31 trường ĐH, CĐ trình đề án tuyển sinh riêng
(Dân trí) - Bộ GD-ĐT đã nhận được 31 đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ trong cả nước, trong đó 10 trường thuộc khối Văn hóa nghệ thuật đã tuyển sinh từ năm 2013. Bộ đã lựa chọn những đề án khả quan nhất để đăng tải lấy ý kiến.
Trao đổi với báo chí ngày 10/2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sau khi công bố dự thảo, Bộ đã nhận được nhiều ý kiến của xã hội và của các nhà trường. Phần lớn ý kiến đồng thuận với chủ trương giao tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học theo lộ trình Bộ đã công bố cũng như các qui định thực hiện tự chủ tuyển sinh. Tính đến ngày 10/2/2014 có 31 dự thảo đề án tự chủ tuyển sinh của các trường đã gửi về Bộ. Các dự thảo đề án này đã được công bố để lấy ý kiến rộng rãi.
Thứ trưởng Ga nhận định, con số 31 trong hơn 400 trường đưa ra đề án tuyển sinh riêng là không lớn, nhưng thể hiện sự chủ động của các trường. Các đề án này được các trường xây dựng tương đối hoàn thiện, phù hợp với các quy định trong dự thảo về tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học mà Bộ đã công bố. Hiện còn một vài đề án đang được các trường tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, do việc các trường muốn tổ chức tuyển sinh tự chủ phải có lộ trình, có chủ định nên chỉ có những trường nào nung nấu, chuẩn bị phương án từ trước mới có thể nộp dự thảo đợt này, còn trường nào chưa chuẩn bị sẽ phải nộp sau. Các trường sẽ phải tính toán tìm được phương án để phù hợp với ngành đào tạo của mình.
Theo Thứ trưởng Ga, trong các đề án tuyển sinh, các trường nêu ra nhiều phương án, có phương án vừa thi, vừa xét tuyển; sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông hoặc thi một môn kết hợp phỏng vấn… Cơ hội của thí sinh còn được thể hiện ở chỗ, đề thi phong phú, không bỏ sót thí sinh có năng lực phù hợp. Trong đó, các trường đều xác định "ngưỡng tối thiểu" về kiến thức đối với thí sinh. Qua xem xét, Bộ GD-ĐT đã lựa chọn 15 đề án để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng lấy ý kiến của toàn xã hội.
Được biết, đến ngày 10/3, sau quá trình tham khảo ý kiến phản biện của xã hội, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét để quyết định và công bố chính thức các đề án đạt yêu cầu và áp dụng ngay từ năm 2014.
Theo lộ trình đổi mới thi cử, từ nay đến năm 2016, các trường phải hoàn thành đề án tự chủ tuyển sinh để đến năm 2017 không còn kỳ thi tuyển sinh "3 chung" như hiện nay.
Ngày 10/3, Bộ GD-ĐT công bố chính thức các đề án đạt yêu cầu và áp dụng ngay từ năm 2014.
Tiếp tục nghiên cứu để thay đổi phương án tuyển sinh
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, trong quá trình lấy ý kiến về đổi mới tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, ngoài các ý kiến đồng thuận, còn có 3 vấn đề được dư luận nêu ra cần tiếp tục nghiên cứu. Cụ thể:
- Với kỳ thi "3 chung" năm 2014 nên xem xét việc xác định điểm sàn phù hợp hơn, nghiên cứu các tiêu chí khác thay thế cho điểm sàn mềm dẻo hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào;
- Theo qui định kỳ thi "3 chung" hiện nay, thí sinh đăng ký nguyện vọng dự thi vào các trường trước khi thi nên tính may rủi rất lớn, nên chăng tổ chức kỳ thi chung trước rồi sau khi có kết quả, thí sinh mới đăng ký xét tuyển vào các trường phù hợp;
- Nên nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng làm 1 kỳ thi. Khi đó đề thi sẽ có một số lượng câu hỏi mang tính chất cơ bản, để xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi nâng cao để phân loại thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ. Một số năm trước mắt tổ chức thi chung, có thể thi 4 bài: Toán (và tư duy logic), Khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, GDCD), Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh, Kỹ thuật) và Ngoại ngữ (ở các thành phố khuyến khích thi sinh thi tiếng Anh theo TOEFL, IELTS, tiếng Pháp TCF hoặc DELF…). Về lâu dài hướng tới việc tổ chức kỳ thi kiểu SAT của Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Ga cho rằng, những gợi ý này cũng phù hợp với những nội dung trong dự thảo thi phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ. Bộ đã thành lập 2 trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ở ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Hai đơn vị này đã có kế hoạch triển khai hình thức thi nói trên. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức thi này cũng cần phải có lộ trình sao cho việc đổi mới hình thức thi phải phù hợp với đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá.
Hồng Hạnh