Phấn đấu SAT 1500, nam sinh lớp 10 vẫn muốn thành giáo viên dạy thể dục

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Con trai chị H.T.H. chuyển hướng từ ngành công nghệ thông tin sang ngành sư phạm giáo dục thể chất dù đã chuẩn bị hồ sơ xét tuyển sớm các trường đại học tốp đầu bằng chứng chỉ IELTS và SAT.

Mẹ đầu tư trăm triệu cho học SAT, IELTS, con muốn làm giáo viên thể dục

Con trai chị H.T.H. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) sinh năm 2008, thi đỗ vào một trường THPT công lập tốp đầu của Hà Nội. Thấy con trai có lực học tốt ở các môn tự nhiên, chị H. định hướng cho con học ngành công nghệ thông tin hoặc kinh tế. Kỳ vọng của gia đình chị là con sẽ đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội sau khi tốt nghiệp lớp 12.

Chị H. cho con học SAT và IELTS ngay từ đầu năm lớp 10. Theo kế hoạch đề ra, con chị cần đạt mức điểm SAT 1500 và IELTS 7.5. Giáo viên đánh giá, cháu có khả năng đạt mục tiêu này vào năm lớp 11.

Tuy nhiên, gần đây, con trai thổ lộ với chị về mong muốn trở thành một giáo viên dạy thể dục.

"Con thích thể dục thể thao từ nhỏ, đặc biệt mê bóng đá. Con cũng giỏi nhiều bộ môn thể thao khác như bơi lội, đạp xe, chạy bộ. Ngoài giờ học, thứ giải trí duy nhất của con là thể thao. Nếu lướt mạng, con cũng chỉ xem các thông tin về bóng đá.

Vì thế khi con nói muốn trở thành giáo viên thể dục, tôi không quá bất ngờ. Song tôi lo lắng cho tương lai của con khi nghề giáo viên thể dục khó đảm bảo cho một cuộc sống tốt", chị H. giãi bày.

Theo quan điểm của phần lớn phụ huynh và học sinh, bộ môn giáo dục thể chất (cách gọi cũ là môn thể dục) bị xem là môn phụ. Kể từ khi thể dục cùng với âm nhạc, mỹ thuật được đưa vào nhóm những môn học không đánh giá bằng điểm số theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, môn học này càng bị xem nhẹ. 

Phấn đấu SAT 1500, nam sinh lớp 10 vẫn muốn thành giáo viên dạy thể dục - 1

Một giờ hoạt động thể chất của học sinh tiểu học (Ảnh: NVCC).

Vì không có nhiều vai trò trong việc đánh giá, xếp loại học sinh định kỳ, thể dục bị gạt ra bên lề đời sống học đường, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Cũng vì thế, giáo viên dạy giáo dục thể chất không được coi trọng như giáo viên dạy các môn "chính" như văn, toán, ngoại ngữ. 

Do vậy, có cơ sở để chị H. lo lắng về việc con trai muốn theo đuổi nghề giáo viên thể dục.

Thể dục không phải là môn phụ

Thầy Bùi Văn Tú - giáo viên giáo dục thể chất Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) - cho biết, những năm gần đây, quan niệm "thể dục là môn phụ" đã lỗi thời và không còn là vấn đề cản trở trong trường học. 

Theo thầy Tú, có sự chuyển biến trong quan niệm của học sinh về môn giáo dục thể chất, đặc biệt ở khối trường ngoài công lập. 

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa giáo dục thể chất thành môn học bắt buộc ở tất cả các cấp học từ lớp 1 đến lớp 12. Đồng thời, trường ngoài công lập xem hoạt động thể chất, hoạt động ngoại khóa như một thế mạnh trong tuyển sinh nên vị trí của môn giáo dục thể chất được nâng cao so với trước đây.

Phấn đấu SAT 1500, nam sinh lớp 10 vẫn muốn thành giáo viên dạy thể dục - 2

Thầy Bùi Văn Tú (đứng giữa) và các học sinh trong CLB thể thao (Ảnh: NVCC).

"Là một người thầy trực tiếp đứng lớp, tôi khẳng định học sinh rất hứng thú với môn giáo dục thể chất. Quan trọng là giáo viên có làm cho tiết học của mình trở nên thú vị và hấp dẫn các con hay không. 

Tại trường dân lập, học sinh rất ngoan và có thái độ lễ phép trong mọi giờ học, dù là "chính" hay "phụ" theo quan niệm của số đông. Hơn nữa, giờ giáo dục thể chất là giờ vừa học lại vừa chơi, vừa rèn luyện cơ thể nên các con rất thoải mái, vui vẻ, hợp tác.

Phụ huynh học sinh trường dân lập cũng chú trọng việc vận động, thể dục thể thao của con trẻ", thầy Tú chia sẻ.

Thầy Tú cũng cho biết, cách đây 10 năm, mức lương mới ra trường của thầy là 6 triệu. Hiện tại, thầy nhận mức lương 20 triệu đồng.

Ngoài việc đảm bảo đủ số tiết dạy trong tuần, thầy Tú còn làm nhiệm vụ tổ chức các CLB thể thao ngoại khóa, huấn luyện, đào tạo học sinh đi thi đấu thể dục thể thao các cấp, mang thành tích về cho nhà trường. 

Ông Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Phúc) - nêu quan điểm, mặc dù chương trình giáo dục phổ thông không quy định môn chính, môn phụ nhưng thực tế tồn tại quan điểm về môn chính, môn phụ ở phụ huynh, học sinh và giáo viên. Song, giáo dục thể chất có bị xem là môn phụ hay không phụ thuộc vào ý niệm của thầy cô và sự quan tâm của các nhà trường với hoạt động giáo dục này.

"Là một người thầy, tôi cho rằng việc tăng cường hoạt động thể chất trong nhà trường rất quan trọng, giúp học sinh đạt 1 trong 4 mục tiêu giáo dục là đức - trí - thể - mỹ.

Hoạt động thể chất không chỉ để khỏe mà còn để đẹp, đồng thời giáo dục các con về ý chí, sự kiên trì, tính kỷ luật, tính hợp tác, khả năng làm việc nhóm… Thông qua giáo dục thể chất, các con trở nên năng động, vui vẻ, tỉnh táo để học tập hiệu quả hơn ở các hoạt động giáo dục khác. 

Phấn đấu SAT 1500, nam sinh lớp 10 vẫn muốn thành giáo viên dạy thể dục - 3

Học sinh khởi động trước khi chơi thể thao (Ảnh: NVCC).

Do đó, cần xem xét lại công tác chỉ đạo của nhà trường, của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nhằm thay đổi ý niệm của thầy cô về môn học giáo dục thể chất. Thể dục không phải là môn phụ và cũng không nên xem đây là môn phụ vì lợi ích phát triển toàn diện của học sinh", ông Mạnh nói.

Ông Mạnh cũng nêu hai vấn đề tồn tại khiến thể dục chưa có được vị trí tương xứng trong nhà trường phổ thông hiện nay. Đó là chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục thể chất và những vướng mắc trong khâu tuyển dụng giáo viên giáo dục thể chất tại các địa phương.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm