Vụ “hàng trăm thí sinh mắc bẫy lừa tuyển sinh”:
SV té ngửa vì bị “bẫy”, trường thừa nhận thiếu sâu sát
(Dân trí) - Nhiều SV đang học khóa 1 chương trình hợp tác đào tạo giữa ĐH Điện lực và tập đoàn Vietcare té ngửa trước thông tin mình thực tế đang học hệ Cao đẳng nghề, trong khi phía ĐH Điện lực thừa nhận trách nhiệm thiếu kiểm soát trong hợp tác đào tạo với VietCare.
Theo điều tra của chúng tôi thì tập đoàn Vietcare hợp tác với Trường ĐH Điện lực từ năm 2011. Ngay sau khi hai bên thỏa thuận được với nhau, Vietcare đã tổ chức tuyển sinh vào tháng 10/2011. Cũng với chiêu tuyển sinh y hệt như năm 2012, tập đoàn đã thu nhận được được không ít thí sinh “nhẹ dạ cả tin". Không những thế, có em còn tiết lộ thêm: Để có được tấm giấy trúng tuyển vào hệ này, năm đó em đã phải chi phí lên cả hơn trăm triệu đồng.
Hồ hởi đến nộp tiền nhập học, những thí sinh này cứ ngỡ mình học hệ chính quy (ảnh chụp từ clip)
Ngay sau khi Dân trí đăng tải những thông tin liên quan đến việc “bẫy” tuyển sinh, những SV đang theo học khóa I của chương trình hợp tác này (gồm 2 lớp: Lớp kế toán và lớp Công nghệ thông tin - PV) mới té ngửa mình đang học hệ nghề. Ngay sau đó, họ đã tập hợp để lên tập đoàn hỏi chuyện cho rõ.
Nguồn thông tin mà Dân trí nắm được, vào chiều ngày 10/9, tập đoàn Vietcare đã có buổi trao đổi với SV nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, lãnh đạo của tập đoàn tiếp tục có những thông tin sai lệch nhằm “giữ chân” SV. Trước vấn đề này chúng tôi đã có buổi làm việc trực tiếp với trường ĐH Điện lực và lãnh đạo Vụ giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT để có thể cung cấp đến bạn đọc những thông tin đa chiều nhất.
ĐH Điện lực thừa nhận sai sót
Trao đổi với Dân trí trong cuộc gặp sáng 10/9, ông Bùi Đức Hiền - trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Điện lực tiếp tục khẳng định lại: ĐH Điện lực chỉ hợp tác đào tạo với Vietcare về Cao đẳng nghề, khi sinh viên tốt nghiệp, sẽ lấy bằng CĐ nghề do Bộ Lao động cấp chứ không có chuyện đào tạo CĐ chính quy và liên thông lên Đại học.
Minh chứng điều này, ông Hiền đưa cho chúng tôi xem văn ký kết giữa hai bên. Theo đó, năm 2012 ĐH Điện lực đồng ý phối hợp với Vietcare mở hai lớp đào tạo Kế toán và Công nghệ thông tin. Mỗi lớp 80 SV. Trong văn bản này cũng nêu rõ hệ đào tạo là CĐ nghề.
Về mẫu giấy Thông báo trúng tuyển có dòng “Cử nhân thực hành” khiến hàng trăm thí sinh đều lầm tưởng đó là hệ CĐ chính quy, ông Hiền chia sẻ: “Thực sự đây là một phần sai sót từ phía nhà trường do quá bận rộn với công tác tuyển sinh hệ chính quy nên chưa kiểm soát hết nội dung thông tin liên quan tới chương trình hợp tác này. Việc ghi trong giấy trúng tuyển là hệ Cử nhân thực hành đúng là dễ gây nhầm lẫn bởi ở Việt Nam hiện chưa có hệ đào tạo này”.
Năm 2011, cũng vì tờ giấy báo trúng tuyển hệ Cử nhân thực hành mà nhiều thí sinh đã tin tưởng nhập học và cho đến bây giờ mới biết sự thật.
Trước thông tin không ít SV khóa 1 đang theo học chương trình hợp tác đào tạo CĐ nghề giữa ĐH Điện lực và Vietcare lo ngại về viễn cảnh học tập của mình, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Điện Lực khẳng định sẽ có kế hoạch để gặp gỡ tìm hiểu nguyện vọng của các em và chịu trách nhiệm đào tạo số SV này tại ĐH Điện lực.
Liên quan đến việc tổ chức liên thông từ hệ nghề lên ĐH chính quy, ông Hiền cho biết thêm: Do nhu cầu xây dựng nhân lực cho ngành Điện, nhà trường đã làm đề án xin Bộ để thực hiện thí điểm chương trình đào tạo liên thông từ CĐ nghề lên ĐH và đang chờ Bộ GD-ĐT cho phép. Tuy nhiên, chương trình chỉ áp dụng với SV học ngành Điện. Những SV này sau khi học bổ sung kiến thức được tạo điều kiện để được phép tham dự kì thi liên thông và chỉ khi trúng tuyển mới được tiếp nhận học lên hệ ĐH. Với SV học CĐ các nghề khác, nhà trường chưa có kế hoạch và không cam kết đào tạo liên thông lên ĐH.
Để tránh tình trạng nhà trường bị lợi dụng mạo danh bởi các cơ sở tư nhân, trung tâm nhằm thu hút SV bằng các chiêu trò “lừa đảo”, ông Hiền cho biết ĐH Điện lực sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết và hạn chế cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các hình thức đào tạo liên thông.
Liên thông nghề: Mới chỉ cho một số trường thí điểm
Khằng định với Dân trí, ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH nhấn mạnh: “Trong tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy, chỉ có các trường ĐH, CĐ mới có chức năng thông báo tuyển sinh vào các ngành đào tạo của mình (danh sách các trường, ngành đào tạo đã đăng tải trên cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2012 do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành và trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT. Bất cứ trung tâm hay công ty nào thông báo tuyển sinh hệ này là sai phạm”.
Liên quan đến việc đào tạo liên thông từ Cao đẳng nghề lên ĐH, ông Tuấn cho biết thêm: Không phải trường nào cũng được phép đào tạo liên thông từ Cao đẳng nghề lên ĐH. Chỉ có những trường đã trình đề án lên Bộ GD-ĐT và chỉ khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định thì mới được triển khai. Hiện tại Bộ GD-ĐT mới chỉ cho thí điểm liên thông đào tạo Cao đẳng nghề lên ĐH ở một số cơ sở.
Về danh sách các trường đã được phép đào tạo thí điểm, ông Tuấn bày tỏ: “Ngay sau khi rà soát xong chúng tôi sẽ hợp tác với báo để đưa danh sách này lên mạng. Thông qua đó xã hội được biết và sẽ cùng giám sát”.
Với tiết lộ của Vụ ĐH cho thấy cách quản lý của Bộ GD-ĐT về đào tạo liên thông đang có nhiều bất cập. Một chương trình thí điểm được Bộ GD-ĐT cho triển khai nhưng lại không có sự giám sát thường xuyên và khi hỏi đến lại phải đi… rà soát lại!
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
S.H - M.H