Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc từ lớp 1
(Dân trí) - Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, đảm nhiệm một trong bốn mặt giáo dục Đức, Trí, Thể, Mỹ.
Chương trình thiết kế mở
Theo TS. Đặng Ngọc Quang, Ban soạn thảo chương trình môn Giáo dục thể chất, CT Giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, chương trình môn Giáo dục thể chất được xây dựng dựa trên nền tảng lý luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu của khoa học thể dục thể thao và khoa học sư phạm hiện đại.
Cụ thể, các kết quả nghiên cứu về giáo dục học, tâm lý học, phương pháp giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao; Kinh nghiệm xây dựng chương trình môn Giáo dục thể chất của Việt Nam và các nước có nền giáo dục tiên tiến; Thực tiễn giáo dục, điều kiện kinh tế - xã hội, sự đa dạng của đối tượng học sinh xét về phương diện vùng miền, điều kiện học tập và khả năng thực tế của Việt Nam.
Chương trình môn Giáo dục thể chất được thiết kế theo cấu trúc vừa đồng tâm vừa tuyến tính phù hợp với tâm - sinh lý lứa tuổi và quy luật phát triển thể lực của học sinh; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh; vận dụng các phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với đặc điểm của môn học và hỗ trợ việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực ở học sinh.
Chương trình môn học Giáo dục thể chất mang tính mở, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn các hoạt động phù hợp với thể lực, nguyện vọng của bản thân và điều kiện của nhà trường; đồng thời tạo điều kiện để các trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với yêu cầu giáo dục, điều kiện thực tế và đặc điểm cụ thể của học sinh địa phương.
Học sinh được chọn nội dung học
Cấu trúc chương trình môn Giáo dục thể chất có những điều chỉnh và thay đổi căn bản.
- Giai đoạn giáo dục cơ bản (ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) được điều chỉnh, bổ sung theo mạch nội dung:
+ Đội hình đội ngũ.
+ Vận động cơ bản.
+ Bài tập thể dục.
+ Thể thao tự chọn.
Nội dung chủ yếu của môn Giáo dục thể chất ở giai đoạn này là giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể; thông qua các trò chơi vận động và tập luyện thể dục, thể thao hình thành các kỹ năng vận động cơ bản, phát triển các tố chất thể lực và phương pháp phòng tránh chấn thương trong hoạt động, làm cơ sở để phát triển toàn diện.
- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp
Chương trình Giáo dục thể chất cấp trung học phổ thông là môn học bắt buộc có phân hoá, thông qua hình thức tự chọn môn thể thao nhằm giúp cho học sinh tiếp tục phát triển kỹ năng chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể, phát triển về nhận thức và năng khiếu thể thao, giúp những học sinh có năng khiếu thể thao định hướng nghề nghiệp phù hợp.
Học sinh được chọn nội dung hoạt động thể thao phù hợp với nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường.
Cụ thể như: Chương trình Giáo dục thể chất ở trung học phổ thông gồm các
môn thể thao tự chọn. Chương trình học mỗi môn thể thao gồm 3 nội dung: (a); kỹ thuật cơ bản; (b) kỹ thuật nâng cao; (c) hoàn thiện các kỹ thuật, chiến thuật thi đấu. Tùy điều kiện của mỗi trường, học sinh có thể lựa chọn một hoặc nhiều môn thể thao trong 3 năm học hoặc mỗi năm học lựa chọn một môn môn thể thao.
Những học sinh học một môn thể thao trong cả 3 năm học trung học phổ thông được học đầy đủ ba nội dung (a), (b) và (c).
Những học sinh học hai môn thể thao được học các nội dung (a) và (b) ở một môn thể thao, môn thể thao còn lại chỉ được học nội dung (a).
Những học sinh học ba môn thể thao được nội dung (a).
Giáo viên xây dựng kế hoạch môn học phù thuộc vào điều kiện từng địa phương
Yêu cầu cơ bản của phương pháp giáo dục là phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh, rèn luyện năng lực tự học, tự tập luyện cho học sinh, giúp các em có cơ hội phát triển năng lực thể chất.
Để thực hiện được yêu cầu này, giáo viên đóng vai trò thiết kế, tổ chức, cố vấn, trọng tài, hướng dẫn hoạt động tập luyện cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự mình trải nghiệm, tự phát hiện bản thân và phát triển.
Giáo viên sử dụng đa dạng các phương pháp nhằm tích cực hoá các hoạt động của học sinh một cách hợp lý, kết hợp các loại dụng cụ, trang thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, chú trọng sử dụng hiệu quả các thành tựu của công nghệ thông tin, phương tiện nghe nhìn thông qua các tranh ảnh kỹ thuật, video clip... để tạo nên giờ học sinh động, hấp dẫn và hiệu quả.
Giáo viên cần sáng tạo và linh hoạt khi xây dựng kế hoạch dạy học môn Giáo dục thể chất để đảm bảo tính thực tiễn, phù hợp với cơ sở vật chất của từng địa phương cũng như thời tiết của mỗi vùng miền, đặc biệt là các nội dung thực hành ở những trường không có nhà thể chất.
K ết quả học tập môn Giáo dục thể chất của học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 được ghi nhận bằng loại như: Xuất sắc; Giỏi; Khá; Trung bình; Yếu.
Kết quả học tập môn Giáo dục thể chất của học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 được đánh giá theo thang điểm 10
Số tiết ở lớp 1 hiện hành là 35 tiết/năm, chương trình mới tăng lên thành 70 tiết/ năm.
Nhật Hồng (ghi)