Sẽ siết chặt cơ chế đào tạo sau ĐH
(Dân trí) - Bộ GD -ĐT vừa đưa ra dự thảo 4 về Quy chế đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ, sau khi Luật Giáo dục 2005 có hiệu lực. Đây là những cơ chế khung, quy định các điều kiện tối thiểu và tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đào tạo sau ĐH.
Tuy nhiên, trước những tồn tại yếu kém của đào tạo sau đại học hiện nay, nhiều ý kiến đưa ra để khắc phục những hiện tượng này.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bành Tiến Long: Sẽ siết chặt cơ chế quản lý đào tạo trình độ sau đại học
Bộ GD - ĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý kiên quyết các vi phạm. Siết chặt hơn công tác quản lý đào tạo trình độ tiến sĩ theo tiến độ thực hiện đề tài, theo định kỳ tham vấn giữa các nghiên cứu sinh với giáo viên hướng dẫn và báo cáo kết quả nghiên cứu với bộ môn chuyên môn. Bộ sẽ thực hiện rà soát lại các cơ sở đào tạo tiến sĩ theo yêu cầu của Chính phủ, báo cáo và trình Thủ tướng xem xét quyết định những cơ sở đủ điều kiện, được giao quyền tự chủ toàn bộ trong đào tạo và cấp bằng tiến sĩ.
Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo cũng phải đổi mới cách quản lý chương trình, nội dung, kiểm tra đánh giá của cơ sở mình. Cần xây dựng các quy định chi tiết về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trên cơ sở Quy chế của Bộ GD -ĐT, trong đó nêu rõ yêu cầu về chất lượng đào tạo của chuyên ngành và của cơ sở mình. Cần chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ quản lý, về cơ sở phục vụ đào tạo để có thể nhanh chóng chuyển từ đào tạo theo học phần sang đào tạo theo tín chỉ.
GS.TSKH Vũ Minh Giang. |
Đào tạo sau ĐH thực chất là nghiên cứu và đào tạo. Chúng ta hay nói chương trình hàn lâm, nhưng theo tôi nó còn hơn thế nữa, rất vô bổ. Khi tiếp xúc với nhiều nhà quản lý giáo dục Nhật bản, Hàn Quốc họ khuyên chúng ta đừng quá chạy theo công nghệ, không nên quá đề cao thực tiễn mà quan trọng là cái cơ bản của chương trình.
Để nâng cao chất lượng chương trình đào tạo sau ĐH và khắc phục những yếu kém từ trước tới nay thì cần phải đầu tư cơ sở vật chất. Hiện nay, cơ sở vật chất của các trường đại học và sau đại học của chúng ta quá lạc hậu. Tôi hoàn toàn chia sẻ với những khó khăn mà Bộ GD -ĐT đưa ra. Nhưng chúng ta hãy soi mình vào thực tiễn hiện nay và so sánh với các trường có đẳng cấp quốc tế để rút ra kinh nghiệm mà học tập. Một trong những tiêu chuẩn quốc tế là trường nào có sinh viên nước ngoài đến học thì trường đó đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trường đại học Quốc gia Hà Nội cũng có rất nhiều sinh viên nước ngoài đến học không chỉ là những ngành Việt Nam học hoặc văn hoá Việt Nam, mà còn có cả những ngành khác như Quản trị kinh doanh vì đến Việt Nam giá thành rất rẻ.
Chúng ta phải biết, thầy giáo Việt Nam cũng không kém so với các nước tiên tiến vì chúng ra chưa biết khai thác hết tiềm năng. Bên cạnh đó, tính tự chủ của các trường đại học còn thấp, tâm lý của họ còn ỷ lại, trông chờ. Bộ GD - ĐT cần rà soát lại cơ chế hoạt động của các trường để chương trình đào tạo sau ĐH không thể dừng lại ở mức như thế này.
Đào tạo sau ĐH như hiện nay rất nguy hiểm nếu để kéo dài tình trạng này. Lỗi hoàn toàn không phải do Bộ GD - ĐT, mà là do Bộ Nội vụ có quyết định là chuẩn hóa cán bộ và bằng cấp nhưng không có quy định cụ thể.
Do không có sự chuẩn bị cụ thể nên “cung tăng hơn cầu” về học sau đại học, do đó mất cân đối về tỷ lệ đào tạo sau ĐH. Chương trình sau ĐH của chúng ta phải nói là lý thuyết chứ chưa được hàn lâm. Vì giảng viên hiện nay dạy lý thuyết nhiều hơn thực hành, do điều kiện thực hành không có. Do đó, tôi có kiến nghị với Bộ GD -ĐT.
Về dự thảo Quy chế đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ thì đây mới chỉ là dự thảo lần thứ 4 sẽ còn nhiều dự thảo nữa mới ra được quy chế. Bộ nên coi trọng ngoại ngữ và tin học trong đào tạo sau đại học. Hơn nữa, cần tập trung chú trọng tới chất lượng của các luận văn, luận án, người phản biện. Tôi chấm 5 luận án Tiến sĩ thì có 2 luận án trùng nhau. Do vậy, Bộ phải thành lập Hội đồng thẩm định, tăng số phản biện chính lên. Quy định lại khung điểm luận án Tiến sĩ.
Hiện nay, theo tôi được biết ở Việt Nam không một người nào làm luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ dưới 9 điểm, thật lạ. Bộ phải quy định lại vấn đề này, vì ở nước ngoài 6 điểm trở lên là đã đạt rồi...
Đào tạo SĐH năm 2006: 6 nhiệm vụ và 7 giải pháp:
6 nhiệm vụ: 1. Xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển giáo dục SĐH giai đoạn từ nay đến năm 2020. 2. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp theo hướng nghiên cứu- phát triển và nghề nghiệp- ứng dụng, đặc biệt xây dựng các chương trình đào tạo thạc sĩ tiếp nối với các chương trình đại học tiên tiến đang triển khai ở các trường đại học hiện nay. 3. Xây dựng kế hoạch chi tiết cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. 4. Thực hiện đào tạo thạc sĩ theo học chế tín chỉ. 5. Thực hiện việc tách hệ thống đánh giá ra khỏi hệ thống giảng dạy và kiểm định chương đào tạo với một số cơ sở. 6. Xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể đối với giảng viên.
7 giải pháp: 1. Ban hành quy chế đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. 2. Tăng cường công tác thanh kiểm tra và kiên quyết xử lý các vi phạm, siết chặt công tác quản lý đào tạo. 3. Xem xét quyết định những cơ sở đủ điều kiện được giao quyền tự chủ toàn bộ trong đào tạo và cấp bằng tiến sĩ. 4. Khuyến khích sử dụng các giảng viên trẻ được đào tạo ở nước ngoài. 5. Giảm tối thiểu thời gian lên lớp, tăng tối đa giờ tự học của học viên. Nghiêm cấm việc giảng dạy cuốn chiếu, cắt bớt quy trình. 6. Thực hiện sàng lọc hàng năm đối với những nhiên cứu sinh không hoàn thành chương trình học tập, kế hoạch nghiên cứu, không tham gia đầy đủ các hoạt động chuyên môn theo quy định. 7. Xác định danh mục các tạp chí khoa học mà nghiên cứu sinh phải công bố kết quả nghiên cứu. |
Mai Minh - Hồng Hạnh