Suốt 100 năm qua, hoàn cảnh gia đình luôn ảnh hưởng tới tiếp cận giáo dục
(Dân trí) - Theo thống kê, trẻ em sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế kém hoặc ở nông thôn có ít cơ hội tiếp xúc với việc học ngoại ngữ hơn bạn bè có bố mẹ khá giả hoặc sinh sống ở thành phố.
Theo thống kê mới nhất cho thấy, ảnh hưởng của nền tảng gia đình đối với thành tích học tập của trẻ không hề thay đổi trong suốt 100 năm qua. Từ đó, sự phân biệt giàu nghèo trong trường học vẫn luôn luôn tồn tại, không hề biến mất.
Phân biệt giàu và nghèo trong môi trường giáo dục
Trong suốt một thế kỷ vừa qua, xã hội hiện đại hóa, nhiều chính sách được đưa ra nhằm xóa bỏ tư tưởng phân biệt địa vị về kinh tế nhưng dường như không mang lại nhiều kết quả.
Các nhà nghiên cứu tại đại học York đã phân tích dữ liệu từ 92.000 trẻ em tại Anh được sinh ra trong khoảng từ năm 1921 - 2011 cho thấy rằng, thành tựu giáo dục chịu sự ảnh hưởng lớn từ nền tảng kinh tế gia đình. Từ đó là bằng chứng cho thấy việc bất bình đẳng giáo dục vẫn luôn hiện hữu trong nhiều năm và nhiều thế hệ.
Hiện nay, các chính sách xã hội thường chỉ tập trung vào bình đẳng thu nhập của cá nhân với mục đích thu hẹp khoảng cách giàu nghèo hơn là việc đề cao bình đẳng về cơ hội cho từng cá nhân.
Giáo sư Sophie Von Stumm thuộc Khoa nghiên cứu về khoa học giáo dục - Đại học York đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu cho rằng: "Mặc dù các nhà hoạt động giáo dục đã đưa ra những chính sách nhằm xóa bỏ việc phân biệt giàu nghèo trong trường học. Song, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt sinh trong khoảng từ năm 1921 đến năm 2011, có ít cơ hội học tập hơn, theo đó kết quả học tập thấp hơn nhiều so với trường hợp có điều kiện kinh tế".
Ảnh hưởng của chính sách xã hội
Hiện nay, trong môi trường giáo dục chỉ đề cao và ưu tiên cho những học sinh có khả năng học tập cao hơn. Mục tiêu của các chính sách sẽ tạo mọi điều kiện cho họ trong việc giành giải tại các cuộc thi về kiến thức, kỹ năng.
Nhưng theo Giáo sư Von Stumm khẳng định: "Các chính sách xã hội nên chú trọng đầu tư nhiều nhất cho những em có hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn về vật chất. Bởi lẽ, các chính sách thúc đẩy cơ hội học tập bình đẳng chỉ có hiệu quả khi tất cả trẻ em có hành trang chuẩn bị giống nhau".
Theo thống kê, trẻ em sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế kém hoặc ở nông thôn có ít cơ hội tiếp xúc với việc học ngoại ngữ hơn bạn bè có bố mẹ khá giả hoặc sinh sống ở thành phố. Chính vì vậy, việc nắm bắt cơ hội học tập sẽ gặp nhiều trở ngại, khó khăn hơn.
Kết quả, học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ học chậm hơn và trình độ học vấn thấp hơn so với bạn bè có phụ huynh giàu có.
Hậu quả của sự bất bình đẳng
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng cách chênh lệch về kiến thức và kỹ năng giữa trẻ em nghèo khó và bạn bè sinh ra trong gia đình khá giả, có sự khác biệt đến 50% trong suốt bậc tiểu học. Chỉ đến khi lên lớp 11, sự chênh lệch này mới được xóa bỏ.
Giáo sư Paul Walking, cũng thuộc Khoa khoa học giáo dục - Đại học York, là đồng tác giả của nghiên cứu về sự chênh lệch giàu và nghèo trong nhà trường. Qua bài phân tích của ông trên tạp chí NPJ Khoa học giáo dục vào ngày 20/4/2022 cho thấy: "Mục đích của bài nghiên cứu muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bình đẳng cơ hội học tập trong những năm đầu đi học rất quan trọng. Các ảnh hưởng và hậu quả xấu sẽ được nhìn thấy rõ rệt trong vài năm sau đó".
Qua đại dịch Covid-19, các nhà khoa học đưa ra nhận định rằng, ảnh hưởng của bất bình đẳng trong giáo dục được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Trong khi trẻ em ở những gia đình có điều kiện được chu cấp thiết bị học tập đầy đủ, chương trình học tập phù hợp cho việc học online. Ngược lại, số lượng học sinh thiếu thốn về vật chất như: điện thoại thông minh, máy tính, tai nghe... phục vụ cho việc học trực tuyến ở mức cao, điều này kéo giãn thêm khoảng cách về chênh lệch cơ hội giáo dục giữa các học sinh.
Giáo sư Von Walking nhấn mạnh: "Các can thiệp giáo dục nhằm thúc đẩy việc học tập trong những năm đầu cấp tiểu học cho trẻ em chưa bao giờ quan trọng hơn bây giờ. Ngay cả khi những biện pháp can thiệp như vậy ban đầu chỉ có tác dụng nhỏ, nhưng lợi ích lâu dài của chúng là rất lớn. Giải quyết khoảng cách chênh lệch trong giáo dục có thể giảm bất bình đẳng về tổng thể cho toàn xã hội".