Covid-19:

Sinh viên phải vượt núi lên đỉnh tìm sóng... để học online

(Dân trí) - Những ngày này, các sinh viên ở nhiều miền rẻo cao Tổ quốc vượt núi lên đỉnh tìm sóng để học online.

Để không bị gián đoạn công tác đào tạo trong mùa dịch Covid-19, nhiều trường đại học chuyển sang dạy trực tuyến, dạy từ xa. Đa phần sinh viên trở về quê hương thay vì ở lại thủ đô. Các em sinh viên, đặc biệt là những cô cậu học trò vùng cao cũng nỗ lực không kém để theo kịp chương trình học online do điều kiện đặc thù ở miền núi.

Trên mảnh đất Hà Giang, hình ảnh cậu học trò nghèo người Cờ Lao, Sú Seo Chung ở thôn Tả Chải, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì hàng ngày vượt núi tìm sóng và cậu học trò người Mông Lầu Mí Xá, ở cao nguyên đá huyện Đồng Văn để học trực tuyến khiến nhiều người cảm phục.

 Sinh viên phải vượt núi lên đỉnh tìm sóng... để học online  - 1

Hàng ngày, Sú Seo Chung vượt 5km đường núi để ra sườn đồi gần trụ sở xã Túng Sán học online (Ảnh: Báo Hà Giang).

Sú Seo Chung sinh năm 1998, hiện đang là sinh viên năm thứ 3, Khoa Quản lí, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19, Seo Chung phải về quê. Tuy nhiên, với tinh thần ham học, hàng ngày cậu vẫn âm thầm vượt núi để đến nơi có sóng internet học online.

Túng Sán là xã đặc biệt khó khăn của huyện Hoàng Su Phì, xã nằm trên dải Tây Côn Lĩnh có độ cao trên 2.400m. Xã có các dân tộc như Nùng, Mông, Dao, Cờ Lao sinh sống.

 Sinh viên phải vượt núi lên đỉnh tìm sóng... để học online  - 2

Xuống Thủ đô học, hoàn cảnh khó khăn, mỗi năm Seo Chung chỉ dám về nhà một lần để… tiết kiệm tiền cho bố mẹ. Nhân dịp Covid-19, em được về quê… dài ngày (Ảnh: Báo Hà Giang).

Để việc học được tiếp tục, em phải tìm nơi có sóng internet. Việc này ở trên dải núi Tây Côn Lĩnh quê của Seo Chung là rất khó. Chung đã phải mất nhiều công để dò tìm. Cuối cùng cậu nghĩ ra, chỉ có ở gần trụ sở xã Túng Sán mới có sóng Wifi. Thế là hàng ngày, nắng cũng như mưa, cậu kiên trì vượt 5km đường núi từ thôn Tả Chải ra gần trụ sở xã để ngồi trên đồi học online.

Cũng như Seo Chung, cậu học trò Lầu Mí Xá – sinh viên ngành Quản lý công, Học viện Hành chính quốc gia tạm nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Lầu Mí Xá về nhà ở bản Sủng Của, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, cách thành phố Hà Giang 120 km. Khi trường tổ chức học trực tuyến, Xá tưởng như mình sẽ phải bảo lưu học kỳ này bởi điểm trường Sủng Của, nơi có kết nối Internet duy nhất của thôn, cách nhà Mí Xá 1 km đã thành điểm cách ly tập trung cho những người đi làm ăn từ Trung Quốc về. Cậu sinh viên đã thử leo lên ngọn núi cao sau nhà "bắt Internet" nhưng sóng chập chờn, kết nối bị ngắt quãng.

Một lần tình cờ đi qua đoạn đường ở nương trồng ngô, thấy bắt được 4G nên em quyết tâm sẽ dựng lán ở đây để theo học lâu dài. 

 Sinh viên phải vượt núi lên đỉnh tìm sóng... để học online  - 3
Lầu Mí Xá cùng với bạn dựng chiếc lán trên mảnh nương trồng ngô của người cô ruột ngày 3/4 để bắt sóng 4G học online.

Phủ tấm bạt nhựa lên chiếc mái lán vừa dựng từ 12 thanh gỗ, Lầu Mí Xá vuốt mồ hôi rịn trên trán dù trời bên ngoài lạnh buốt. Nhìn quanh một vòng căn lán 15 m2 vừa được dựng trên đồi ngô, thanh niên 21 tuổi rút từ trong túi ra chiếc điện thoại, huơ huơ vài vòng trên đầu rồi mỉm cười khi thấy máy vẫn hiện sóng 4G.

 Sinh viên phải vượt núi lên đỉnh tìm sóng... để học online  - 4
Chiếc lán được dựng giữa đường liên thôn, nơi duy nhất Lầu Mí Xá có thể bắt được sóng 4G.
 Sinh viên phải vượt núi lên đỉnh tìm sóng... để học online  - 5
Lầu Mí Xá học online với các bạn lớp Quản lý công, Học viện hành chính quốc gia từ lều của mình.

Ở mảnh đất Thái Nguyên vùng giáp ranh với Lạng Sơn, bức ảnh nữ sinh viên Ma Thị Tươi (người dân tộc Tày) hiện là sinh viên khoá K54 Khoa Khách sạn Du lịch, trường Đại học Thương Mại dựng lán giữa đỉnh đổi bắt sóng phát mạng học và làm bài kiểm tra trực tuyến cũng khiến nhiều người xúc động không kém vì tinh thần vượt khó học tập thời dịch bệnh.

“Hãy phàn nàn ít thôi.... không phải ai sinh ra đã may mắn nằm trong vùng phủ sóng của 4G, Wifi! Học online thời Covid, cố lên các bạn trẻ, hẹn ngày sớm nhất tựu trường”... Những lời chú thích cho bức ảnh của một giảng viên trường Đại học Thương mại về hai cô học trò của trường đang được lan truyền và nhận nhiều sự quan tâm.

 Sinh viên phải vượt núi lên đỉnh tìm sóng... để học online  - 6
Chiếc Lán của Tươi được bố em dựng ở ngọn đồi đầu xóm giúp em bắt sóng để học từ xa.
 Sinh viên phải vượt núi lên đỉnh tìm sóng... để học online  - 7
 Sinh viên phải vượt núi lên đỉnh tìm sóng... để học online  - 8
Cô học trò cho biết, em không tủi thân vì điều kiện học tập khó khăn.
 Sinh viên phải vượt núi lên đỉnh tìm sóng... để học online  - 9
Đốt lửa sưởi ấm trong một ngày trời lạnh…

Nhiều người ngay nhanh chóng nhận ra đặc thù của những miền quê vùng núi khi xem những bức ảnh "độc đáo" trên.

Chị Kim Nhung bình luận: “Các sinh ở quê khổ lắm. Chị về quê cũng phải lên trên đồi thì sóng điện thoại mới nhiều, mới gọi được đó. Vậy nên hình ảnh đưa lên thế này là rất tốt. Để các thầy cô cùng biết mà chia sẻ với học trò. Qua đó, giúp mọi người hình dung được phần nào những khó khăn của sinh viên nơi vùng quê nghèo. Nhưng phải là người nhà quê như chị thì mới thực sự thấu hiểu. Nhìn phát ra ngay”.

Cảm phục tinh thần vượt khó học tập của các nữ sinh viên miền núi, nhiều người không giấu được cảm xúc.

Bạn Hà Điệp nói: “Cảm thấy bản thân thật sự rất may mắn vì vẫn còn được học trong nhà. Thật khâm phục tinh thần học tập của các bạn”.

“Những bức hình tuyệt đẹp. Rơi nước mắt. Cố lên các em thân yêu”, chị Việt Nga chia sẻ.

Bạn Lan Anh đồng cảm: “Sóng trên vùng núi như tụi em kém lắm. Ra ngoài sân mới được 1 vạch. Nhưng em may mắn hơn các bạn chút là có Wifi”…

Lệ Thu (tổng hợp)