc với lãnh đạo và Sở GD-ĐT Nghệ An. Riêng đối với hội đồng thi Nam Đàn 2, những tư liệu của thầy Hoàng là những thông tin rất quan trọng, cụ thể để xem xét, đánh giá... Bộ Giáo dục cam kết bảo vệ người tố cáo loạn trường thi.

 

Đối với trường hợp giám thị Đỗ Việt Khoa, thầy Khoa đã “hợp thức hoá” việc sử dụng điện thoại di động để quay phim bằng cách gọi điện cho Thứ trưởng nên thoát “tội”. Còn thầy Hoàng thì không thế nên đã kém “may mắn” hơn thầy Khoa?

 

Việc thầy Hoàng trong thời gian coi thi tốt nghiệp THPT sử dụng điện thoại di động để quay phim là có lỗi. Tuy nhiên, phải xét trên động cơ của việc làm này: đó là một “lỗi” đã được thầy Hoàng tiên liệu trước và sẵn sàng chấp nhận để làm việc tốt cho ngành, cho xã hội.

 

Theo tôi, xem xét sự việc này không thể nào đánh giá một cách cứng nhắc về mặt cơ học theo qui chế thi như vậy được mà phải xuất phát từ tình huống cụ thể. Hành động của thầy Hoàng là kết quả của một định hướng, một ý thức tốt, một mục tiêu tốt trước đó. Vì vậy khi xem xét, đánh giá, cần phải có sự công bằng và trân trọng.

 

Ông có nhận xét gì về việc Sở GD-ĐT Nghệ An ra sức sàng lọc để buộc người tố cáo phải lộ diện và sau đó khép họ vào lỗi vi phạm nghiêm trọng quy chế thi?

 

Trong một thời điểm nhất định, để thực thi một việc tốt đột xuất, để phục vụ cho mục đích chống tiêu cực trong khi thi cử, thầy Hoàng có một vài việc làm không tuân thủ quy chế thì cần nhắc nhở rút kinh nghiệm. Tôi tin là thầy Hoàng sẽ được UBND tỉnh và Sở GD-ĐT Nghệ An đánh giá khách quan.

 

Tôi đã trao đổi với lãnh đạo UBND Nghệ An và bày tỏ quan điểm của Bộ GD-ĐT về vấn đề của thầy Hoàng. Địa phương thống nhất cao với quan điểm đó. Tỉnh sẽ động viên và có hình thức khen thưởng người tố cáo chống tiêu cực.

 

Qua hành động của thầy Khoa và nay là của thầy Hoàng, phải chăng đó chính là thời cơ rất đáng giá cho ngành giáo dục có thể thực hiện triệt để được cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”?

 

Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” không chỉ là một phong trào mang tính hô hào mà đây là một cuộc đấu tranh lâu dài của toàn ngành giáo dục. Đó là một cuộc đấu tranh lâu dài của toàn ngành giáo dục với những biểu hiện gian lận, tiêu cực để lập lại kỷ cương trong nhà trường. Chúng tôi đã bắt đầu và đang thực hiện, sẽ phải thực hiện đến khi nào gian lận, tiêu cực được đẩy lùi.

 

Những nhà giáo có tâm huyết, có những hành động dũng cảm tố cáo tiêu cực đều sẽ được Bộ GD-ĐT quan tâm, ghi nhận và có quan điểm chỉ đạo đối đãi như nhau. Để thực hiện thành công cuộc vận động này cần có quyết tâm, sự tích cực hưởng ứng và sự dũng cảm “nói không với tiêu cực” của tất cả cán bộ, giáo viên trong toàn ngành.

 

Nhóm PV Giáo dục

(Thực hiện)