Tâm sự của cô giáo dạy học trò khuyết tật

(Dân trí) - Nghề giáo là một nghề cao quý nhưng cũng lắm gian truân. Dạy học sinh bình thường đã khó, thì việc dạy học sinh khuyết tật lại càng khó hơn. Ngoài yêu nghề đòi hỏi phải kiên nhẫn, chịu khổ…” - cô Lê Thị Ngọc Lan, Trường Hy Vọng Quy Nhơn chia sẻ.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, có dịp đến thăm Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, được chứng kiến hình ảnh học sinh (HS) ở đây học bài, trò chruyện với các bạn, với thầy cô giáo, chúng tôi đã hiểu thêm phần nào nỗi khổ nhọc của cái nghiệp “trồng người”.

Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn thành lập mới được 3 năm với hơn 20 cán bộ giáo viên và gần 100 HS khuyết tật. HS ở đây chủ yếu bị khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển trí tuệ… Để dạy học trò ở đây không phải bất kỳ ai cũng có thể làm được bởi ngoài tình yêu thương còn phải có tính kiên trì, nhẫn nại và chịu khổ thì mới có thể gắn bó với nghề lâu được.

Ở ngôi trường này, cô trò chỉ giao tiếp bằng cử chỉ, hành động...
Ở ngôi trường này, cô trò chỉ giao tiếp bằng cử chỉ, hành động...

Tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học trường ĐH Quy Nhơn, cô Lê Thị Ngọc Lan đã có 11 năm kinh nghiệm dạy các em khuyết tật, chia sẻ: “Các em ở đây bị nhiều loại bệnh nhưng khi vào trường thì được chia thành 2 lớp là HS khiếm thính và HS khó khăn về học. Đối với HS khiếm thính, khả năng nghe, nói bị hạn chế nhưng các em tiếp thu bài nhanh. Còn với các em khó khăn về học, chậm phát triển trí tuệ (thường là bệnh Down) đã chậm tiếp thu và cũng nhanh quên nên việc dạy các em thường mất nhiều thời gian và công sức. Đặc biệt, tính cách của các em nhiều khi không được ổn định hay ức chế nên có nhiều em cãi lại cô giáo. Những lúc như vậy, mình lại phải nhẹ nhàng để giảng giải cho các em hiểu…”

Học sinh Trường Hy Vọng Quy Nhơn.
Học sinh Trường Hy Vọng Quy Nhơn.

Chia sẻ về cái duyên đến với nghề, cô Lan nói thêm: “Khi còn là sinh viên năm 3, tôi tình cờ chứng kiến buổi chào không phải là hát mà chào cờ bằng tay của các em. Từ đó, trong đầu mình bắt đầu có suy nghĩ mình phải làm điều gì đó giúp các em nên khi ra trường, tôi xin về đây dạy. Tuy nhiên, khi học đại học, mình chưa được học chuyên môn nên khi về đây dạy, mình phải tự túc bỏ tiền túi vào Sài Gòn học 8 tháng, rồi lại về dạy gần nửa năm không có lương…”.

Đã 11 năm gắn bó với việc dạy các học sinh khuyết tật, bao lớp học trò ra trường, có em có việc làm ổn định, có em đã có chồng con, nhiều lúc cô Lan thấy thực sự mệt mỏi nhưng mỗi khi nghĩ về học trò mình, cô lại quyết tâm gắn bó với nghề. “Dạy các em rất vất vả, có những lúc mình bất lực rất mệt mỏi nhưng khi nghĩ về các em mình lại càng cố gắng. Nhất là bao thế hệ HS ra trường đã có chồng con nhưng vào ngày này vẫn nhớ gọi điện, mua hoa tặng đã làm động lực cho mình thêm yêu nghề và nguyện gắn bó với các em” nước mắt rưng rưng" - cô Lan chia sẻ.

Chiếc gương để các em nhìn miệng cô giáo để nói cho những học sinh nói khó.
Chiếc gương giúp các em nhìn miệng cô giáo để nói cho những học sinh nói khó.

Còn cô Phương Ái Vân, cũng tốt nghiệp ngành Sư phạm, chia sẻ: “Mới về tiếp xúc với các em tôi chẳng hiểu gì hết, mọi giao tiếp cô trò chỉ bằng ký kiệu. Để dạy được tôi phải vào TPHCM học lớp nghiệp vụ 8 tháng. Tuy nhiên, khi về dạy mình cũng còn khó khăn nhưng bây giờ đã hiểu và gắn bó với các em, mình rất hạnh phúc khi được dạy các em”.

Niềm vui khi các học sinh trao tặng lên cô những bông hoa tươi thắm vào ngày 20/11.
Niềm vui khi các học sinh trao tặng cô những bông hoa tươi thắm vào ngày 20/11.

Từ không hiểu gì về ngôn ngữ cử chỉ của các em nhưng với lòng yêu thương trẻ đã giúp cô Ái Vân thêm gắn bó, gần gũi với các em hơn 10 năm qua. Không chỉ vậy, thấy HS khiếm thính khó khăn trong việc tập đọc tiếng Việt, cô Ái Vân đã nghiên cứu thiết kế ra bảng phụ dành cho môn tập đọc. Thiết kế của cô đạt giải Nhất của trường và được Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định tặng giấy khen chiến sĩ thi đua.

Niềm vui khi các học sinh trao tặng lên cô những bông hoa tươi thắm vào ngày 20/11.
Những tấm giấy khen là thêm động lực giúp cô Ái Vân thêm gắn bó với học sinh nơi đây.

Thầy Trần Gia Chính - hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Đây là công việc “đặc biệt’ đòi hỏi các thầy cô phải chịu khổ, tính kiên nhẫn cao, có cái tâm sáng của người thầy. Với tinh thần vì các em HS thân yêu, cán bộ, giao viên nhà trường luôn luôn tìm những phương pháp giảng dạy mới để các em thích thú với mỗi môn học”.

Doãn Công

Dòng sự kiện: 30 năm Ngày Nhà giáo VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm