Dự thảo “quản” dạy thêm ở Hà Nội: Tiềm ẩn nguy cơ “biến tướng”

(Dân trí) - UBND Thành phố Hà Nội đang xây dựng văn bản quy định về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn. Khác với thông tư thông tư 17 của Bộ GD-ĐT, Hà Nội dự kiến bổ sung một số điểm mới để phù hợp với tình hình thực tế.

Theo dự thảo của Hà Nội thì về nguyên tắc vẫn nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm, học thêm (DTHT) trái quy định. Tuy nhiên dưới góc độ tổ chức DTHT trong nhà trường thì Hà Nội mở rộng hơn. Cụ thể, ngoài các quy định của thông tư 17, dự thảo DTHT bổ sung thêm: Nhà trường có thể nhận quản lý học sinh (HS) tiểu học ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình và những trường hợp khác theo quy định; Mở nhóm, lớp, trung tâm thực hiện dạy thêm học thêm cho HS trung học theo chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông để phụ đạo, bồi dưỡng về văn hóa, ôn luyện thi, bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, ngoại ngữ, tin học và các kiến thức, kỹ năng khác.
 
Quản lý học sinh tiểu học ngoài giờ học sẽ tiềm ẩn nguy cơ DTHT biến tướng?

Quản lý học sinh tiểu học ngoài giờ học sẽ tiềm ẩn nguy cơ DTHT biến tướng? (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, dự thảo quy định, thời gian các đơn vị cơ sở thực hiện dạy thêm học thêm đối với: HS tiểu học không quá 2 tiết/buổi học, không quá 2 buổi/tuần; HS trung học cơ sở không quá 2 tiết/buổi học và không quá 3 buổi/tuần; HS trung học phổ thông không quá 3 tiết/buổi học và không quá 3 buổi/tuần.

Mở rộng vì nhu cầu thực tế

Một lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, sở dĩ dự thảo đưa ra một số quy định dành cho bậc học này là xuất phát từ nhu cầu thực tế. Hiện nay ở Hà Nội vẫn còn những trường mới thực hiện được học 1 buổi/ngày do cơ sở vật chất còn hạn chế. Bên cạnh, đó với việc học 2 buổi/ngày thì HS tan học khá sớm, vào thời điểm này gia đình không thể bố trí đến đón các em được. Do đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ thì đành phải đưa ra quy định nhận quản lý HS tiểu học ngoài giờ theo yêu cầu của gia đình. Qua khảo sát thực tế thì đây là nhu cầu có thật.

Còn TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thì cho rằng, đối với cấp tiểu học thì cần tuyệt đối cấm DTHT. Tuy nhiên đối với các hình thức mang tính chất học ngoại khóa như thể dục thể thao, bơi lội, hội họa... thì theo nhu cầu phụ huynh, chúng ta không thể cấm được.

“Còn với cấp THCS, THPT thì thiết nghĩ dạy thêm học thêm là khó bởi đó là nhu cầu của xã hội. Với cách thi cử hiện nay thì việc HS tự tìm đến với lớp học thêm là chuyện thường tình. Chúng ta chỉ nên phê phán và cương quyết xử lý đối với việc giáo viên (GV) cắt xén, dùng “thủ thuật” để ép HS học thêm” - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Cùng chung quan điểm này, chị L. ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ thêm: “Nhiều gia đình tham vọng cho con học ở các trường điểm, trường chuyên. Trong khi đó, những đơn vị này là tổ chức thi tuyển sinh. Chính vì thế, nhu cầu học thêm là cần thiết bởi nếu không ôn luyện thì làm sao để thi đỗ”.

Cũng theo chị L. thì vấn đề DTHT cần nhìn nhận từ hai phía. Nếu đó là nhu cầu thật sự và HS tự nguyện tham gia thì không có gì đáng bàn cãi. Tuy nhiên vẫn còn đó không ít hiện tượng GV cố tình làm sai quy định để “ép” HS đến lớp học thêm dạy thêm nhằm kiếm thêm thu nhập.

“Tôi nghĩ ngoài việc cơ quan quản lý giám sát xử lý sai phạm thì bản thân chính các GV cũng cần phải có lòng tự trọng. Bên cạnh đó, ngay cả phụ huynh chúng tôi cũng phải lên tiếng với những trường hợp vi phạm. Thiết nghĩ sự sai phạm của các cơ sở dạy thêm thì HS, phụ huynh là người nắm rõ nhất” - chị L. nhấn mạnh.

Nguy cơ “biến tướng”!

Khi chúng tôi thực hiện các bài viết về vấn đề DTHT, nhiều độc giả đều cho rằng bản chất của việc DTHT là tốt bởi qua những buổi học thêm, GV có thể củng cố kiến thức, bổ khuyết cho HS nếu cần. Và cũng có thể nâng cao cho các em học tốt hơn. Tuy nhiên, nếu việc DTHT bị “biến tướng” thì cần phải xử lý nghiêm.

Với việc cho phép các trường có thể nhận quản lý HS tiểu học ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình thì liệu ngành giáo dục thủ đô có thể khẳng định sẽ không phát sinh những hình thức “biến tướng” diễn ra?

Trong những năm qua, chúng tôi luôn nhận được phản ánh của các bậc phụ huynh Hà Nội về việc DTHT trái quy định. Không ít người “phàn nàn” về việc nhà trường nói là học các môn năng khiếu nhưng thực tế thì lại dạy Toán, Tiếng Việt. Thậm chí, có trường còn dùng chiến thuật cương quyết không cho phụ huynh vào trường đón con khi giờ học ngoại khóa chưa kết thúc nhằm che giấu sự thật phía sau.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ các trường nói một đằng nhưng lại làm một nẻo xuất phát từ thực tế, muốn dạy các môn năng khiếu thì cần phải có cơ sở vật chất, thiết bị. Trong khi đó, không phải trường nào cũng có đầy đủ đến thế. Ngoài ra, GV các bộ môn năng khiếu hạn chế nên cũng không thể phục vụ cho một số lượng lớn HS tham gia.

Trong khi đó, việc học hai môn Toán và Tiếng Việt thì lại khá dễ dàng. Với cấp tiểu học thì mỗi GV đều phải dạy tốt hai môn học này do đó nếu 100% HS của trường có nhu cầu học sau ngoài giờ học thì cũng không khó để bố trí.

Giải thích về cách làm này, Cô T. - Hiệu trưởng của một trường tiểu học phân tích: “Không phải HS nào cũng thích các môn học ngoại khóa bởi nó còn phụ thuộc vào năng khiếu của từng em. Do đó dẫn đến hiện tượng có em thích có em không. Trong khi đó. đối với các môn học văn hóa thì tất cả HS đều có thể tham gia, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên”.

Theo ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) thì việc có “biến tướng” hay không là do cách quản lý của từng trường. Do đó trách nhiệm chính ở đây là Ban giám hiệu các trường. Với tư cách là đơn vị tham mưu phòng sẽ có những đề xuất cấp trên để ban hành văn bản riêng để giải quyết triệt để hiện tượng này.

Thay cho lời kết, xin dẫn lời một bạn đọc của Dân trí hiện đang là GV nói về việc DTHT: “Trong thời gian gần đây, tình trạng DTHT đã có những biến tướng. Ngành thì bảo cần chấn chỉnh nhưng lại chưa thấy những hành động cụ thể. Ngay trong trường vẫn có GV bênh vực các em học thêm khi kiểm tra, thi cử. Khi kiểm tra thì cho những dạng đề tương tự hoặc y chang. Khi chấm bài thì châm chước.... Cũng là GV, tôi thấy đó là những điều không thể chấp nhận được. Mà hiệu trưởng và ngành còn nhẹ tay dù đã có GV phản ánh. Những con sâu đã làm xấu đi hình ảnh những người đang cố tâm đào tạo, giáo dục những mầm non tương lai của đất nước”.

S.H