Trường ĐH Thương mại dự kiến dùng AI đào tạo công nghệ kinh doanh

Mỹ Hà

(Dân trí) - Dự kiến năm 2026, Trường ĐH Thương mại sẽ tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo trong Kinh doanh. Theo đó, có một phần áp dụng công nghệ AI trong đào tạo, giảng dạy.

Thông tin trên vừa được đưa ra bên lề lễ công bố Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2024 với chủ đề "Công nghệ AI trong kỷ nguyên số", do Trường Đại học Thương mại công bố sáng nay (3/4).

Đây là báo cáo lần thứ 7 được công bố và nằm trong chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế và thương mại lớn một năm qua, nhấn mạnh vào những vấn đề nổi bật trong năm, đồng thời đề xuất các chính sách liên quan.

Trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề sự kiện, đại diện nhà trường cho biết, dự kiến năm đầu tiên, nhà trường tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo trong Kinh doanh với khoảng 120 chỉ tiêu để đảm bảo chất lượng đào tạo. 

Trường ĐH Thương mại dự kiến dùng AI đào tạo công nghệ kinh doanh - 1

PGS.TS Hà Văn Sự, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại (Ảnh: Mỹ Hà).

Đây là chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu trong thời đại số hóa, nằm trong ngành Khoa học máy tính, thuộc Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử.

Dự kiến năm đầu tiên nhà trường tuyển sinh khoảng 120 chỉ tiêu để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Khung đào tạo tuân theo khung chuẩn của Bộ GD&ĐT, gồm khoảng 120 tín chỉ chuẩn nhưng thiết kế bên trong sẽ có sự khác biệt giữa các chuyên ngành.

Cụ thể, ngành Trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh tăng cường năng lực ứng dụng, thông qua thực hành. Theo đó, các học phần thực hành được đẩy mạnh ở các phòng lab và tự thực hành qua các hệ thống thông minh.

Đặc biệt, nhà trường dự kiến sử dụng cả AI để đào tạo ứng dụng ngành Trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh.

Cũng theo nhà trường, trước khi xây dựng chương trình, Trường ĐH Thương mại đã nghiên cứu nhu cầu việc làm thông qua nhiều doanh nghiệp, sàn tuyển dụng và khảo sát nhu cầu trong tương lai, cho thấy nhu cầu trong 5 năm tới rất lớn.

"Chúng tôi đã mất hơn 2 năm để chuẩn bị cho việc đào tạo chương trình mới này. Ngoài việc sử dụng đội ngũ giảng viên của trường, các tiến sĩ khoa học được đào tạo từ nước ngoài về, nhà trường sẽ hợp tác với các trường ĐH trong và ngoài nước, đặc biệt ở Áo, Úc và Canada.

Chúng tôi cũng đã kí kết hợp tác với Viện Công nghệ Thông tin của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam để có hệ thống server lưu trữ lớn, đáp ứng cho việc đào tạo ngành mới", đại diện nhà trường chia sẻ.

Theo PGS.TS Hà Văn Sự, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, cùng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và biến đổi nhanh chóng của thị trường, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động kinh doanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yếu tố quan trọng quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp trong thời đại số.

Trường ĐH Thương mại dự kiến dùng AI đào tạo công nghệ kinh doanh - 2

Sinh viên Trường ĐH Thương mại (Ảnh: H. Yến).

Sự phát triển công nghệ cũng đòi hỏi nguồn nhân lực thích ứng, do đó nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và phát triển đội ngũ nhân sự có khả năng ứng dụng AI để giải quyết các thách thức kinh doanh thực tiễn ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm nhân lực trình độ cao, đặc biệt là những người hiểu sâu về cách tích hợp AI vào chiến lược và vận hành doanh nghiệp trên thị trường lao động, khiến xu thế tìm kiếm và lựa chọn các ngành học về trí tuệ nhân tạo tại các trường đại học, cơ sở đào tạo..., của người học trở nên phổ biến.

Trước tình hình đó, nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường trong đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của doanh nghiệp, bên cạnh các trường đại học khối kỹ thuật, công nghệ, nhà trường đã triển khai nghiên cứu và phát triển chương trình đào tạo liên quan đến AI.

Chia sẻ về ngành học mới này, PGS,TS. Nguyễn Long Giang, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho hay việc xem xét mở chương trình đào tạo mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường về ứng dụng lĩnh vực này trong các hoạt động quản lý, kinh doanh.

Đây sẽ là một trong số các trường đại học kinh tế thu hút sinh viên quan tâm đến cách thức phát triển và ứng dụng AI vào các lĩnh vực kinh doanh.

Năm 2025, Trường ĐH Thương mại dự kiến tuyển sinh 5.320 chỉ tiêu, tăng so với năm ngoái (năm 2024 tuyển sinh 4.950 chỉ tiêu), với 45 chương trình đào tạo (CTĐT).

Sở dĩ chỉ tiêu tăng do trường mở 10 chương trình mới.  So với năm ngoái, năm 2025, trường bỏ xét tuyển học bạ độc lập.

Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam được nghiên cứu dựa trên những số liệu và minh chứng có chọn lọc từ các tổ chức cung cấp dữ liệu chính thống và tin cậy; nghiên cứu những vấn đề ngắn hạn nhưng trong tầm nhìn trung và dài hạn với cấu trúc thống nhất bao gồm: Bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam; Các khía cạnh quan trọng phản ánh tình hình kinh tế và thương mại vĩ mô hàng năm.

Đặc biệt, báo cáo có lựa chọn những vấn đề chuyên sâu theo từng năm liên quan đến chủ đề của báo cáo và chủ đề cho năm 2024 là "Công nghệ AI trong kỷ nguyên số"; trên cơ sở những dự báo kinh tế - thương mại để đưa ra những khuyến nghị chính sách phát triển kinh tế và thương mại Việt Nam cho năm tiếp theo.