Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tránh nhiêu khê trong tổ chức thi THPT Quốc gia
(Dân trí) - Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Hải Dương về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015 sáng ngày 21/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Cần tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, trung thực, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh, giảm chi phí và tránh nhiêu khê”.
Tỉnh Hải Dương cam kết tổ chức 1 kỳ thi nghiêm túc, an toàn
Cam kết kỳ thi nghiêm túc
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, công tác chuẩn bị kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 của tỉnh Hải Dương đã sẵn sàng. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2015 (ĐKDT) là 20.635 thí sinh. Trong đó, số thí sinh dự thi tại cụm thi do các trường đại học chiếm 60,55%; Số thí sinh dự thi tại cụm do Sở GD&ĐT chủ trì là 39,45%. Số thí sinh ĐKDT để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là 7,87%; Số thí sinh ĐKDT để xét tốt nghiệp và tuyển sinh 52,68% tổng số ĐKDT).
Trả lời câu hỏi, vì sao có tới 40% tỷ lệ học sinh tỉnh Hải Dương chỉ đăng ký dự thi tốt nghiệp, không xét tuyển đại học?, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho biết: “Khi có quy chế thi của Bộ GD-ĐT, nhiều người dân rất băn khoăn và hỏi nhiều. UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp và giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức và biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về mục tiêu, tính chất quan trọng của kỳ thi từ đó có sự đồng thuận đối với chủ trương cũng như phương án, cách thức tổ chức kỳ thi. Đồng thời phổ biến cho cán bộ, giáo viên và học sinh hiểu và nắm rõ Quy chế thi, đặc biệt những điểm mới của kỳ thi.
Với số lượng gần 40% thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, không xét tuyển đại học, đây là số các cháu học yếu hơn so với các bạn khác và đã nhận thức được việc thi cử. Năm trước, các cháu cứ tốt nghiệp là đi thi đại học, cũng không cần biết có đỗ không và cũng vì một phần là tâm lý của gia đình muốn con vào đại học. Nay, các em đã định hướng tốt, nhận thức tốt hơn về công việc sau khi học. Năm trước, tỷ lệ học sinh Hải Dương đỗ vào đại học, cao đẳng khoảng 50%.
“Hải Dương từ trước đến nay thực hiện đúng theo quy định của Bộ, chưa bao giờ chạy theo thành tích từ việc phát triển kinh tế đến các lĩnh vực khác, tất cả là vì dân ” – lãnh đạo tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.
Để chuẩn bị tốt kỳ thi, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn đặt địa điểm thi tạo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ thi, đảm bảo an ninh trật tự cho khu vực bên ngoài điểm thi; tạo điều kiện về nơi ăn, nghỉ của thí sinh nếu có nhu cầu. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên của Hội đồng thi và các ban của Hội đồng. Điều động cán bộ giáo viên, nhân viên có đủ phẩm chất, năng lực, nghiệp vụ tham gia kỳ thi.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cam kết: “Tổ chức kỳ thi đáp ứng mục tiêu và đảm bảo nguyên tắc: an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không để xảy ra sai sót nghiêm trọng; xử lí tốt các tình huống bất thường (nếu có). Thực hiện tất cả các khâu của kỳ thi chính xác, an toàn đúng quy trình, kỹ thuật”.
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất. 2 cụm thi diễn ra trong khuôn khổ 1 quy chế, 1 quy trình kỹ thuật. Việc phối hợp giữa Sở và các trường đại học đã được nêu trong quy chế rất chặt chẽ. Việc phối hợp giữa các trường đại học với địa phương là giải pháp trước mắt, còn giải pháp lâu dài là mỗi cán bộ coi thi phải làm tốt công việc của mình. Thi ở đâu cũng phải nghiêm túc. Để sau này học sinh có thể thi tại địa phương.
Ông Trinh nhấn mạnh, trong văn bản gửi UBND các tỉnh, bộ đã yêu cầu các UBND tỉnh chủ động sắp xếp đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc và không gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Tinh thần Chính phủ chỉ đạo dù khó cho ngành giáo dục nhưng bớt nhiêu khê, tốt cho dân thì vẫn phải làm”
Kỳ thi phải tạo thuận lợi nhất cho dân
Sau khi nghe ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Yêu cầu lớn nhất của thi là tác động đến đổi mới chương trình, nội dung giảng dạy và phương pháp dạy. Bấy lâu nay thi cử yêu cầu học thuộc lòng thì học sinh học thuộc lòng để thi. Đề mang tính logic, mang tính suy luận thì học sinh học theo kiểu suy luận. Thầy giáo phải dạy dần nhưng cái này không thể ngủ dậy trong sáng mai mà có thể thay đổi được”.
Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ Giáo dục chọn đổi mới thi là vấn đề xã hội quan tâm nhất và bức xúc nhất vì quá nhiêu khuê, phức tạp và tốn kém. Một năm 4 kỳ thi, chứ không phải 2, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của xã hội. Mà tốn kém như thế để làm gì? suy cho cùng các cháu vẫn đỗ tốt nghiệp phổ thông tới gần 100%. Vì vậy phải đổi mới thi cử và đổi mới không phải 1 năm đổi ngay được mà phải có lộ trình rất căn bản.
Bức xúc nữa mà người dân cho rằng, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước 1 số tỉnh tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhưng tỷ lệ đỗ vào đại học rất ít, rõ ràng ở đây có sự không trung thực làm cho người dân không tin tưởng nhiều vào kỳ thi.
“Cho nên kỳ thi này đặt ra nhằm đổi mới phương pháp dạy học và khắc phục được những bất cập, những bức xúc nhất của dân. Tinh thần Chính phủ chỉ đạo dù khó cho ngành giáo dục nhưng bớt nhiêu khê, tốt cho dân thì vẫn phải làm” – Phó Thủ tướng Đam nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu, phải tổ chức kỳ thi nghiêm túc, đảm bảo kết quả thật trung thực. Đây là yêu cầu chung các địa phương phải quán triệt. Tuyệt đối không để có chuyện học không tốt nhưng bằng cách trông thi hay chấm thi điểm lại cao. Mục đích thi là tạo cho học sinh không áp lực thi cử, phân luồng học sinh để vào đại học. Chính phủ chỉ đạo phải làm thuận lợi cho dân. Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu kỹ vấn đề này.
Phó Thủ tướng Đam cho rằng: “Chính phủ muốn đổi mới kỳ thi nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, đúng pháp luật, thật thuận lợi cho dân, đảm bảo trung thực, lấy kết quả này để lọc đầu vào đại học, cao đẳng. Vừa làm vừa quan sát, rút kinh nghiệm. Đổi mới là quá trình liên tục chứ không giật cục được. Nhưng đổi mới phải theo hướng kỳ thi ngày càng bớt nhiêu khê đi và thuận tiện cho dân”.
Hồng Hạnh