Nữ sinh Việt trúng tuyển ĐH Stanford bằng đam mê nghiên cứu quyền trẻ em
(Dân trí) - Đặng Khánh Linh, 18 tuổi, học sinh Trường Phổ thông liên cấp Olympia, vừa nhận thông báo trúng tuyển vào Đại học Stanford, ngôi trường xếp thứ 3 thế giới và số 1 tại Mỹ về Chính sách công và Kinh tế.
Mê đọc sách, nghiên cứu luật từ nhỏ
"Hội đồng tuyển sinh đã bị thuyết phục bởi đam mê, sự quyết tâm, thành tích và trái tim của em. Em là sự phù hợp tuyệt vời với Stanford" là một đoạn trong lá thư thông báo trúng tuyển mà Đại học Stanford gửi cho Đặng Khánh Linh.
Với tỷ lệ trúng tuyển dưới 4%, Stanford là 1 trong 3 trường đại học khó vào nhất nước Mỹ (cùng Viện Công nghệ Massachusetts và Harvard).

Đặng Khánh Linh, 18 tuổi, học sinh Trường Phổ thông liên cấp Olympia, vừa nhận thông báo trúng tuyển vào Đại học Stanford (Ảnh: NVCC).
"Đầu giờ sáng ngày 28/3, dù biết là sẽ có kết quả Đại học Stanford, nhưng em không dám mở thư ra xem. Mẹ động viên, nói em đừng quá lo lắng, cứ chuẩn bị một tâm lý thoải mái vì em đã có kết quả rất tốt của các trường khác rồi, nếu không được vào Stanford cũng là điều rất bình thường thôi.
Và khi em mở hộp thư ra, thấy pháo hoa bắn tưng bừng (đặc trưng của các trường đại học Mỹ khi thông báo trúng tuyển) và dòng chữ "Chúc mừng Khánh Linh", em đã nghĩ đây là một giấc mơ. Tới bây giờ, sau khi đã nhận rất nhiều lời chúc mừng, em vẫn nghĩ mình đang mơ", Khánh Linh chia sẻ.
Bộ hồ sơ của Khánh Linh mạnh về học thuật và nghiên cứu khoa học. Nhờ xác định mục tiêu sớm, nữ sinh đã đạt điểm SAT 1.540 từ năm lớp 10, IELTS 8.0 và điểm IB (tú tài quốc tế) dự đoán ở mức xuất sắc.
Em cũng giành huy chương vàng viết luận vòng chung kết thế giới World Scholar's Cup (cuộc thi hùng biện quốc tế) tại Đại học Yale, Mỹ; huy chương vàng cá nhân và đồng đội World Scholar's Cup vòng khu vực tại Bangkok, Thái Lan.
Đáng chú ý, Khánh Linh là sáng lập viên một tạp chí nội san, nghiên cứu và xuất bản hơn 30 bài phân tích chính sách về quyền trẻ em.
Luật và chính sách công là lĩnh vực mà Khánh Linh theo đuổi. Các hoạt động, nghiên cứu và dự án của nữ sinh trong suốt những năm phổ thông thể hiện trong hồ sơ ứng tuyển đại học đều xoay quanh lĩnh vực này.
Chị Nguyễn Thị Thanh Bình - mẹ của Khánh Linh - chia sẻ, nữ sinh từ nhỏ đã rất thích đọc sách. Em sinh ra ở Pháp khi 2 bố mẹ đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ luật tại đây.

Khánh Linh yêu thích nghiên cứu và tìm hiểu về luật, chính sách từ nhỏ (Ảnh: NVCC).
"Yêu thích nghiên cứu và tìm hiểu về luật, chính sách chắc đã có từ trong "gen" của con. Nên khi tiếp cận và viết về các chủ đề này, khả năng tư duy của con có lúc làm cho bố mẹ phải ngạc nhiên và thán phục.
Con là cô bé ngoan, tình cảm và giàu lòng trắc ẩn, có khả năng viết và biểu đạt ngôn từ rất tốt. Tôi đã rất xúc động khi đọc thư của Hội đồng tuyển sinh trường Stanford gửi cho con, khi họ ghi nhận cả thành thích, niềm đam mê và cả tấm lòng của con nữa", chị Bình nói.
Việc tham gia các đội tuyển tranh biện tại nhiều nước, các cuộc thi quốc gia và quốc tế về tranh biện tiếng Anh giúp Khánh Linh có tư duy đa chiều và phương pháp nghiên cứu, đánh giá các vấn đề chính trị, xã hội phức tạp ở quy mô toàn cầu.
Quá trình này giúp em sớm dành sự quan tâm đến chính sách, pháp luật bảo vệ cho nhóm yếu thế trong xã hội gồm phụ nữ, trẻ em, người đồng tính (LGBT), người dân tộc thiểu số...
Một trong những bài luận Khánh Linh gửi Đại học Stanford đã kể về cuộc tranh luận của em với bố mẹ quanh chủ đề hôn nhân đồng giới. Nữ sinh cho biết, dù quan điểm hai thế hệ khác biệt, em và bố mẹ đã hiểu nhau hơn và đạt được thỏa thuận ứng xử.
"Mọi cuộc cách mạng bắt đầu bằng một mũi khâu"
Trong bài luận chính ứng tuyển vào đại học Mỹ, Khánh Linh mở đầu bằng hình ảnh "Mọi cuộc cách mạng bắt đầu bằng một mũi khâu".
Từ việc học thêu tranh với mẹ, Khánh linh nhận thấy để có một bức tranh hoàn chỉnh với những đường nét phức tạp, đều phải từ từng mũi khâu.
Toàn bộ bài luận là hành trình Khánh Linh khám phá ra đam mê của bản thân, tìm hiểu về nó, xây dựng và bắt đầu cống hiến cho nó từng việc một, từ nhỏ tới lớn, như từng mũi khâu.

Khánh Linh tại vòng chung kết World Scholar's Cup, Mỹ (Ảnh: NVCC).
"Em kết thúc bài luận bằng việc hiện tại, em tiếp tục theo đuổi các hoạt động về luật và chính sách công dành cho nhóm yếu thế, như từng sợi chỉ, mũi khâu để tạo nên bức tranh lớn sau này", Khánh Linh chia sẻ.
Khánh Linh thuộc khóa học sinh đầu tiên học chứng chỉ Tú tài quốc tế IB tại Trường Phổ thông liên cấp Olympia. Chương trình này yêu cầu học sinh chọn ít nhất 3 môn nâng cao và 3 môn tiêu chuẩn. Linh thử thách bản thân với 4 môn nâng cao, gồm toán, sinh, quản trị kinh doanh và văn học tiếng Anh.
"Thông qua việc chọn nhiều môn nâng cao, em muốn hội đồng tuyển sinh thấy mình không chỉ là người có năng lực học, mà còn không ngại thử thách bản thân.
Em nghĩ Stanford nhận em vào trường là đánh giá ở góc độ học thuật và nhìn thấy sự đam mê xuyên suốt của em với lĩnh vực em muốn theo đuổi ", Khánh Linh bày tỏ.
TS Lê Thị Trầm Hương, giáo viên phụ trách học thuật chương trình tích hợp của trường Olympia, cho biết, thử thách lớn nhất với Khánh Linh trong quá trình làm hồ sơ du học là sắp xếp thời gian.
Theo cô, chương trình đòi hỏi cao về học thuật, có quy định nghiêm ngặt về thời gian học và các bài thực hành. Để cân đối, Linh luôn phải chủ động lên kế hoạch, kịp thời trao đổi với giáo viên những khó khăn gặp phải để được hỗ trợ.
"Thầy cô hay gọi Linh là bông hồng thép. Con luôn dịu dàng, hòa đồng và khiêm tốn trong tập thể, nhưng bên trong là một ý chí mạnh mẽ, kiên định và bản lĩnh hiếm có", cô Hương nói.
Thạc sĩ Trần Minh Sơn, giáo viên IB, giáo viên toán của Khánh Linh nhận xét, học trò xuất sắc môn Toán, đặc biệt là ở khả năng tự đọc, tự học.
"Khánh Linh có sự tò mò tự nhiên và nhiệt tình học hỏi vượt ra ngoài lớp học. Con tiếp cận các vấn đề phức tạp với sự quyết tâm bình tĩnh và không bao giờ ngần ngại đặt câu hỏi hoặc tìm kiếm thêm các nguồn tài liệu để hiểu sâu hơn.
Tôi nhớ có lần Khánh Linh bị lỡ một buổi học Toán về chủ đề phương trình vi phân do con phải viết rất nhiều bài luận. Nhưng ngay trong khoảng nghỉ vài tiếng giữa hai buổi học, Khánh Linh đã tự đọc tài liệu và làm bài tập để bắt kịp tiến độ của lớp".
Ngoài Đại học Stanford, Khánh Linh còn nhận được thông báo trúng tuyển từ những trường đại học top đầu của Mỹ (Michigan, Virginia); Úc (Melbourne, Sydney, Monash).
Đặc biệt, Khánh Linh nhận được học bổng toàn phần Trustee Scholar của Đại học Boston, Mỹ trị giá gần 8 tỷ cho 4 năm học.
Đây là học bổng rất hiếm mà trường chỉ dành cho gần 20 sinh viên xuất sắc nhất trong tổng số hơn 11 ngàn sinh viên mà Đại học Boston nhận mỗi năm. Sinh viên được nhận học bổng này sẽ được gọi là các Học giả của Đại học Boston và được tham gia các khóa đào tạo, trao đổi học giả đặc biệt.