Hàng trăm thí sinh mắc bẫy lừa tuyển sinh

(Dân trí)-Bị "câu kéo" bởi chiêu thông báo tuyển sinh đào tạo Cử nhân thực hành sau đó được liên thông lấy bằng chính quy, hàng trăm thí sinh đã “mắc bẫy” đến nhập học tại tập đoàn Vietcare. Nhiều em ngỡ đó là trúng tuyển hệ chính quy nên đã chi ra đến hàng chục triệu đồng.

Mất hàng chục triệu để học Cử nhân thực hành

Khi cháu của chồng dự thi ĐH Văn hóa Hà Nội chỉ đạt được có 12,5 điểm, chị H. “tìm cửa” để kiếm một suất vào học hệ ĐH chính quy. Sau khi truy tìm nhiều mối quan hệ nhưng bất thành, chị tình cờ được sếp cùng cơ quan nhận giúp việc “chạy” vào Trường ĐH Điện lực.

Sau đó “sếp” chị H. thông báo nộp tiền đặt cọc 30 triệu đồng để lo lót. Chia sẻ với chúng tôi, chị H. cho hay: “Lúc thấy "chạy" suất học chính quy mà chỉ có 30 triệu nên cũng sinh nghi nhưng chồng động viên là có thể “sếp” có quan hệ thân thiết với trường nên chi phí thấp nên tôi cũng yên tâm một phần”.

Chờ mãi không thấy giấy báo nên gia đình sốt ruột gọi điện giục “sếp” liên tục, sau nhiều ngày thì vào đầu tháng 9/2012 giấy báo cũng được chuyển đến. Đọc nội dung, chị H. cũng yên tâm là cháu mình sẽ được học cấp bằng chính quy nhưng khi đến phần đóng góp chị tá hỏa khi các khoản thu nộp nhập học lên gần 18 triệu đồng.

Đưa cho chúng tôi xem tờ giấy báo trúng tuyển do trường ĐH Điện lực gửi có chữ ký của Hiệu trưởng và dấu xác nhận, chị H. chỉ vào dòng chữ: “Đã trúng tuyển vào hệ Cử nhân thực hành khóa học 2012-2015, chương trình phối hợp đào tạo giữa ĐH Điện lực và tập đoàn Vietcare” và hỏi chúng tôi: “Đây là hệ chính quy phải không”?
 
Hàng trăm thí sinh bị lừa khi nhận giấy báo trúng tuyển dạng này.
Hàng trăm thí sinh bị "lừa" khi nhận giấy báo trúng tuyển dạng này. Các em đều lầm tưởng đó là hệ CĐ chính quy.

Khi chúng tôi hỏi cơ sở nào để tin đây là hệ chính quy, chị H. đưa cho chúng tôi xem những giấy tờ đính kèm với giấy báo trúng tuyển. Đầu tiên là thông báo tuyển sinh của tập đoàn Vietcare trong đó có đoạn viết: “Thời gian đào tạo gồm 2 giai đoạn của trường ĐH Điện lực; 3 năm đầu học hệ cử nhân và 1 năm tiếp theo học hệ ĐH chuyên ngành. Tốt nghiệp được cấp bằng ĐH chính quy”. Bên cạnh đó, thông báo này cũng có lời chào hấp dẫn: “Được tiếp nhận chính thức vào làm việc tại một số Doanh nghiêp, Tập đoàn lớn sau khi tốt nghiệp ĐH với mức lương 6 - 8 triệu đồng/tháng”.

Điều đặc biệt ở thông báo này là hồ sơ xét tuyển chỉ cần giấy báo điểm thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Nghĩa là kể cả những TS có điểm thi dưới sàn ĐH, CĐ.
Thông báo tuyển sinh có tính chất lừa đảo TS của tập đoàn Vietcare

Thông báo tuyển sinh có tính chất "lừa đảo" TS của tập đoàn Vietcare.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ cháu chị H. mà nhiều TS khác cũng bị “mắc bẫy” này. Với việc điểm thi ĐH, CĐ thấp nhưng được học ĐH chính quy nên nhiều TS hào hứng đến nhập học theo đúng trong giấy báo từ 5/9 đến hết ngày 25/9. Theo điều tra thì nhiều TS trong số này chia sẻ mất hàng chục triệu đồng để “chạy” vào học.

Để tránh trách nhiệm về sau, tập đoàn Vietcare yêu cầu TS viết đơn tự nguyện đăng ký, ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ truyền thông Vietcare…

Lật tẩy

Để tìm hiểu bản chất của việc “lừa đảo” này, chúng tôi đã đóng giả là phụ huynh muốn đến xin cho con vào học hệ này. Sau khi liên hệ theo số điện thoại cố định, chúng tôi nhận được lời tư vấn: “Chỉ tiêu hết rồi giờ vào là hơi khó. Em cứ đưa cháu có gì anh sẽ giúp. Anh tên là Đề”.

Đến đúng địa chỉ ghi trong thông báo (số 42 ngõ 165 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi được anh Đề ra tiếp đón. Sau khi biết đưa em (một PV đóng vai) thi ĐH Ngoại thương nhưng rớt và có tổng điểm thi là 7, anh Đề tư vấn: Hiện có hai trường tuyển sinh là ĐH Công đoàn và ĐH Điện lực. Toàn bộ thông tin đều được in đây đủ ở đây hai anh em tham khảo.

Sau khi hỏi liệu 7 điểm vào được không, anh Đề nhỏ nhẹ bảo: “Điểm thấp thì phải mất thêm 1 triệu để nhà trường tổ chức thi cho đủ điểm”.

Lướt qua tấm thẻ trên ngực anh Đề, chúng tôi phát hiện gắn mác bảo vệ nên tỏ vẻ hoài nghi, anh Đề thanh minh: “Anh là cán bộ tuyển sinh nhưng hôm nay không có người nên làm bảo vệ”. Để tạo niềm tin, anh Đề lôi điện thoại ra gọi cán bộ tuyển sinh “thật” xuống để làm việc.

Vài phút sau, cán bộ tên Tân tự giới thiệu là Trưởng phòng tuyển sinh có mặt. Anh này nói thế nhưng chẳng có giấy tờ gì để khẳng định chức danh này. Anh Tân tư vấn là học cao đẳng chính quy sau đó sẽ thi liên thông lên ĐH nên cứ yên tâm, đây là cách đi đường vòng có những TS có điểm thi thấp nhưng muốn có bằng ĐH chính quy.

Nhận được câu hỏi: "Em được có 7 điểm dưới sàn làm sao học được CĐ chính quy?", thấy chúng tôi hỏi khó, anh Tân đành “khai thật”: “Học CĐ nghề thôi chứ dưới sàn sao học được chính quy. Học xong thì được liên thông lên ĐH chính quy”.

Trước câu trả lời của cán bộ Tân, chúng tôi suýt bật cười bởi quy định về đào tạo liên thông chúng tôi quá hiểu. Bên cạnh đó, gần đây Bộ GD-ĐT đang có chủ trường chấn chỉnh hệ này bằng cách TS phải dự cùng với kì thi ĐH, CĐ. Do đó chuyện học từ CĐ nghề liên thông lên ĐH chính quy là chuyện “ảo tưởng”.

Nhằm khai thác sâu về hành vi “lừa đảo” này, chúng tôi xin phép lên tầng 4 (khu văn phòng làm thủ tục nhập học) để tìm hiểu thêm. Vừa đặt chân vào phòng, chúng tôi đã thấy nhiều TS làm thủ tục nhập học, thậm chí có những TS ở tận Tây Nguyên ra. Khi có phụ huynh hỏi là khi nào thì đi học chính thức, các cán bộ tuyển sinh ở phòng này khẳng định là ngày 15/9 sẽ bắt đầu quân sự nên cứ yên tâm…

Điều đáng chú ý là ở phòng này xuất hiện nhiều logo của các trường ĐH hàng đầu Việt Nam. “Hiện tập đoàn đã làm việc với ĐH Kinh tế Quốc dân, Viện ĐH Mở, ĐH Công đoàn, ĐH Điện lực. Năm nay chưa có chỉ tiêu ĐH Kinh tế Quốc dân và Viện ĐH Mở”- một nữ nhân viên trả lời chúng tôi khi hỏi về các đối tác. Cũng theo lời nữ nhân viên này thì muốn học thì cứ nộp giấy báo điểm sau đó xét tuyển khoảng vài ngày sau là có giấy báo.
 
Tìm hiểu thêm thì chúng tôi cũng được biết, để "câu" TS, tập đoàn này đã rải nhân viên đi tư vấn nhiều khu vực, kết nối nhiều kênh khác nhau để kiếm TS...
Nhiều TS mắc câu đến làm thủ tục nhập học (ảnh chụp từ clip)

Nhiều TS đến làm thủ tục nhập học tại tập đoàn Vietcare. (ảnh chụp từ clip)
 
Thu thập đầy đủ thông tin, chúng tôi rút ra khỏi trung tâm đào tạo nhân lực cấp cao của tập đoàn VietCare và ngay lập tức gọi điện để nắm bắt từ Trường ĐH Điện lực. Trưởng phòng đào tạo nhà trường bận đi công tác nên trả lời nhanh qua điện thoại: “Trường chỉ hợp tác đào tạo nghề với tập đoàn Vietcare với chỉ tiêu 500. Sinh viên tốt nghiệp sẽ do Bộ Lao động cấp bằng”.

Còn PGS.TS Đàm Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực thì khá bất ngờ khi nghe thông tin trường cấp giấy báo trúng tuyển hệ Cử nhân thực hành bởi theo quy định thì từ "cử nhân" chỉ được phép dùng với hệ đào tạo chính quy ở bậc ĐH hoặc CĐ. Còn đối với hệ đào tạo nghề không được phép dùng từ cử nhân. “Chúng tôi sẽ kiểm tra và có trao đổi với báo cụ thể về vấn đề này” - ông hiệu trưởng nói.

Như vậy, việc TS đến nhập học tại tập đoàn VietCare để mong muốn kiếm tấm bằng chính quy là không có cơ sở. Việc tập đoàn này lợi dụng thỏa thuận hợp tác để “đánh lừa” TS cần phải được các cơ quan chức năng vào cuộc để làm sáng tỏ. Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

S.H

Dòng sự kiện: Bẫy lừa tuyển sinh