Phương án tuyển sinh của trường ĐH Công nghệ Đông Á, ĐH Kiểm sát Hà Nội

(Dân trí) - Hai trường đại học trên vừa công bố Đề án tuyển sinh riêng để lấy ý kiến góp ý từ xã hội. Theo đó, trường ĐH Công nghệ Đông Á sẽ tổ chức tuyển sinh theo phương thức xét tuyển. Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội thực hiện tuyển sinh theo 2 phương thức.

Phương thức tuyển sinh của trường ĐH Công nghệ Đông Á:

Trường Đại học Công nghệ Đông Á sẽ tổ chức tuyển sinh theo phương thức xét tuyển. Dựa trên kết quả học tập lớp 12 và kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, sẽ có một công thức tính điểm cho mỗi  học sinh để làm cơ sở xét tuyển.

Tiêu chí xét tuyển

a) Đối với Hệ Cao đẳng:

- Tốt nghiệp THPT

- Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT

- Điểm trung bình học tập cả năm lớp 12

- Điểm các môn lớp 12 thuộc khối xét tuyển

- Xếp loại hạnh kiểm

b) Đối với Hệ Đại học:

- Tốt nghiệp THPT

- Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT

- Điểm trung bình học tập cả năm lớp 12

- Điểm các môn lớp 12 thuộc khối xét tuyển

- Xếp loại hạnh kiểm

Điều kiện xét tuyển

a) Đối với Hệ Cao đẳng:

- Tốt nghiệp THPT

- Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT

- Điểm trung bình học tập cả năm lớp 12 từ 6,0 trở lên

- Điểm các môn lớp 12 thuộc khối xét tuyển từ 6,0 trở lên

- Xếp loại hạnh kiểm Khá trở lên

b) Đối với Hệ Đại học:

- Tốt nghiệp THPT

- Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT

- Điểm trung bình học tập cả năm lớp 12 từ 6,5 trở lên

- Điểm các môn lớp 12 thuộc khối xét tuyển từ 6,5 trở lên

- Xếp loại hạnh kiểm Khá trở lên

Điểm xét tuyển và Nguyên tắc xét tuyển:

Mỗi thí sinh sẽ có một Điểm Xét Tuyển (ĐXT) là Trung bình cộng của : Điểm trung bình thi tôt nghiệp THPT (TN), Điểm trung bình học tập cả năm lớp 12(HT12), Điểm học tập các môn lớp 12 thuộc khối xét tuyển(Toán (T), Lý (L), Hóa (H), Ngữ văn (V), Ngoại ngữ (NN)) theo công thức dưới đây.

Khối A(Các ngành kỹ thuật)

ĐXT = 1/5 (HT12+ T + L+H + TN).

Khối D1 (Các ngành Kinh Tế)

ĐXT = 1/5 (HT12+ T + V+NN + TN).

Điểm Xét Tuyển tối thiểu cho Hệ Cao đẳng là 6,0 và Hệ Đại học là 6,5.

Nguyên tắc xét tuyển: Lấy điểm xét tuyển từ cao xuống cho đủ chỉ tiêu.

Điểm ưu tiên được cộng vào Điểm Xét Tuyển.

Phương thức đăng kí của thí sinh

Bước 1: Thí sinh viết phiếu đăng kí xét tuyển theo mẫu của trường (có đăng trên trang Web của trường) gửi cho cán bộ làm công tác tuyển sinh của trường THPT để tập hợp lại, sau đó sẽ gửi cho phòng đào tạo trường Đại học Công nghệ Đông Á. Thí sinh cũng có thể gửi phiếu đăng kí trực tiếp cho trường Đại học Công nghệ Đông Á qua con đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho phòng đào tạo của trường bắt đầu từ ngày 20 tháng 3 năm 2014.

Bước 2: Thí sinh làm hồ sơ đăng kí xét tuyển

Hồ sơ đăng kí xét tuyển vào trường bao gồm:

+ Phiếu đăng kí xét tuyển;

+ Bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT (đối với thí sinh mới tốt nghiệp năm học 2013 - 2014) (bản sao công chứng);

+ Bảng điểm tốt nghiệp THPT (bản sao công chứng);

+ Học bạ THPT (bản sao công chứng)

+ Hai phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh, số điện thoại để trường thông báo  kết quả xét tuyển. 

Phương án tuyển sinh của Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội:

Chỉ tiêu, phân bổ chỉ tiêu, khối tuyển sinh năm 2014: Số lượng: 300

Thực hiện chủ trương “Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính …” được thể hiện trong Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI và căn cứ nhu cầu nguồn nhân lực của ngành Kiểm sát, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đề nghị phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 cụ thể như sau:

+ Khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ: 150 chỉ tiêu;

+ Các khu vực khác trong cả nước: 150 chỉ tiêu.

Tỷ lệ tuyển sinh đối với nữ học sinh: Việc tuyển sinh  đối với nữ học sinh vào Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được xác định chỉ tiêu riêng với tỷ lệ không quá 40% trên tổng chỉ tiêu đào tạo của ngành học; không hạn chế tỷ lệ nữ sơ tuyển và đăng ký dự tuyển vào Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Khối tuyển sinh: A, C, D1.

Đối tượng, điều kiện đăng ký dự thi

 Đối tượng:

- Đối tượng tuyển sinh theo quy định hiện hành của Bộ giáo dục và đào tạo và có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi đăng ký sơ tuyển, là Đảng viên hoặc Đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

- Đối tượng thuộc diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển: học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông đủ điều kiện thuộc diện tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng theo quy định hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đạt yêu cầu sơ tuyển theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều kiện đăng ký dự thi:

a. Về trình độ văn hóa:

- Đối với học sinh phổ thông: Đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT); trong các năm học THPT phải đạt học lực trung bình trở lên theo kết luận tại học bạ, riêng 03 môn thuộc khối đăng ký dự thi điểm tổng kết các năm phải đạt từ 6,0 trở lên.

- Đối với học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh học THPT tại khu vực 1: Đã tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT; trong các năm học THPT phải đạt học lực trung bình trở lên theo kết luận tại học bạ, riêng 03 môn thuộc khối đăng ký dự thi điểm tổng kết các năm phải đạt từ 5,0 trở lên.

b.  Về độ tuổi:

Đối với học sinh, không quá 20 tuổi; riêng học sinh là người dân tộc thiểu số không quá 22 tuổi (tính đến năm dự thi).

c. Tiêu chuẩn đạo đức, phẩm chất chính trị:

- Về tiêu chuẩn đạo đức: trong những năm học trung học phổ thông đạt yêu cầu về hạnh kiểm từ loại khá trở lên;

- Về phẩm chất chính trị: Là công dân Việt Nam, có lịch sử chính trị rõ ràng, tuyệt đối trung thành với đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, với Nhà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

d. Về tiêu chuẩn sức khỏe:

Người dự thi không mắc bệnh kinh niên, mãn tính; không có dị hình, dị dạng; đối với nam về chiều cao từ 1,60m trở lên, nữ về chiều cao từ 1,55m trở lên.

Phương thức tuyển sinh:

- Sơ tuyển các điều kiện về sức khỏe, lý lịch theo quy định của VKSNDTC;

- Việc tuyển sinh được tiến hành theo hai bước:

+ Bước 1: Thi tuyển theo phương án thi "ba chung" (chung đợt thi, chung đề thi, chung kết quả để xét tuyển) của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy thí sinh lọt vào vòng phỏng vấn. Số lượng thí sinh lấy vào vòng phỏng vấn nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh không quá 30%.

+ Bước 2: Phỏng vấn trực tiếp để xác định khả năng tư duy, phân tích, lập luận, xử lý tình huống và khả năng giao tiếp. Việc phỏng vấn được tiến hành bởi một hội đồng do Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh thành lập.

Câu hỏi phỏng vấn tập trung vào những kiến thức giáo dục công dân đã được học, những câu hỏi về những vấn đề chính trị, thời sự của đất nước, các tình huống ứng xử... Việc chấm điểm phỏng vấn bằng phiếu, thể hiện đầy đủ các tiêu chí và tính điểm cho từng tiêu chí.

Việc xác định thí sinh thuộc diện xét để tham gia phỏng vấn sau khi có kết quả thi tuyển sinh phải đảm bảo các điều kiện: Thí sinh có kết quả điểm thi tuyển sinh trên điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tương ứng với từng khối thi và bằng hoặc cao hơn điểm mà Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội xác định có đủ điều kiện để tham gia phỏng vấn đối với từng khối thi trên cơ sở cân đối chỉ tiêu phân bổ cho các khu vực, khối thi và tỷ lệ nam, nữ (không có môn thi nào bị điểm 0).

Điểm trúng tuyển:

- Việc xác định điểm trúng tuyển trên cơ sở lấy điểm từ cao xuống thấp (thang điểm 10) đến hết chỉ tiêu, đảm bảo tính hợp lý của các khối thi, tỷ lệ Nam, Nữ, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh phân bổ cho các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và chỉ tiêu tuyển sinh của các khu vực khác.

- Điểm trúng tuyển là tổng điểm của kết quả thi tuyển sinh đại học chính quy năm 2014 cộng với điểm phỏng vấn trực tiếp, trong đó điểm phỏng vấn trực tiếp chiếm 15%, điểm thi tuyển sinh đại học chính quy năm 2014 chiếm 85%.

 
Hồng Hạnh