Sinh viên Y khoa được tuyển đầu vào 18 điểm, chất lượng đầu ra thế nào?
(Dân trí) - Lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chia sẻ, quan trọng là nhìn vào kết quả, chất lượng đầu ra để đánh giá chất lượng đào tạo và khả năng của sinh viên.
Ngày 10/1, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đại học chính quy năm 2022 các ngành khối sức khỏe, gồm: Y khoa, Dược khoa, Điều dưỡng. Trong đó, khóa YK21 tốt nghiệp năm nay cũng là khóa sinh viên Y khoa đầu tiên nhà trường tuyển sinh, đào tạo.
Trên nhiều diễn đàn, bên cạnh các ý kiến động viên sinh viên, một số ý kiến cũng bày tỏ sự nghi ngại về chất lượng của lứa bác sĩ tương lai này, khi điểm trúng tuyển khóa đầu ngành Y khoa của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thời điểm đó được đánh giá khá thấp (18 điểm).
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề trên, PGS.TS Phạm Dương Châu, Phó Hiệu trưởng phụ trách khối Sức khỏe, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chia sẻ, quan trọng là cần nhìn vào kết quả đầu ra, chất lượng đầu ra của sinh viên, xem các em thi ra sao, tốt nghiệp ra sao.
Theo PGS Châu, để được tốt nghiệp, sinh viên Y khoa cần trải qua cả phần thi lý thuyết và thi lâm sàng.
Phần thi lý thuyết bao gồm các môn theo chuẩn chung của ngành Y khoa, tương tự Trường ĐH Y Hà Nội và các trường đại học khác đào tạo ngành này. Với phần thi lâm sàng, sinh viên vẫn thi các môn như trường y khác, gồm môn Nội, Ngoại, Sản, Nhi.
Phần thi lý thuyết lẫn lâm sàng đều thành lập Hội đồng chấm thi, bao gồm cả những thầy cô trong trường và ngoài trường. Riêng thi lâm sàng, nhà trường chọn thi ở bệnh viện lớn, nơi các thầy cô có đủ những tiêu chuẩn chấm thi lâm sàng, như thi môn Ngoại ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; thi Sản ở Bệnh viện Phụ sản,…
PGS Châu khẳng định, kết quả thi chính là minh chứng cho chất lượng đào tạo của nhà trường và khả năng của sinh viên.
"Giống như những trận bóng đá, kết quả cuối cùng như thế nào sẽ là chứng minh cho khả năng, chất lượng đào tạo của đội bóng đó.
Nhiều sinh viên của chúng tôi khi thi lâm sàng được các giáo sư ở Bệnh viện Việt Đức, Xanh Pôn hay Thanh Nhàn đánh giá rất cao và cho điểm cao. Một số em khi làm khóa luận, bảo vệ nghiên cứu của mình cũng được các tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư ở các bệnh viện lớn đánh giá cao", ông nói.
Với các câu hỏi về chất lượng cơ sở vật chất, giảng viên của nhà trường có đáp ứng đào tạo khối ngành sức khỏe, theo PGS.TS Phạm Dương Châu, trường đã xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ, có các phòng labo thí nghiệm.
Với việc đi lâm sàng của sinh viên, nhà trường đã ký kết với 16 bệnh viện - con số không ít so với các trường đào tạo ngành y khác.
Riêng ngành Dược, ông Châu cho biết Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã ký kết với 5 nhà máy và các trung tâm y tế để sinh viên thực tập cả về lý thuyết cũng như thực hành.
Về đội ngũ giảng viên, ông Châu khẳng định số lượng, chất lượng giảng viên khối sức khỏe của trường được đánh giá cao trong khối trường ngoài công lập đào tạo nhân lực y tế, chưa kể đội ngũ giảng viên thỉnh giảng được mời từ các bệnh viện lớn.
"Trong buổi tổng kết vừa qua, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đánh giá tốt về đào tạo của nhà trường và sự chịu khó học tập cũng như tinh thần nỗ lực của sinh viên.
Chính kết quả học tập của sinh viên là sự đánh giá một cách đầy đủ về chất lượng đào tạo", PGS Châu khẳng định.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng cho biết, theo quy định, giống với các trường y khác, sinh viên Y khoa nhà trường sau tốt nghiệp cũng phải thực hành tại bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh trong vòng 18 tháng mới có được chứng chỉ hành nghề bác sĩ.
Về điểm xét tuyển đầu vào những năm tới, theo ông Châu, điều này còn phụ thuộc vào điểm sàn khối sức khỏe mà Bộ GD&ĐT công bố, vì đây là khối ngành có tính đặc thù. Thông thường, điểm đầu vào bao giờ cũng cao hơn điểm sàn do số lượng tuyển sinh chỉ có hạn.
Được biết, tổng số nhập học của khóa sinh viên Y khoa đầu tiên (YK21), Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là 119 em. Số sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp vào ngày 10/1 là 101 sinh viên, đạt tỷ lệ 84,87%.
Đến nay, khoa Y đang tiếp tục đào tạo các khóa từ khóa 22 đến khóa 27 với gần 1.000 sinh viên. Nhân lực cơ hữu của khoa Y đến thời điểm này có tổng số 103 nhân sự, theo học hàm/học vị và các chức danh chuyên môn khác. Trong đó, có 6 giáo sư, tiến sĩ; 22 phó giáo sư, tiến sĩ; 24 tiến sĩ/bác sĩ chuyên khoa II.