Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần đặc biệt quan tâm đến thí sinh cụm địa phương
(Dân trí) - Đó là quan điểm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi làm việc với Tuyên Quang về công tác chuẩn bị kì thi THPT quốc gia. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia không phải là siết chặt lại mà tạo một mặt bằng trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực của học sinh, làm cơ sở, điều kiện cho quá trình đổi mới.
Sau khi làm việc với tỉnh Hải Dương và TPHCM về công tác chuẩn bị kì thi THPT quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét kiến nghị của hai địa phương này để điều chỉnh những bất cập. Điều đó được thực hiện hóa bằng việc ngày 23/5, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các Sở GD-ĐT, các trường ĐH chủ trì cụm thi về việc tiếp tục cho phép các thí sinh (nếu có nguyện vọng) được điều chỉnh các thông tin trong phiếu đăng kí dự thi (kể cả điều chỉnh môn thi đã chọn) trước ngày 27/5/2015.
Tiếp đó, vào chiều 25/5, nhằm khảo sát, đánh giá đầy đủ “mẫu” ở các vùng trong cả nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc trực tiếp với tỉnh Tuyên Quang về công tác tổ chức kì thi. Đây là tỉnh miền núi mà có cả cụm thi địa phương do Sở GD-ĐT chủ trì lẫn cụm thi do trường ĐH chủ trì. Tham dự buổi làm việc này có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga và ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT).
Tạo điều kiện tối đa cho thí sinh
Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bà Vũ Thị Bích Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Tổng số thí sinh của tỉnh đăng ký dự thi (ĐKDT) ở kì thi THPT quốc gia của tỉnh Tuyên Quang là 8.220 thí sinh, trong đó thí sinh tự do 1.296. Cụ thể, số thí sinh dự thi tại cụm thi do ĐH Tân Trào chủ trì: 4.166 (50,68% tổng số ĐKDT), trong đó thí sinh tự do 1.247.
Số thí sinh dự thi tại cụm do Sở GD-ĐT chủ trì: 4.054 (49,32% tổng số ĐKDT), trong đó thí sinh tự do 49. Qua thống kê, số thí sinh ĐKDT thi môn tự chọn: Hóa học: 1.900; Vật lí: 1.495; Địa lí: 4.936; Sinh học: 2.453; Lịch sử: 2.125. Với việc có gần 50% thí sinh ở Tuyên Quang tham dự ở cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì nên địa phương đã bố trí 12 điểm thi với 173 phòng thi.
“Đối với thí sinh dự thi cụm thi do ĐH chủ trì thì chúng tôi xác định tâm thế và gia đình đã chuẩn bị kinh phí cho các em đi thi. Do đó sẽ không lo bằng các học sinh đồng bào dân tộc Mông, dân tộc ít người trong trong trường THPT Trung Sơn ra cụm thi của Sở để dự thi xét tốt nghiệp bởi các đối tượng này lâu nay không được đi xa, bố mẹ lại không có tiền... Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng mọi cách không để cho thí sinh nào vì khó khăn không được đi thi, Tuyên Quang dành sự quan tâm đặc biệt đối với các thí sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn tham gia cụm thi địa phương và đã tổ chức tuyến xe đưa, đón các em đến tận điểm thi tập trung. Đồng thời, chuẩn bị phương án hỗ trợ tối đa chỗ ăn, ở, đi lại cho các em và phụ huynh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chia sẻ.
Bà Việt cũng cho biết thêm, khoảng cách từ nơi ở của các thí sinh tham gia cụm thi địa phương đến các điểm thi trung bình khoảng 20-35 km, thậm chí Trường THPT Yên Hoa (Na Hang) cách trung tâm thị trấn Na Hang 50km đã được tổ chức 1 điểm thi riêng với 160 thí sinh.
Nghe tin Phó Thủ tướng về làm việc với Tuyên Quang, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang Vũ Văn Sử vượt chặng đường gần 200 km với mong muốn chia sẻ những điểm thuận lợi cũng như khó khăn của học sinh Hà Giang.
Ông Sử cho biết, ở Hà Giang có hơn 6.500 thí sinh tham dự kì thi THPT quốc gia, gần 62% là tham dự cụm thi ở địa phương, chỉ có gần 2.500 em là về Tuyên Quang để tham dự cụm thi do ĐH chủ trì. Về phương án tổ chức thi thì cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đưa ra. Ở mỗi huyện đều có một điểm thi do Sở GD-ĐT chủ trì, riêng với huyện Bắc Quang có 8 trường THPT nên tổ chức thành hai điểm thi.
Tuy nhiên, do kì thi năm nay tổ chức vào tháng 7 nên thời gian của các em so với mọi năm kéo dài thêm 1 tháng. Để đảm bảo thì các trường ở Hà Giang tổ chức ôn thi cho học sinh trong thời gian này song xảy ra việc đó là thời gian làm thêm giờ của giáo viên, các chế độ chính sách cho học sinh thuộc diện được nhà nước hỗ trợ (theo quy định thì hỗ trợ đến hết tháng 5)... Tỉnh Hà Giang đang tính toán để có nguồn hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ này.
“Đối với Hà Giang, sau khi kết thúc năm học, các trường THPT nội trú tiếp tục “giữ” học sinh lại ôn tập cho đến khi bắt đầu kỳ thi. Mục đích là để các cháu tập trung ôn tập và tham gia kỳ thi đầy đủ còn nếu cho các cháu nghỉ trong 1 tháng và tự ôn tập thì nhiều cháu do điều kiện khó khăn, đi làm giúp đỡ gia đình có thế rơi rụng kiến thức, thậm chí không muốn đi thi” - ông Sử chia sẻ kinh nghiệm.
Lắng nghe sự chia sẻ của hai địa phương vùng cao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đối với số các cháu ở Hà Giang thi đại học như năm ngoái thì về Hà Nội nhưng năm nay về Tuyên Quang nên thuận lợi hơn, do đó chúng ta cũng bớt lo lắng. Nhưng số các cháu chỉ thi xét tốt nghiệp thì năm ngoái thi ngay tại trường THPT mình học thì năm nay phải di chuyển lên điểm thi trên huyện là khó khăn hơn. Chính vì thế cần phải tính toán cho kỹ để lo cho các đối tượng này.
“Tuyên Quang và các cụm thi do địa phương chủ trì cần bảo đảm chỗ ăn, ở, đi lại cho thí sinh và phụ huynh, trong đó đặc biệt lưu ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhất là học sinh thi tốt nghiệp phổ thông mọi năm rất đơn giản là thi tại trường nay phải lên huyện thi thì làm sao phải hỗ trợ để không có em nào vì khó khăn mà không được thi. Về việc ôn tập thì tùy theo điều kiện của địa phương mà có cách bố trí hợp lý. Tuy nhiên cần phải cán bộ theo sát những học sinh không tham gia ôn thi tập trung tại trường vẫn có điều kiện tham gia và hoàn thành kỳ thi” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam quán triệt.
Sẽ phân định rõ ràng câu hỏi dễ và nâng cao
Một trong những vấn đề mà cả Tuyên Quang và Hà Giang bày tỏ sự lo lắng đó là mức độ của đề thi. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang bày tỏ: Kì thi năm nay chỉ có một đề thi không có sự phân biệt thí sinh THPT và thí sinh giáo dục thường xuyên. Chính vì thế cần phải ra đề làm sao để đảm bảo cả hai đối tượng này có thể làm được.
Giải đáp băn khoăn này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, ngay sau khi đề thi minh họa đưa lên mạng, Cục đã có bộ phận phân tích chi tiết cụ thể trên tinh thần tiếp thu nghiêm túc, để chỉnh sửa làm sao tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Hiện tại Bộ GD-ĐT đã tiếp thu và quyết định sẽ không trộn lẫn câu hỏi dễ, khó trong đề thi mà phân định rõ ràng để tạo điều kiện cho thí sinh. Cụ thể, cấu trúc đề thi gồm khối câu hỏi cơ bản và khối câu hỏi nâng cao được tách riêng biệt.
“Điều kiện xét tốt nghiệp cho các em năm nay không chỉ có điểm trung bình 4 môn thi mà còn tính cả điểm trung bình của học sinh trong năm lớp 12, ngoài ra còn điểm khuyến khích theo đối tượng, theo khu vực. Vì vậy các em học sinh, phụ huynh không nên quá lo lắng” - Cục trưởng Mai Văn Trinh nói.
Cũng liên quan đến đề thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng thẳng thắn chia sẻ: Hiện chưa có tỉnh miền núi nào tổ chức thi thử nhưng kết quả khảo sát độ khó của đề thi minh họa ở một số địa phương, trường THPT thì có cả mức độ khó lẫn trung bình, vừa phải. Từ nay đến khi bắt đầu vào công tác làm đề thi, Bộ sẽ tiếp tục tiếp tục ghi nhận ý kiến từ các địa phương về đề thi minh họa để công tác thiết kế đề thi đáp ứng được yêu cầu sao cho để các cháu học để thi tốt nghiệp phổ thông không có áp lực và phân luồng tốt ở trên để vào đại học.
Đồng tình với hướng tiếp thu của Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ: “Chúng ta đổi mới cách thi cho học sinh nhưng vẫn dựa trên kết quả học sách giáo khoa cũ, phương pháp giảng dạy cũ, chương trình cũ, yêu cầu cũ, vì vậy, kỳ thi THPT quốc gia không phải là siết chặt lại mà tạo một mặt bằng trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực của học sinh, làm cơ sở, điều kiện cho quá trình đổi mới. Đồng thời tạo đà cả hệ thống vào cuộc, xã hội đồng thuận, có lòng tin vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý Bộ GD-ĐT về công tác ra đề thi bởi nếu ngay trong môn thi đầu tiên mà dư luận đánh giá không tốt thì rất dễ gây tâm lý căng thẳng cho thí sinh.
Nguyễn Hùng