Bạn đọc viết:
Tăng lương cho giáo viên: Xin đừng bàn cãi nữa!
(Dân trí) - Tiền lương của nghề giáo vẫn luôn là câu chuyện dài nhiều tập với bao trăn trở, băn khoăn khi các chế độ đãi ngộ vẫn chưa tương xứng với áp lực, vị thế người thầy.
Đỉnh điểm của câu chuyện chính là báo cáo lương giáo viên dao động từ 3-10 triệu đồng tùy theo thâm niên công tác. Ví von lương nhà giáo thua cả người giúp việc có làm mọi người giật mình?
Hẳn là nỗi kinh ngạc với mức lương hưu 1,3 triệu đồng của nhiều cô giáo mầm non sau hơn 30 năm cống hiến vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng dư luận. Từ kinh ngạc, không ít người chuyển sang phẫn nộ với cái giá 1,3 triệu đồng cho thân già cõm cõi sau một thời tuổi trẻ cống hiến cho giáo dục. Tôi nhớ chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng phải thốt lên: “Bây giờ về hưu mới được 1,3 triệu đồng thì sống sao được?”.
Thưa Bộ trưởng, không chỉ một cô giáo Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) mà hàng trăm nghìn giáo viên mầm non vẫn đang cố “sống” với mức lương hưu đó. Họ đang sống nhưng sống thoi thóp, mòn mỏi, buồn tủi vì cảnh thiếu trước hụt sau và lận đận đủ thứ nghề tay trái.
Những tưởng nghề giáo an nhàn tấm thân, ngờ đâu muôn vàn áp lực bủa vây từ hồ sơ sổ sách đến giáo dục đạo đức học sinh… Những tưởng nghề giáo được trọng vọng, ngờ đâu người thầy đang mãi bon chen vô số việc để “nuôi nghề”… Những tưởng nghề giáo chẳng lo cảnh về già túng thiếu, ngờ đâu nhiều người thầy đang bị “nghèo hóa” một cách đau đớn, oái ăm như thế…
Thế đó, những bất cập của cái nghề “cao quý nhất trong những nghề cao quý” vẫn đang trưng ra từng ngày từng giờ. Đó chính là một trong những đáp án căn bản của bài toán giáo dục đang mất dần người tài, người giỏi.
Nhân đây tôi bỗng nhớ lời nhắn nhủ của GS. Ngô Bảo Châu trong buổi nói chuyện với sinh viên Huế: “Đừng băn khoăn về vật chất khi chọn nghề giáo bởi thứ đáng quý của nghề là được truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ mai sau”. Có thể nào không “băn khoăn” được không?
Dẫu biết khi khoác lên mình chiếc áo thanh cao của một nhà giáo, người thầy luôn tự nhủ mình phải là “con ong cần mẫn chắt chiu mật ngọt cho đời”. Ánh sáng của tri thức, vẻ đẹp của nhân cách làm nên hình ảnh một nhà giáo mẫu mực, thanh bạch, liêm khiết.
Nhưng người thầy cũng là một con người với đầy đủ hỉ nộ ái ố, người thầy không thể thoát ly khỏi cái vòng luẩn quẩn của cơm áo gạo tiền. Chính vì vậy, yêu cầu, ép buộc người thầy phải sống thanh đạm, nghèo không kêu ca, khổ không kể lể phải chăng có phần quá đáng?
Tình hình thực tế của đại đa số nhà giáo hiện nay vẫn đang “giật gấu vá vai”, đắp đổi bên này bên kia, vay mượn tiêu trước, đợi lương trả sau. Hoặc là bon chen trong cảnh “chân ngoài dài hơn chân trong”, buôn bán đủ thứ, làm thêm đủ nghề mới xoay chuyển được nhu cầu sinh hoạt, chi tiêu cá nhân, chuyện ăn học con cái, đền ơn đáp nghĩa, hiếu hỉ,…
Việc giáo viên chạy xe ôm, buôn cá, bán hàng online, tiếp thị bảo hiểm… đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng có ai thấu hiểu cái cảnh nhà giáo năn nỉ ỉ ôi để vay tiền ngân hàng mỗi dịp mua xe, sửa nhà, ốm đau,… lại bị “chê” lương thấp, bị hạ mức vay chưa? Xót xa quá!
Chọn nghề “gõ đầu trẻ”, ai chẳng mong một lòng nhiệt huyết dùi mài chuyên môn và nhiệt tâm trồng người? Nhưng khi gánh nặng cơm áo gạo tiền đeo đẳng, nỗi lo thiếu trước hụt sau bủa vây thì thử hỏi lòng có thể tĩnh mà thăng hoa với tri thức được không?
Rồi cả nỗi lo canh cánh lúc xế chiều với mức lương hưu sụt giảm quá nửa, thậm chí phải đợi Nhà nước bù vào mấy chục nghìn mới bằng mức lương cơ sở. Nghề giáo bạc quá, nhiều người đã thở than như thế!
Người đi truyền lửa đang cần một vị thế mới, một cuộc sống mới. Người thầy cần được nuôi dưỡng “ngọn lửa” nhiệt huyết trong lòng bằng những thay đổi lớn về cơ chế, chính sách đãi ngộ. Chính vì vậy, đề xuất xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương sự nghiệp hành chính của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhen nhóm lên một tia hy vọng mong manh cho đội ngũ giáo viên.
Dù không được “xếp lương cao nhất” thì nhà giáo vẫn mong mỏi vô cùng những đổi thay về thu nhập, đãi ngộ để ổn định cuộc sống, an tâm công tác, đầu tư chuyên môn.
Tăng lương cho giáo viên: Xin đừng bàn cãi nữa!
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!