Sau 16 lần thi đại học, người đàn ông "tỉnh ngộ" ở tuổi 35
(Dân trí) - Sau 16 lần đi thi đại học, người đàn ông Trung Quốc có tên Tang Shangjun cho biết dù kết quả năm nay thế nào, anh cũng sẽ dừng việc thi lại đại học vì đã ở tuổi 35.
Người đàn ông dùng cả thanh xuân để thi lại đại học
Tang Shangjun (SN 1989) là một nhân vật "quen mặt" trong dòng tin tức xung quanh kỳ thi đại học tại Trung Quốc. Tính tới kỳ thi năm nay, Tang đã có tổng cộng 16 lần đi thi đại học. Trước nay, Tang chỉ muốn thi đỗ vào Đại học Thanh Hoa, trường đại học danh tiếng hàng đầu Trung Quốc.
Tang Shangjun sinh ra trong một gia đình làm nghề nông ở thành phố Phòng Thành Cảng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Có thể nói rằng cả thanh xuân của Tang dành để thi đại học. Trong khi đó, cha mẹ anh ngày một già nua, đời sống gia đình ngày một khó khăn hơn.
Điểm số mà Tang đạt được năm sau đều cao hơn năm trước, điều này từng khiến Tang nuôi hy vọng rằng sẽ đến một ngày, anh đỗ vào ngôi trường mơ ước.
Trong những lần thi đại học trước đây, Tang từng đỗ vào những trường Đại học có danh tiếng tại Trung Quốc, nhưng anh chỉ nhập học một thời gian rồi lại nghỉ học, bởi Tang chỉ muốn học tại Đại học Thanh Hoa.
Năm 2009, lần đầu thi Đại học, Tang đạt mức điểm 372/750. Đây là mức điểm thấp, không đủ để Tang đỗ vào những trường đại học có chất lượng tốt. Năm 2010, Tang thi lại và đạt 405 điểm.
Mức điểm tăng dần qua từng năm, đến năm 2016, lần đầu tiên Tang đạt mức 625 điểm. Khi ấy, anh đã đỗ vào Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, nhưng nhập học một thời gian, anh nhanh chóng nghỉ học vì ước mơ vẫn ám ảnh chàng thanh niên: phải đỗ vào Đại học Thanh Hoa.
Tâm sự tuổi 35
Trong những năm qua, Tang kiếm tiền từ việc đi làm gia sư, đi đưa đồ ăn... Cơ bản, anh vẫn có thể tự chu cấp cho bản thân, dù cuộc sống không dư dả. Đến thời điểm này, Tang bắt đầu thấy có sự bất ổn trong cuộc sống của bản thân.
Anh tâm sự: "Tôi nhiều lúc thấy ghen tị với bạn bè bằng tuổi, họ đã có gia đình, có con cái. Bây giờ, tôi cũng chỉ muốn có một cuộc sống bình thường như họ. Đôi khi, tôi cũng nghĩ nếu như tôi đã có công việc ổn định từ lâu, gia đình tôi hẳn đã không nghèo khó như bây giờ.
Hiện tại, tôi vẫn chưa có gì trong tay, mọi thứ rất không ổn định. Càng lúc tôi càng cảm thấy khó khăn để có thể làm một công việc gì ổn định dài lâu".
Tang Shangjun bên cha mẹ (Ảnh: SCMP).
Về điểm thi năm nay, Tang cho biết anh đạt hơn 600 điểm, dù vậy, kết quả vẫn khiến anh thất vọng bởi khả năng đỗ vào Đại học Thanh Hoa là rất thấp. Anh đã nộp hồ sơ ứng tuyển vào các trường đại học phù hợp với số điểm của mình.
Tang muốn đi theo chuyên ngành sư phạm và đã nộp hồ sơ vào một số trường gần nhà, bởi anh cần ở bên cha mẹ nay đã lớn tuổi.
"Tôi đã 35 tuổi, nếu tôi vẫn tiếp tục cố gắng, tôi cũng không chắc liệu có bao giờ mình thi đỗ vào Đại học Thanh Hoa không. Áp lực của kỳ thi đại học ngày càng lớn, năng lực của tôi có giới hạn. Ngay cả khi thi đỗ, cơ hội để tôi tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp cũng rất khó khăn, bởi lúc ấy, tôi đã lớn tuổi. Tôi dần nhận ra mục tiêu của mình rất không thực tế", Tang tâm sự.
Câu chuyện về Tang Shangjun vẫn luôn được truyền thông Trung Quốc đề cập lại quanh mỗi kỳ thi đại học. Nhiều cư dân mạng và cả chuyên gia giáo dục đã đưa ra lời khuyên cho Tang.
"Thời gian và cơ hội trong cuộc đời mỗi người là có giới hạn, không thể quá phung phí thời gian tuổi trẻ như vậy được", một cư dân mạng bình luận.
"Anh ấy có thể học đại học ở một trường chất lượng vừa tầm, rồi tìm cơ hội học lên cao sau đại học tại ngôi trường mơ ước. Anh ấy nên nhanh chóng hoàn tất việc học, đi làm và ổn định cuộc sống riêng, rồi hãy tìm cơ hội theo đuổi ước mơ sau", một cư dân mạng khác đưa ra lời khuyên.
Tang Shangjun là nhân vật thường được nhắc tới xung quanh mỗi kỳ thi đại học tại Trung Quốc (Ảnh: SCMP).
Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 tại Trung Quốc đánh giá câu chuyện của Tang mang nhiều nét tiêu cực: "Tang có cách nhìn nhận lệch lạc rằng đỗ vào trường đại học danh tiếng hàng đầu đất nước chính là đạt được thành công lớn, giúp mở ra cuộc sống tốt đẹp.
Nhiều người cứ nghĩ chỉ cần đỗ vào trường đại học top đầu là cơ hội thênh thang rộng mở. Đó là lối suy nghĩ sai lầm. Cha mẹ và thầy cô nên coi câu chuyện của Tang như một ví dụ điển hình cho cách tư duy sai lệch xung quanh kỳ thi đại học".
Sự "tỉnh ngộ" muộn màng
Sau khi biết kết quả thi năm nay, Tang cho biết anh sẽ không thi lại đại học nữa bởi anh không còn trẻ. Tang thấy việc ôn luyện đã đạt tới giới hạn, anh không thể bứt phát, đẩy điểm số lên cao hơn được nữa. Cha mẹ cũng hy vọng anh sẽ sớm ổn định cuộc sống bởi họ đã già nua, bệnh tật.
Bản thân Tang cũng bắt đầu nhận thấy những áp lực về tuổi tác trong cuộc sống cá nhân. Năm nay, nếu đỗ vào trường đại học nào, Tang sẽ kiên trì theo học.
Nhiều cư dân mạng cho rằng hiện tại Tang đã trở thành nhân vật "nổi tiếng", anh nên tìm cách duy trì sức hút của bản thân để tìm kiếm cơ hội kiếm tiền từ mạng xã hội. Dù vậy, Tang cho biết trước nay anh chưa bao giờ có ý định tận dụng câu chuyện của bản thân để kiếm tiền trên mạng xã hội.
Tang cho rằng nếu cố gắng trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội, anh sẽ còn phải trả giá đắt hơn nữa. Hiện tại, Tang không nhận lời hợp tác với bất cứ nhãn hàng nào, anh chỉ muốn sớm đi học đại học, tạo nên thành quả có ý nghĩa cho cuộc sống của bản thân ở tuổi U40.
Tang Shangjun đã 35 tuổi, anh sẽ không thi đại học thêm nữa (Ảnh: SCMP).
Thực tế, những kỳ thi đại học đã dần trở nên ám ảnh đối với Tang đến mức anh thường xuyên có những giấc mơ mệt nhọc: "Tôi thường nằm mơ mình không có đủ thời gian để làm bài thi, hoặc quên không mang bút vào phòng thi. Sau cùng, tôi không thấy hối tiếc khi câu chuyện của bản thân được biết tới rộng rãi.
Trước đây, nhận thức của tôi quá hạn hẹp. Bây giờ, tôi không muốn ai giống như tôi. Tôi có hối tiếc vì bản thân đã quá ngoan cố và nhận ra mọi sự quá muộn. Từ câu chuyện của mình, tôi hy vọng những bạn trẻ khác sẽ rút ra được điều gì đó hữu ích trên con đường học tập, để sống có ý nghĩa cho bản thân, gia đình và xã hội".
Câu chuyện về Tang Shangjun bắt đầu được truyền thông và công chúng Trung Quốc biết tới từ năm 2016, khi He Hanli - một người bạn của Tang - quay video chia sẻ câu chuyện về Tang trên mạng xã hội.
Về sau này, khi thấy Tang phải nhận những ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng, He cảm thấy rất lo lắng cho bạn. He nghĩ mình đã "hại" bạn, khiến Tang bị một bộ phận cư dân mạng chế giễu ác ý. He cũng luôn khuyên Tang nên từ bỏ ước mơ đỗ vào Đại học Thanh Hoa để sống thực tế hơn.
Sau tất cả, Tang khẳng định He là người bạn chân thành của anh: "Nếu không có He đưa câu chuyện của tôi lên mạng xã hội, tôi sẽ chẳng hiểu gì về xã hội quanh mình. Tôi sẽ tiếp tục sống khép kín trong thế giới của mình và không cải thiện nhãn quan. Thực tế, nhiều ý kiến của cư dân mạng đã mở mang đầu óc cho tôi.
Những bình luận tiêu cực là chuyện bình thường và cũng là động lực để tôi hành động đúng đắn hơn. Ở nơi tôi sống, mọi người không biết nhiều về tôi. Nhưng trên mạng xã hội, câu chuyện của tôi được biết tới rộng rãi. Chính những ý kiến trái chiều đã giúp tôi nhìn lại vấn đề và không muốn đi thi lại nữa".
Những chia sẻ của Tang sau kỳ thi đại học năm nay khiến cư dân mạng Trung Quốc xúc động. Nhiều người hy vọng anh sẽ thi đỗ vào một trường sư phạm chất lượng theo đúng mong ước. Câu chuyện về Tang Shangjun đã đến lúc bước sang trang mới sau cả thanh xuân dành để đi thi đại học.
Theo SCMP/Baijiahao