Chấn chỉnh dạy thêm, học thêm: Khi “thuốc” đã “nhờn”!

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT và các địa phương đã ban hành không ít các văn bản để kiểm soát tình trạng dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, với “liều thuốc” đưa ra nhưng lại thiếu sự giám sát chặt chẽ của các nhà quản lý khiến cho hiện tượng này biến tướng dưới nhiều hình thức.

Trong thông tư 17 ban hành về quy định dạy thêm, học thêm (DTHT) của Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh rất rõ: Không dạy thêm đối với học sinh (HS) đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Tuy nhiên, kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa qua sau khi khảo sát một số trường tiểu học ở Hà Nội và TPHCM cho thấy còn nhiều giáo viên (GV) vẫn “phớt lờ” quy định trển để tổ chức DTHT tại nhà. Đối với Hà Nội, sự “nhờn thuốc” này được Ban hóa - Xã hội (HĐND thành phố) chỉ điểm trong thông báo kết quả tới UBND thành phố Hà Nội sau khi kiểm tra hàng loạt trường. Thông báo nhấn mạnh: “Ngoài chương trình chính khóa của Bộ GD-ĐT, tại các trường diễn ra phổ biến tình trạng học thêm, học nâng cao, học tự chọn, bồi dưỡng năng khiếu, học theo Đề án… với tỷ lệ HS đi học khá cao dẫn đến tình trạng loạn thu”.

Để chấn chỉnh DTHT, trong hội nghị giao ban 5 thành phố lớn vào cuối năm 2011, lãnh đạo Bộ GD-ĐT từng nhấn mạnh: “Chúng ta biết căn bệnh của nó nên sẽ không khó để giải quyết. Vấn đề là ở chỗ có quyết tâm hay không”. “Khẩu hiệu” nói ra thì dễ nhưng để thực hiện không phải đơn giản bởi với lực lượng mỏng nên việc giám sát chặt chẽ gần như vượt khỏi khả năng. Bên cạnh đó, những trường hợp vi phạm lại chưa nhận được hình thức xử lý luật thích đáng nên đã khó “đặc trị” lại càng “nhờn” hơn.

Kì I: Nhiều biến tướng trong dạy thêm, học thêm

Lãnh đạo nhiều trường tiểu học ở Hà Nội đều khẳng định, bước vào năm học mới các văn bản hướng dẫn về DTHT được phổ biến tới từng GV. Tuy nhiên, việc GV mở lớp “chui” tại nhà thì rất khó để kiểm tra, giám sát. Chỉ khi nhận được phản ánh từ cơ quan báo chí hoặc của phụ huynh lúc đó nhà trường mới “ngã ngửa”.

Lách luật để dạy thêm

Nếu như trước kia GV không ngần ngại mở lớp dạy thêm ở ngoài ra trường thì sau khi có thông tư 17, hoạt động này được kín đáo hơn. Hiện tượng thuê địa điểm để mở lớp tương đối hạn chế mà phần lớn chuyển sang dạy tại nhà.

Tránh việc “bị soi” các lớp dạy thêm mở tại nhà, GV thường chia ca kíp và tách nhóm. Mục đích của việc làm này là nếu có bị kiểm tra thì sẽ chuyển sang hướng dạy kèm, phụ đạo một vài HS vào ngày cuối tuần.  Anh T. có con đang học ở trường tiểu học C. (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Vào thứ 7 hàng tuần cô tổ chức dạy 2 ca. Mỗi ca kéo dài khoảng 2 tiếng. Ca thứ 3 kết thúc vào lúc khoảng 11h30”.

Cùng chung cảnh ngộ, anh H. có con đang học ở trường tiểu học T.T chia sẻ thêm: “Tưởng đưa ra quy định sẽ chấn chỉnh được tình hình nhưng thực tế thì vẫn chẳng có sự thay đổi nào. Ngoài việc học ở trường, các con lại phải đến với lớp học thêm. May mắn thì cô mở lớp ban ngày còn không lại phải học ca tối”.
 
Một lớp học thêm mở tại nhà giáo viên với kiểu ngồi học độc nhất vô nhị.

Một lớp học thêm mở tại nhà giáo viên với kiểu ngồi học "độc nhất vô nhị". (Ảnh do phụ huynh cung cấp)

“Tôi chỉ mong sao mùa đông mưa, gió, rét năm nay con tôi và các cháu lớp khác không phải đi học thêm vào buổi tối” - anh H. buồn rầu nói.

Không chỉ GV mà ngay cả nhà trường cũng đang tận dụng những ngày nghỉ cuối tuần để tổ chức dạy thêm dưới vỏ bọc bồi dưỡng năng khiếu, kỹ năng sống… Chẳng hạn như trường tiểu học V.Đ ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) thì gần như 100% HS đến trường vào ngày thứ 7. Khi được hỏi, các em cho biết là đến để học hai môn Toán và Tiếng Việt. Chúng tôi đem thắc mắc này trao đổi trưởng phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì thì được giải thích đó là đề án bồi dưỡng năng khiếu và phát triển tài năng đã được UBND thông qua.
 
Mặc dù là ngày thứ 7 nhưng gần như 100% HS trường tiểu học V.Đ đều đến trường.

Mặc dù là ngày thứ 7 nhưng gần như 100% HS trường tiểu học V.Đ đều đến trường.

Tuy nhiên, khi trao đổi ngược lại với hiệu trưởng nhà trường thì chúng tôi lại nhận được câu trả lời: “Trường tổ chức học bù cho HS vì tuần trước các em được nghỉ do trường cho mượn cơ sở để họ tổ chức đại hội công đoàn” Qua đó mới thấy việc quy định được ban ra nhưng GV thì vẫn phớt lờ để vi phạm còn nhà trường thì lại cố tình tìm cách “lách luật” tổ chức DTHT.

Lợi dụng quy định để “biến tướng”

Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì đối tượng học thêm là HS có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình HS và HS học thêm.

Song với cụm từ “tự nguyện” nên một số bộ phận GV đã sáng tạo ra các cách thức “đặc biệt” để ép HS phải đến lớp. Chẳng hạn như theo quy định của Bộ GD-ĐT thì HS có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm nhưng viện lý do sợ mẫu đơn không thống nhất nên GV in sẵn và yêu cầu HS về xin ý kiến phụ huynh.

Cách thực hiện trực diện, công khai như vậy nên phụ huynh chỉ biết "ngậm ngùi" xác nhận là đồng ý cho con theo học bởi tâm lý nếu không chấp hành thế nào con cũng bị để ý, ảnh hướng đến việc học hành.

“HS đồng ý hay không đồng ý thì cũng phải nộp lại đơn. Với cách làm như vậy thì thử hỏi liệu chúng tôi có sự lựa chọn nào khác?! Quy định ban ra nhằm mục đích là chấn chỉnh nhưng cứ biến tướng thế này phụ huynh chúng tôi khổ sở lắm” - chị L. ở quận Đống Đa, Hà Nội bức xúc nói.
 
Giáo viên có nhiều thủ thuật để ép HS đến với lớp học thêm.

Giáo viên có nhiều "thủ thuật" để ép HS đến với lớp học thêm. Trong ảnh: HS đến học thêm tại nhà giáo viên vào ngày thứ 7.

Theo cô L.T.Y, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Quận Ba Đinh thì việc quy định muốn học thêm phải viết đơn là chủ trương đúng. Tuy nhiên, với việc GV đứng ra đưa mẫu và đề nghị phụ huynh xác nhận thì quả là làm khó phụ huynh.Với tâm lý sợ ảnh hưởng đến việc học tập của con thì chắc hẳn rất ít người phản hồi lại là không đồng ý.

Bên cạnh đó, lợi dụng quy định của Bộ GD-ĐT về việc đối với GV đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nên một số cá nhân đã tận dụng tối đa. Với việc xin phép nhà trường tham gia dạy ở các trung tâm hoặc các lớp bồi dưỡng do tổ chức khá mở ra (phần lớn là do những người quen biết, thậm chí là người thân mở ra..), các GV này thỏa sức DTHT.

Nếu đi tìm hiểu sâu thì không khó để phát hiện ra phần lớn các trung tâm này chỉ là vỏ bọc bề ngoài để tránh bị thanh tra, kiểm tra. Bản chất thực sự của các trung tâm này chỉ là nơi để một số GV thuê địa điểm tổ chức DTHT.

Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều trường ở Hà Nội thì việc DTHT sẽ được chấn chỉnh dễ dàng hơn nếu có sự hợp tác từ phía các bậc phụ huynh. Việc mở lớp “chui” nếu không có thông tin từ người học thì cơ quan quản lý cũng “chịu”. Rõ ràng xét một góc độ nào đó thì đây là sự hợp tác cần thiết. nhưng làm thế nào để xóa bỏ rào cản “sợ sệt” của phụ huynh thì không đơn giản. Chúng tôi sẽ tiếp tục bàn về vấn đề này trong bài kế tiếp.

Nguyễn Hùng