Phương án tuyển sinh riêng của trường ĐH Hòa Bình, ĐH Quốc tế Bắc Hà, ĐH Nông lâm Bắc Giang, ĐH Đông Á

(Dân trí) - 4 trường đại học trên vừa công bố Đề án tuyển sinh riêng để lấy ý kiến góp ý. <i>Dân trí</i> xin trích giới thiệu phương án tuyển sinh riêng của từng trường. Nếu được chấp thuận, các trường sẽ thực hiện tuyển sinh ngay trong năm 2014.

Trường ĐH Hòa Bình:

Phương thức tuyển sinh

Nhà trường tổ chức thực hiện đồng thời 2 phương thức tuyển sinh như sau:

- Phương thức 1: Xét tuyển dựa vào kết quả thi Đại học, Cao đẳng hệ chính quy theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT của các thí sinh có kết quả thi từ điểm sàn trở lên.

- Phương thức 2: Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả học tập 5 học kỳ THPT. Riêng đối với các khối ngành năng khiếu: kết hợp xét kết quả học tập và tổ chức thi tuyển các môn năng khiếu.

Nguồn tuyển: Tuyển sinh trong cả nước.

Xét tuyển dựa vào kết quả thi đại học, cao đẳng hệ chính quy theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT (400 chỉ tiêu Đại học và 50 chỉ tiêu Cao đẳng)

Thí sinh thi Đại học, Cao đẳng hệ chính quy theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT có kết quả thi từ điểm sàn trở lên tương ứng với từng khối thi bậc Đại học, Cao đẳng, không có môn nào bị điểm 0;

Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hệ chính quy năm 2014 của Bộ GD-ĐT;

Căn cứ chỉ tiêu được xác định, kết quả thi của thí sinh và chính sách ưu tiên, Trường xét trúng tuyển vào các ngành đào tạo của trường.

Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả học tập 5 học kỳ THPT. Riêng đối với các khối ngành năng khiếu: kết hợp xét kết quả học tập và tổ chức thi tuyển các môn năng khiếu (400 chỉ tiêu Đại học và 50 chỉ tiêu Cao đẳng)

Hệ đại học:

- Tốt nghiệp THPT;

- Hạnh kiểm xếp loại Khá trở lên;

- Tổng điểm trung bình các môn học theo khối thi của 5 học kỳ THPT gồm: học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 10; học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11; học kỳ 1 lớp 12 phải đạt 18 điểm trở lên;

- Ví dụ: thí sinh đăng ký khối A thì điều kiện xét tuyển là: Tổng điểm trung bình:= Điểm xét tuyển= TB Toán (5 kỳ) + TB Lý (5 Kỳ) + TB Hóa (5 Kỳ) >= 18

Điểm xét tuyển = TBC môn 1 + TBC môn 2 + Điểm TBC môn 3 + Điểm ưu tiên

Ghi chú: Nhà trường xét tuyển lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.Đối với những thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau, Nhà trường ưu tiên xét tuyển những thí sinh có điểm trung bình cộng 5 học kỳ THPT của 1 môn theo khối thi đăng ký. Cụ thể như sau:

+ Khối A, A1,: ưu tiên điểm TBC Toán cao hơn

+ Khối C, D1,2,3,4,5,6: ưu tiên điểm TBC Văn cao hơn

b) Xét tuyển dựa vào kết quả học tập 5 học kỳ THPT có thi năng khiếu đối với các ngành sau đây: Thiết kế đồ họa; Thiết kế Thời trang; Thiết kế nội thất; Kiến trúc.

Điều kiện xét tuyển:

- Tốt nghiệp THPT;

- Hạnh kiểm xếp loại Khá trở lên;

- Đối với khối H:

+ Xét TBC môn Văn của 5 học kỳ THPT;

+ Kết quả thi mỗi môn năng khiếu phải đạt từ 5 điểm trở lên (tối đa 10 điểm).

+ Điểm xét tuyển khối H phải đạt từ 15 điểm trở lên.

Ghi chú: 2 môn năng khiếu gồm Môn Vẽ 1:Hình họa chì và môn Vẽ 2: Trang trí màu

- Đối với khối V:

+ Xét TBC môn Toán và TBC môn Vật Lý của 5 học kỳ THPT;

+ Điểm thi năng khiếu phải đạt từ 5 điểm trở lên (tối đa 10 điểm)

Điểm xét tuyển khối H = TBC môn Văn + ĐiểmVẽ1 + Điểm Vẽ2 + Điểm ưu tiên

Điểm xét tuyển khối V = TBC môn Toán + TBC môn Lý + Điểm năng khiếu + Điểm ưu tiên

Thời gian nộp hồ sơ:

+ Đợt 1: từ 14/4/2014 đến 30/6/2014;

+ Đợt 2: từ 15/7/2014 đến 30/10/2014;

Thời gian thi:

+ Đợt 1: tập trung ngày 22/7/2014, thi ngày 23/7/2014 và 24/7/2014

+ Đợt 2: tập trung ngày 4/11/2014, thi ngày 5/11/2014 và 6/11/2014

Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà:

Năm 2014 Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà xin phép Bộ được thực hiện 2 phương thức tuyển sinh như sau:

1.1. Phương thức thi chung

- Tuyển sinh theo kỳ thi “3 chung” do Bộ GD-ĐT tổ chức.

- Nguồn tuyển: Tuyển sinh trong cả nước.

- Việc tổ chức thi chung (nộp hồ sơ, lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí thi, tổ chức kỳ thi tại trường, coi thi, chấm thi, phúc khảo, in và chuyển giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi, giấy báo trúng tuyển trong kỳ thi đại học, cao đẳng...) được thực hiện theo các quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ GD-ĐT ban hành.

- Nhà trường xin phép được tuyển khoảng 50% chỉ tiêu trong kỳ thi tuyển sinh “3 chung” và 50% xét tuyển theo phương thức trình bày ở mục 1.2 dưới đây.

1.2. Phương thức xét tuyển

Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả học tập ở bậc THPT.

1.2.1. Điều kiện để đưa vào diện xét tuyển

Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà chỉ đưa vào diện xét tuyển những thí sinh có đủ 2 điều kiện sau đây:

a.Thí sinh có đủ các điều kiện dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo quy định trong Qui chế Tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính qui hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b.Thí sinh là học sinh phổ thông ở KV3 đăng ký xét tuyển vào hệ đại học phải có điểm trung bình các môn cả năm trong học bạ lớp 12, điểm trung bình cả năm trong học bạ lớp 12 của 3 môn học trùng với 3 môn thi đại học thuộc khối thi A, A1 hoặc D1 và điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông trùng với các môn thi đại học thuộc khối A, A1 hoặc D1 đều phải đạt từ 6.5 trở lên; Vào hệ cao đẳng, Trường chỉ đưa vào diện xét tuyển tương ứng những thí sinh có các điểm trung bình kể trên đạt từ 5,5 điểm trở lên. Các thí sinh thuộc diện ưu tiên, tùy theo đối tượng hoặc khu vực được cộng thêm từ 0,5 - 1,0 điểm ưu tiên trước khi xét điều kiện để đưa vào diện xét tuyển.

1.2.2. Phương án và tiêu chuẩn xét tuyển

Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà xét tuyển thí sinh dựa vào kết quả học tập ở bậc THPT trên cơ sở hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh bao gồm: Đơn đăng kí xét tuyển theo mẫu của Trường; Bản sao chụp có công chứng học bạ THPT; Bản sao chụp có công chứng Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2014, hoặc bằng tốt nghiệp THPT đối với những thí sinh tốt nghiệp PTTH trước năm 2014, Giấy xác nhận diện ưu tiên theo đối tượng hoặc khu vực (nếu có).

Trên cơ sở hồ sơ đăng kí xét tuyển Hội đồng Tuyển sinh nhà trường sẽ chọn những thí sinh có đủ 2 điều kiện qui định tại mục 1.2.1 và xác định các điểm đạt được theo 2 tiêu chí:

Tiêu chí 1: Điểm trung bình cả năm trong học bạ lớp 12 của 3 môn học trùng với 3 môn của khối thi A, A1 hoặc D1 mà thí sinh đã đăng kí xét tuyển căn cứ Bản sao có công chứng học bạ lớp 12. Trọng số của tiêu chí 1 là 55%.

Tiêu chí 2: Điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông trùng với các môn thi đại học thuộc khối A, A1 hoặc D1 mà thí sinh đã đăng kí xét tuyển căn cứ Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp THPT. Trọng số của tiêu chí 2 là 45%.

Nhà trường sẽ tuyển những thí sinh có đủ 2 điều kiện quy định tại mục 1.2.1 và có tổng điểm 2 tiêu chí từ cao đến thấp (sau khi đã cộng điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực theo quy định trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện hành của Bộ GD-ĐT) cho đến khi tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 đã được giao.

Nếu được Bộ GD-ĐT cho phép Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà thực hiện thí điểm phương án xét tuyển năm học 2014 - 2015 căn cứ kết quả học tập ở THPT do Trường đề xuất, ngay sau khi được Bộ cho phép.

Trường Đại học Đông Á:

Phương thức tuyển sinh

1.1. Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tuyển sinh 3 chung của Bộ GD-ĐT

+ Nhà trường xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tuyển sinh 3 chung của Bộ GD-ĐT tổ chức và căn cứ vào điểm sàn do Bộ GD-ĐT qui định.

+ Kế hoạch tuyển sinh, phương pháp xét tuyển theo các văn bản qui định của Bộ GD-ĐT.

1.2. Xét tuyển dựa trên kết quả của 3 năm học ở bậc trung học phổ thông.

1.2.1. Tiêu chí xét tuyển:

Tiêu chí 1: Kiến thức

+ Dựa vào kết quả điểm tổng kết ba môn theo từng ngành dự tuyển của thí sinh trong 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) ở 3 năm học trung học phổ thông (học bạ THPT/BTVH), để đánh giá mặt kiến thức của thí sinh.

+ Ba môn xét tuyển theo từng ngành học như sau:

TT

Ngành

02 môn xét tuyển bắt buộc

01 môn tự chọn

(Chọn 1 trong

các môn sau)

1

Công nghệ kỹ thuật điện điện tử

Toán; Vật lý

Hóa, Tiếng Anh; Văn

2

Công nghệ kỹ thuật xây dựng

3

Công nghệ thông tin

4

Kế toán

Toán; Vật lý

Hóa, Tiếng Anh; Văn

5

Quản trị kinh doanh

6

Tài chính ngân hàng

7

Quản trị văn phòng

Văn; Tiếng Anh

Toán; Lịch sử; Địa lý

8

Ngôn Ngữ Anh

9

Điều dưỡng

Sinh; Hóa

Toán, Tiếng Anh; Văn

10

Việt Nam học

Văn; Tiếng Anh

Tóan; Lịch sử; Địa lý

11

Hệ thống thông tin

Toán; Vật lý

Hóa, Tiếng Anh; Văn

+ Đánh giá đạt Tiêu chí 1:

* Đối với thí sinh xét tuyển vào Bậc Đại học có tổng điểm trung bình 3 môn trong 5 học kỳ đạt từ 6.00 điểm trở lên.

* Đối với thí sinh xét tuyển bậc cao đẳng có tổng điểm trung bình 3 môn trong 5 học kỳ đạt từ 5.50 điểm trở lên.

+ Đối với thí sinh thuộc diện ưu tiên theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT sẽ được cộng điểm ưu tiên trước khi xét tuyển theo chính sách ưu tiên trong tuyển sinh nêu tại mục 3.2 “Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh” của Đề án này.

Tiêu chí 2: Thái độ, đạo đức

+ Đánh giá thái độ tích cực của thí sinh qua kết quả về rèn luyện hạnh kiểm những năm học ở THPT/BTVH. Nhà trường chỉ xét tuyển những thí sinh có kết quả xếp loại đạo đức tốt, khá trong năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 của thí sinh kể cả thí sinh có sự tiến bộ theo hướng tốt dần qua thời gian và xếp loại đạo đức học kỳ 1 lớp 12 đạt loại khá trở lên.

1.2.2. Sàn xét tuyển và Phương thức xác định trúng tuyển

- Sàn xét tuyển: Thí sinh phải đạt 2 Tiêu chí là Tiêu chí 1 và Tiêu chí 2

- Phương thức xác định trúng tuyển:

Điểm trúng tuyển được xác định dựa trên điểm Tiêu chí 1 của những thí sinh trên sàn xét tuyển, lấy theo nguyên tắc điểm từ cao xuống thấp (có tính điểm ưu tiên) cho đến khi đủ chỉ tiêu.

1.2.3. Kế hoạch xét tuyển của Nhà trường

- Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tuyển sinh 3 chung của Bộ GD-ĐT: Thực hiện theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT.

- Xét tuyển dựa trên kết quả của 3 năm học ở bậc THPT:

+ Ngay sau khi có kết quả của kỳ thi THPT.

+ Ngay sau khi thi xong kỳ thi đại học 3 chung của Bộ GD-ĐT

+ Ngay sau khi có kết quả thi đại học được công bố.

Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang:

Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang không tổ chức thi, chỉ xét tuyển. Trường thực hiện 2 phương thức xét tuyển như sau:

- Phương thức 1: Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp, kết quả học tập bậc trung học phổ thông kết hợp với phỏng vấn trực tiếp để đánh giá năng lực, khả năng tư duy, sở trường và các kỹ năng khác của thí sinh phù hợp với chuyên ngành đào tạo mà thí sinh đăng ký.

- Phương thức 2: Xét tuyển căn cứ vào kết quả thi đại học, cao đẳng hệ chính quy theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.

Phương thức 1

Tiêu chí 1: Kết quả điểm trung bình chung các môn học của 3 năm học trung học phổ thông, có nhân hệ số đối với một số môn học thuộc khối ngành mà thí sinh đăng ký. Đây được coi là tiêu chí quan trọng nhất trong xét tuyển, bởi nó phản ánh toàn diện kiến thức (tất cả các môn học phổ thông) của thí sinh trong một thời gian dài (5-6 học kỳ). Tiêu chí này có trọng số 0,5 trong xét tuyển.

Tiêu chí 2: Điểm thi tốt nghiệp THPT, đây vừa là điều kiện pháp lý bắt buộc để thí sinh được nhận vào học ở bậc đại học, và cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá học vấn của thí sinh bởi là kết quả thi các môn học được coi là cốt lõi của chương trình phổ thông trung học. Tiêu chí này có trọng số 0,35 trong xét tuyển. Đối với thí sinh được miễn thi do thành tích học tập xuất sắc ở bậc phổ thông (theo dự thảo của Bộ GD-ĐT) Trung học phổ thông điểm bình quân tốt nghiệp được tính 9 điểm.

Tiêu chí 3: Kết quả phỏng vấn trực tiếp của Hội đồng tuyển sinh: đánh giá năng lực tư duy, thái độ, kỹ năng, sở thích, năng khiếu... để bổ sung mức độ chính xác trong đánh giá khả năng, thái độ và thiên hướng nghề nghiệp theo ngành đăng ký dự thi của thí sinh. Nội dung và phương thức phỏng vấn được thiết kế theo ngành đào tạo bởi các chuyên gia về giáo dục và chuyên ngành. Tiêu chí này có trọng số 0,15 trong xét tuyển.

(Căn cứ xác định tiêu chí và trọng số của mỗi tiêu chí được trình bày ở mục 2.2 “Phân tích ưu, nhược điểm của phương án tuyển sinh”)

Phương pháp xét tuyển:

- Bước 1: Xác định sàn xét tuyển:

a) Bậc Đại học:

- Kết quả điểm bình quân tất cả các môn học 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2014, 6 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và 12) đối với thí sinh tốt nghiệp trước năm 2014 từ 6,0 trở lên (nhân hệ số 2 đối với ba môn thi Đại học thuộc các ngành đăng ký dự tuyển).

- Tốt nghiệp THPT.

- Hạnh kiểm đạt loại Khá trở lên

b) Bậc cao đẳng:

- Kết quả điểm bình quân tất cả các môn học 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2014, 6 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và 12) đối với thí sinh tốt nghiệp trước năm 2014 từ 5,5 trở lên (nhân hệ số 2 đối với ba môn thi Đại học thuộc các ngành đăng ký dự tuyển).

- Tốt nghiệp THPT.

- Hạnh kiểm đạt loại Khá trở lên

Bước 2 Tính điểm xét tuyển với trọng số của từng tiêu chí (thang điểm 10, làm tròn đến 2 chữ số thập phân)

Điểm xét tuyển = (điểm bình quân các môn học trung học phổ thông (hệ số 2 với 3 môn thuộc nhóm ngành dự tuyển) x 0,5+ điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp (kể cả môn thi khuyến khích-nếu có) x 0,35+ điểm phỏng vấn x 0,15)+ điểm ưu tiên.

Bước 3: Xác định người trúng tuyển

Xét tuyển từ cao đến thấp, cho đến khi đủ chỉ tiêu. Xét tuyển Đại học trước, Cao đẳng sau.

Lịch nộp hồ sơ, phỏng vấn và xét tuyển (Dự kiến).

- Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển tại Trường THPT: Từ 11/3/2014 đến hết ngày 11/4/2014

- Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển tại Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang: Từ 12/4/2014 đến hết ngày 12/5/2014.

- Thông báo mời phỏng vấn đối với các thí sinh đủ điều kiện về sàn xét tuyển: trước ngày 15/6/2014.

- Phỏng vấn trực tiếp (với các thí sinh đủ điều kiện về sàn xét tuyển) tại trường Nông lâm Bắc Giang theo khối ngành đăng ký dự tuyển: từ 4/7 đến 10/7/2014.

- Xét tuyển và công bố kết quả trúng tuyển: từ ngày 20/7 đến hết ngày 10/8/2014

Hồng Hạnh (tổng hợp)