Rối tìm cách quản dạy thêm
Tại hội thảo bàn về quản lý dạy thêm học thêm do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hôm qua, nhiều nội dung cần được hướng dẫn vẫn chưa tường minh.
Dạy thêm cấp tiểu học: được hay không?
Theo dự thảo quy định về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn thành phố Hà Nội, một số trường hợp không được dạy thêm, trong đó có trường hợp “không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.
Đây là một nội dung được lấy từ Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT, quy định về dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, các nội dung hướng dẫn tiếp theo của dự thảo lại mâu thuẫn với quy định này.
Chẳng hạn, trong điều 5 của dự thảo có mục nêu một trong những hình thức dạy thêm học thêm là: “Nhận quản lý học sinh tiểu học ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình”.
Thậm chí, cũng trong điều 5 này ở mục quy định về thời gian thực hiện dạy thêm học thêm viết: “Học sinh tiểu học không quá hai tiết/ buổi học, không quá hai buổi/ tuần”. Được biết, những nội dung này từng có trong dự thảo Thông tư 17 nhưng đến khi ban hành chính thức thì bị gạch bỏ.
Trong hội thảo mà Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức nhằm lấy ý kiến các cán bộ quản lý giáo dục, những nội dung này được bàn luận khá rôm rả.
Bà Dương Thị Thanh Huyền, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm đề nghị bộ phận chắp bút dự thảo lưu ý quy định không dạy thêm học thêm với học sinh tiểu học của Thông tư 17.
Theo bà Huyền, về phương diện quản lý, nếu có đủ phòng học thì các phòng GD&ĐT sẽ khuyến khích các trường tiểu học tổ chức dạy hai buổi/ngày chứ không phải là tổ chức trông giữ trẻ ngoài giờ theo yêu cầu của gia đình.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Quý, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm lại ủng hộ cho phép hoạt động trông giữ trẻ ngoài giờ học.
“Ngày thứ bảy, phụ huynh tha thiết mong các trường tổ chức trông giữ trẻ, nhân đó giáo dục nghệ thuật, kỹ năng sống… cho các em với mức thu vừa phải để họ có thể yên tâm đi làm”, ông Quý nói.
Còn một đại diện Phòng GD Tiểu học Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, không nên gọi là học thêm cũng như “trông giữ trẻ” với việc tổ chức hoạt động nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống sau buổi học mà nên gọi đó là câu lạc bộ.
Từ đề xuất này, câu chuyện “trông giữ trẻ” hay “câu lạc bộ” với học sinh tiểu học được trở đi trở lại khá nhiều lần trong hội thảo.
Có nên quy định mức thu?
Vấn đề thu chi trong dạy thêm, học thêm cũng là nội dung được bàn luận sôi nổi trong hội thảo. Theo dự thảo, mức thu tiền học thêm trong hay ngoài nhà trường là do thỏa thuận giữa đơn vị, cá nhân, tập thể tổ chức dạy thêm với cha mẹ học sinh.
Nhiều đại biểu cho rằng, quy định như thế là chung chung và tạo điều kiện để mỗi nơi đưa ra một mức giá theo đòi hỏi chủ quan mà không phải vì chất lượng.
“Tôi rất muốn có khung về mức thu. Hiện nay, vì không có quy định khung nên có sự bất công về thu nhập giữa các giáo viên. Cũng là giáo viên nhưng có những người dạy thêm thu hàng chục triệu đồng/ tháng, có giáo viên không được mấy đồng”, đại biểu phòng GD&ĐT của một huyện ngoại thành nói.
Bà Nguyễn Thị Hường, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Từ Liêm cũng chia sẻ: “Thu nhập từ dạy thêm của các giáo sư, tiến sĩ cũng bị khống chế bởi các quy định, trong khi các giáo viên tiểu học thu tiền dạy thêm thì không ai quy định. Thực tế, có giáo viên tiểu học dạy thêm trong dịp hè thu cả trăm triệu đồng. Thu mỗi học sinh 100.000 đồng, mỗi lớp chỉ cần 30 học sinh là cô đã có 3 triệu đồng/ buổi học”.
Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, lãnh đạo ngành GD&ĐT rất quan tâm tới mức thu tiền học thêm nhưng đưa vào quy định là rất khó.
Tuy nhiên, việc quản lý vấn đề này có thể mong chờ vào hai yếu tố: sự thỏa thuận với phụ huynh học sinh và việc bắt buộc phải có dự toán thu - chi của các cá nhân, tập thể tổ chức dạy thêm học thêm khi làm thủ tục xin cấp phép.
Việc chi những khoản gì từ tiền thu được do dạy thêm cũng là vấn đề được nhiều đại biểu bàn cãi. Đại diện các phòng GD&ĐT mong muốn được trích lại một số phần trăm nhất định để chi phí cho quản lý hoạt động dạy thêm.
“Trách nhiệm của phòng GD&ĐT là quản lý và cấp phép hoạt động dạy thêm học thêm. Muốn quản lý được thì phải tổ chức kiểm tra và phải là kiểm tra liên ngành, ngành giáo dục chỉ một vài đại diện.
Nếu vậy phải có kinh phí mà thành phố thì không chấp nhận khoản này chiếm quá nhiều”, cán bộ một phòng GD&ĐT nói. Đại diện Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT cho rằng, cơ chế tự chủ tài chính không cho phép cơ quan quản lý nhà nước quy định tỷ lệ phần trăm cơ cấu chi cho khoản thu từ dạy thêm học thêm. |