Tại sao giới nhà giàu và người có học vấn cao thích môn đấu kiếm?

Bích Ngọc

(Dân trí) - Trong đời sống xã hội phương Tây, đấu kiếm vốn được xem là môn thể thao dành cho giới nhà giàu, giúp rèn luyện sự bền bỉ thể chất, tinh thần và đặc biệt là độ sắc bén của "tâm lý chiến".

Môn thể thao của giới nhà giàu

Trong đời sống xã hội phương Tây từ hàng trăm năm trước, đấu kiếm đã được xem là thú vui của giới thượng lưu, quý tộc. 

Ngày nay, để theo học đấu kiếm, học viên cần chuẩn bị các thiết bị chuyên dụng cho bộ môn này như kiếm, mặt nạ, phục trang... Mua những món đồ này với chất lượng tốt có thể tốn tới hàng ngàn USD, như vậy, ngay từ bước chuẩn bị cơ bản đầu tiên đã khá tốn kém.

Chi phí để được học với các huấn luyện viên giỏi cũng không hề nhỏ. Nếu học viên muốn có những bài tập riêng một thầy - một trò, chi phí buổi học sẽ càng tăng cao.

Tại sao giới nhà giàu và người có học vấn cao thích môn đấu kiếm? - 1

Đấu kiếm được xem là môn thể thao của giới nhà giàu (Ảnh: RB).

Bên cạnh đó, phòng tập, sàn tập phải được thiết kế với tiêu chuẩn riêng, nên chi phí để vận hành cơ sở vật chất của một trung tâm đào tạo hay một câu lạc bộ đấu kiếm đều rất tốn kém. Chính vì vậy mức phí thành viên khi đăng ký tham gia trung tâm đào tạo hay câu lạc bộ đấu kiếm cũng không rẻ.  

Thể thao trí tuệ

Từ thế kỷ 18, đấu kiếm từ một phương pháp tự vệ đã trở thành một môn thể thao của giới thượng lưu.

Khi ấy, bậc thầy đấu kiếm người Italy Domenico Angelo (1716-1802) đã mở học viện dạy đấu kiếm đầu tiên. Từ đây, đấu kiếm được nhìn nhận ở một khía cạnh mới: một bộ môn thể thao.

Tại sao giới nhà giàu và người có học vấn cao thích môn đấu kiếm? - 2

Vận động viên đấu kiếm Vivian Kong (trái) và Lee Kiefer (phải) (Ảnh: SCMP).

Tại Olympic Paris 2024, công chúng quốc tế sửng sốt trước học vấn của 2 nữ vận động viên đấu kiếm giành huy chương vàng.

Vivian Kong của đoàn Hong Kong (Trung Quốc) giành huy chương vàng ở nội dung đấu kiếm 3 cạnh đơn nữ. Cô đã có bằng cử nhân chuyên ngành quan hệ quốc tế của Đại học Stanford (Mỹ). Nữ vận động viên 30 tuổi còn có bằng thạc sĩ luật của Đại học Nhân dân Trung Quốc. Hiện tại, cô theo học chương trình đào tạo tiến sĩ luật tại khoa luật của Đại học Trung văn Hong Kong.

Nữ vận động viên Lee Kiefer của đoàn Mỹ giành huy chương vàng ở nội dung đấu kiếm liễu đơn nữ và kiếm liễu đồng đội nữ tại Olympic 2024.

Lee Kiefer có bằng cử nhân chuyên ngành nghiên cứu khoa học tại Đại học Notre Dame (Mỹ). Cô đang theo học ngành dược tại Đại học Kentucky (Mỹ). Trong gia đình Kiefer, bộ môn đấu kiếm là niềm đam mê chung của cả nhà. Cha cô là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh, ông cũng từng theo đuổi bộ môn đấu kiếm.

Chị gái của Lee - Alex Kiefer - vốn là một vận động viên đấu kiếm có tiếng tại Mỹ. Alex từng theo học tại Đại học Harvard và hiện đã trở thành bác sĩ.

Từ lâu, đấu kiếm đã được nhìn nhận là môn thể thao giàu tính trí tuệ, bởi bộ môn này đòi hỏi sự kết hợp của sức mạnh thể chất dẻo dai và tư duy chiến thuật mau lẹ. Vận động viên đấu kiếm phải liên tục đối diện với thách thức về "tâm lý chiến".

Tại sao giới nhà giàu và người có học vấn cao thích môn đấu kiếm? - 3

Đấu kiếm được xem là môn thể thao trí tuệ (Ảnh; RB).

Thường vận động viên đấu kiếm giỏi cũng là những người biết "chơi tâm lý", họ có nội tâm vững vàng và biết cách "đọc vị" đối phương. Giới quý tộc, thượng lưu châu Âu từ hàng trăm năm trước đã theo đuổi hoạt động đấu kiếm như một thú vui rèn luyện thể chất và tinh thần. Ở khía cạnh tinh thần, bộ môn này đưa lại nhiều lợi ích.

Trước hết, người học đấu kiếm phải rèn được sự tập trung cao độ. Sự tập trung này dùng để quan sát các chuyển động của đối thủ, nhằm dự đoán trước đường kiếm của đối phương và có cách đáp trả nhanh gọn, chính xác. Việc duy trì sự tập trung cao độ trong suốt trận đấu là một thách thức không phải ai cũng có thể thực hiện.

Thứ hai, người học đấu kiếm phải có khả năng kiểm soát cảm xúc. Bởi trong quá trình thi đấu, việc để cảm xúc hỗn loạn trong nội tâm sẽ làm phân tán sự tập trung và dẫn tới thua cuộc.

Sau cùng, đấu kiếm thúc đẩy khả năng ứng biến. Đấu kiếm thường được so sánh với chơi cờ, bởi vận động viên phải nhanh chóng quan sát đường đi nước bước của đối phương và đưa ra được chiến thuật phù hợp ngay trong lúc thi đấu. Vì vậy, đấu kiếm được nhìn nhận là bộ môn thể thao có tính thử thách tâm lý và đòi hỏi khả năng tư duy nhạy bén.

Theo New York Times/Sporting Bounce