Lý do chứng chỉ ngoại ngữ "nội" lép vế trong xét tuyển đại học

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Theo chuyên gia, việc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có tính ứng dụng cao hơn chứng chỉ nội là lý do khiến nhiều thí sinh ưu tiên lựa chọn ôn tập.

Những năm gần đây, nhiều trường đại học áp dụng việc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đầu vào. Bên cạnh các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vốn quen thuộc như IELTS, TOELF…, một số trường đã dự kiến bổ sung xét tuyển thêm chứng chỉ ngoại ngữ nội - VSTEP của Việt Nam cho mùa tuyển sinh năm 2023.

VSTEP (Vietnamese Standardzed Test of English Proficiency) là đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, được Bộ GD&ĐT phê duyệt, ban hành năm 2015.

Hiện nay, có 25 trường đại học được cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ này. Năm 2022, VSTEP lần đầu được một trường đại học là Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội sử dụng để tuyển sinh.

Dù dự kiến được một số trường sử dụng để tuyển sinh năm tới, tuy nhiên theo khảo sát, nhiều thí sinh chưa thực sự "mặn mà" với việc ôn tập và thi VSTEP. Đa số các em vẫn lựa chọn các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOELF…

Lý do chứng chỉ ngoại ngữ nội lép vế trong xét tuyển đại học - 1

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện một trường đại học nằm trong danh sách trường được cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP chia sẻ, ngay bản thân trường này hiện cũng chỉ dùng chứng chỉ IELTS để xét tuyển đại học, ngoài ra không áp dụng bất cứ chứng chỉ ngoại ngữ nào khác.

"Chúng tôi chỉ tổ chức đào tạo, thi VSTEP để chuẩn đầu ra. Thời gian tới, với xét tuyển đại học chính quy thì trường cũng chưa có kế hoạch sử dụng chứng chỉ VSTEP xét tuyển mà chỉ dùng chứng chỉ quốc tế. Bởi trên thực tế, số thí sinh dùng chứng chỉ VSTEP để đăng ký  xét tuyển đại học cũng không nhiều", vị đại diện chia sẻ.

Theo ông, việc nhiều thí sinh chưa "mặn mà" chọn chứng chỉ nội xét tuyển đầu vào là do thi các chứng chỉ quốc tế như IELTS có thể tận dụng vào nhiều mục đích, bên cạnh xét tuyển còn là nộp học bổng du học, tuyển dụng… tính ứng dụng cao hơn.

Bên cạnh đó, hiện phần lớn các trường vẫn thường lựa chọn IELTS để xét tuyển, chưa có quá nhiều trường xét tuyển chứng chỉ VSTEP nên khi thí sinh thi IELTS sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

"Một lý do khác là sự công nhận lẫn nhau giữa những trường tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP. Nếu chúng tôi chỉ công nhận kết quả thi, chứng chỉ của trường mình mà không công nhận của những trường khác thì cũng rất khó", ông cho biết.

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, trường hợp thí sinh cần chứng chỉ ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu về xét tuyển đầu vào đại học thì việc sử dụng chứng chỉ VSTEP sẽ giúp họ tiết kiệm rất nhiều về kinh phí.

Tuy nhiên, trường hợp thí sinh có nhu cầu kết hợp với mục đích làm hồ sơ xin việc, đi du học thì việc ôn tập và dự thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL mới đáp ứng được những mục tiêu đó.

Đây có thể là lý do khiến nhiều thí sinh vẫn lựa chọn ôn tập những chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, dù rằng điều đó đồng nghĩa với việc chi phí thi đắt gấp khoảng 3 lần thi chứng chỉ VSTEP, chưa kể chi phí ôn luyện thi.

TS Dũng thông tin, từ nhiều năm nay, Trường ĐH Hà Nội sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ, bao gồm chứng chỉ VSTEP làm tiêu chí đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đầu ra cho sinh viên trước khi tốt nghiệp.

Dự kiến, từ năm tuyển sinh 2023, trường sẽ sử dụng chứng chỉ VSTEP để đánh giá năng lực ngoại ngữ trong xét tuyển đầu vào, bên cạnh việc sử dụng 21 loại chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác nhau áp dụng với các ngôn ngữ được đào tạo tại trường.

Việc lựa chọn thi chứng chỉ ngoại ngữ trong nước như VSTEP có những ưu điểm như tiết kiệm về kinh phí, có nhiều lựa chọn về đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ (hiện đã có 25 đơn vị khác nhau tổ chức thi chứng chỉ này), giúp nâng cao vị thế chứng chỉ ngoại ngữ của nước nhà.

Thực tế, các đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP đều thực hiện đầy đủ các quy định theo Thông tư 23 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (sau đó có sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư 24/2021/TT-BGDĐT ngày 8/9/2021) nên các kỳ thi đảm bảo sự nghiêm túc, chính xác trong đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh dự thi.

"Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới chỉ có chứng chỉ VSTEP đánh giá năng lực tiếng Anh. Hy vọng trong thời gian tới Việt Nam sẽ có thêm chứng chỉ ngoại ngữ là các thứ tiếng khác, để thí sinh không phải phụ thuộc vào các tổ chức quốc tế khi thi tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật... và nhờ đó năng lực khảo thí của Việt Nam sẽ được nâng cao", TS Dũng nêu quan điểm.

Đưa ra lời khuyên cho các thí sinh đang có dự định sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ nhấn mạnh, thí sinh nên tìm hiểu kỹ về yêu cầu xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh theo chứng chỉ ngoại ngữ của các trường đại học và mục đích sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ của mình để có sự lựa chọn hợp lý trước khi đăng ký dự thi.

Lưu ý, việc này cần thực hiện sớm để thí sinh có nhiều thời gian ôn luyện, làm quen với định dạng bài thi, đảm bảo phát huy tốt nhất năng lực của bản thân.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm