Phải cách mạng trong tư duy mới nắm bắt được công nghiệp 4.0

(Dân trí) - CMCN 4.0 dựa trên những thành tựu khoa học và công nghệ đã và đang làm thay đổi nhanh chóng mọi diện mạo của đời sống kinh tế-xã hội của các quốc gia-dân tộc. Trong tiến trình đó, đào tạo đại học phải có cuộc cách mạng mới trong tư duy nhằm nắm bắt cơ hội CMCN 4.0 để tạo ra bước nhảy vọt, góp phần làm thay đổi thứ hạng Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Chỉ thị 16/CT về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã tạo luồng sinh khí mới trong tất cả các Trường Đại học nói chung, Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK HN) nói riêng.

Viện Sư phạm kỹ thuật (SPKT) được xem là mô hình thu nhỏ của ĐH Bách khoa HN, vì vậy trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chia sẻ các giải pháp mà Viện SPKT đang thực hiện trong công tác đào tạo nguồn nhân lực phù hợp CMCN 4.0 theo Chỉ thị 16/CT.

Phải cách mạng trong tư duy mới nắm bắt được công nghiệp 4.0 - 1

Cách mạng Công nghiệp 4.0 hội tụ của nhiều công nghệ

Như chúng ta đều biết, CNTT là cốt lõi của CMCN 4.0, CMCN 4.0 là sự hội tụ của nhiều công nghệ với sự phát triển không ngừng của công nghệ Internet từ kết nối nội dung như email đến mạng xã hội, Internet vạn vật (IOT). Ngoài công nghệ cốt lõi còn có sự hội tụ của công nghệ in 3D, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ lưu trữ…

Từ khi thành lập đến nay, định hướng phát triển của Viện luôn đồng hành cùng các ngành công nghệ mới nhất với những ưu điểm nổi bật: chương trình luôn thay đổi và được cập nhật thường xuyên hoàn toàn tương thích với sự phát triển của CMCN 4.0. Trong quá trình đào tạo SPKT ngành CNTT, các giảng viên và sinh viên của Viện đã tiếp cận nghiên cứu các công nghệ mới nhất của CMCN 4.0 như: thiết kế khóa học trực tuyến, thiết kế website dạy học, ứng dụng thực tại ảo, công nghệ in 3D …

Như vậy, kinh nghiệm đào tạo ngành CNTT ứng dụng được xem là cơ sở khoa học để đưa ra giải pháp đổi mới giáo dục đào tạo nguồn nhân lực CMCN 4.0. Viện SPKT không phải đi lên từ con số không mà đã có nền tảng cơ bản để phát triển.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, để thực hiện nhiệm vụ “Tập trung phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm về công nghiệp có vai trò then chốt trong cuộc CMCN 4.0. Ưu tiên, chú trọng phát triển nguồn nhân lực CNTT…” theo chỉ thị 16/CT-TTg,Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu :

- Đổi mới phương pháp giáo dục nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.

-Tăng cường giáo dục những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0”

Hai nhiệm vụ trên là kim chỉ nam để Viện SPKT đưa ra các giải pháp đào tạo ngành CNTT phù hợp CMCN 4.0. Sinh viên tốt nghiệp ngành SPKT CNTT ở Viện SPKTcó khả năng tiếp nhận xu thế CNTT đang thay đổi liên tục hàng ngày và có năng lực thích ứng với những yêu cầu cuộc CMCN 4.0.

Lựa chọn phân khúc chất lượng đào tạo phù hợp để thu hút số đông người học

Để giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện tốt đề án đào tạo 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực CNTT vào năm 2020 làm nòng cốt cho CMCN 4.0, hầu hết các trường đại học trong cả nước đều có khoa đào tạo ngành CNTT. Ngành CNTT đang trở thành sự lựa chọn của các học sinh tốt nghiệp phổ thông.

Tuy nhiên khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực, mỗi một cơ sở giáo dục đại học, tùy theo điều kiện và năng lực của mình có thể lựa chọn phân khúc chất lượng đào tạo phù hợp.

Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) –Trường ĐHBK Hà Nội với những điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ cùng với bề dày kinh nghiệm trong đào tạo đang định hướng tới phân khúc chất lượng cao ngành CNTT. Do đó chỉ những thí sinh có điểm gần tuyệt đối mới có thể trở thành sinh viên ngành CNTT ở Viện CNTT&TT-ĐHBK Hà Nội.

Do số thí sinh nộp hồ sơ vào ngành CNTT ở Trường ĐHBK Hà Nội quá đông nên những thí sinh có học lực khá, chưa tương xứng với yêu cầu chất lượng đầu vào của Viện CNTT&TT- ĐHBK Hà Nội đành phải “dừng bước” với đam mê ngành CNTT mà thí sinh lựa chọn ban đầu.

Với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và mục tiêu theo định hướng ứng dụng CNTT, Viện SPKT định hướng tuyển chọn đầu vào phân khúc thấp hơn Viện CNTT&TT. Nghĩa là thí sinh đủ điểm chuẩn vàoTrường ĐHBK Hà Nội nếu có nguyện vọng hành nghề CNTT sau khi tốt nghiệp đều có thể vào học ngành SPKT CNTT. Trong những năm cuối, được học các học phần chuyên ngành cùng với sinh viên của Viện CNTT&TT nên khi ra trường những sinh viên này có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc trong lĩnh vực CNTT.

Phải cách mạng trong tư duy mới nắm bắt được công nghiệp 4.0 - 2

Xây dựng các học phần "kỹ năng mềm”

Học tập trong CMCN 4.0 là để cạnh tranh. Bản thân người lao động muốn tồn tại phải rèn luyện những kỹ năng mới để không bị động trước những biến đổi về công nghệ.

Câu hỏi được đặt ra là: Trước tác động của cuộc CMCN 4.0, kỹ năng mềm cụ thể là kỹ năng gì ?

Trong CMCN 4.0 công nghệ phát triển theo cấp số nhân, một số nghề sẽ mất đi, một số nghề mới xuất hiện, đồng nghĩa người lao động phải có kỹ năng mới. Theo một kết quả nghiên cứu gần đây, sẽ có khoảng 1/3 các kỹ năng làm việc cơ bản hiện nay thay đổi hoàn toàn vào năm 2020.

Do đó ”kỹ năng mềm” phải là kỹ năng làm việc cơ bản hình thành ở người lao động khả năng sáng tạo đổi mới để thích nghi khi công nghệ thay đổi. Đó là kỹ năng xử lý vấn đề hoặc giải quyết nhiều vấn đề khác nhau khi năng suất lao động được đẩy lên cao và phát huy được tính sáng tạo. Mỗi một ngành nghề khác nhau cần những kỹ năng mềm khác nhau. Thậm chí cùng nghề nhưng làm việc ở những môi trường lao động khác nhau cũng cần có kỹ năng mềm khác nhau.

Vậy phải đào tạo như thế nào, dạy cái gì, cách dạy ra sao để sinh viên có kỹ năng mềm đáp ứng công việc khi ra trường là bài toán không đơn giản. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với giảng viên được giao nhiệm vụ biên soạn và dạy ”kỹ năng mềm”.

Những khả năng nào để thích nghi với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0

Trong cuộc CMCN 4.0, vòng đời của mọi công nghệ nói chung, CNTT nói riêng đều rất ngắn, tri thức tiếp thu được lạc hậu rất nhanh. Do đó trong trường học chỉ trang bị kiến thức nền tảng, kỹ năng cơ bản và dạy cách học cho sinh viên, tạo cho họ khả năng, thói quen và niềm say mê học tập suốt đời.

Ngoài những kỹ năng và kiến thức cơ bản, phải đào tạo cho người học những năng lực sáng tạo, khả năng thích nghi khi công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải. Mọi phương pháp dạy, phương pháp học, nội dung cần dạy, nội dung cần học đều phải xuất phát theo tư tưởng chủ đạo đó.

Trang bị kiến thức nền tảng tạo cho người học một cái nền vững chắc để tiếp tục học tập những thứ cụ thể khác. Cũng vậy, trang bị kỹ năng cơ bản là cung cấp công cụ để học suốt đời (chẳng hạn kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng sử dụng một ngoại ngữ quan trọng... chứ không phải kỹ năng sử dụng một cái máy cụ thể, kỹ năng thao tác một quy trình cụ thể).

Một thực tế đang diễn ra trên toàn cầu,tri thức ngày càng phát triển rất nhanh nên CTĐT dù có được cập nhật tốt đến mấy cũng khó theo kịp được sự phát triển của thực tế. Do đó CTĐT phải tăng cường mô hình tự học.

Vấn đề tự học trở nên quan trọng hơn cả nội dung kiến thức được truyền đạt. Cải cách đào tạo nghĩa là chuyển dịch từ kiểu truyền đạt kiến thức sang phương thức giải quyết vấn đề thực tế một cách sáng tạo.

Do vậy mục tiêu đào tạo của bất cứ hình thức nào không phải là để tạo ra những người lao động làm công việc cụ thể suốt đời mà phải đạt tới trình độ có thể thích ứng để tồn tại khi nghề được đào tạo bị mất đi. Do đó học trong CMCN 4.0 không chỉ để tìm việc làm mà còn có khả năng tạo ra việc làm mới cho mình và cho mọi người (khả năng khởi nghiệp).

*****

Trong CMCN 4.0, đào tạo ngành CNTT không phải là truyền thụ nội dung các công nghệ mà là quá trình giúp người học qua thu nhận kiến thức mới để phát triển các năng lực trí tuệ của người học và hình thành các kỹ năng cần có của một lĩnh vực cụ thể trong ngành CNTT.

CMCN 4.0 dựa trên những thành tựu khoa học và công nghệ đã và đang làm thay đổi nhanh chóng mọi diện mạo của đời sống kinh tế-xã hội của các quốc gia-dân tộc. Trong tiến trình đó, đào tạo đại học phải có cuộc cách mạng mới trong tư duy nhằm nắm bắt cơ hội CMCN 4.0 để tạo ra bước nhảy vọt, góp phần làm thay đổi thứ hạng Việt Nam trên bản đồ thế giới. Những giải pháp trong bài viết chỉ là vài nét chấm phá ban đầu trong phạm vi của Viện SPKT trong ĐHBK Hà Nội.Để hoàn thiện và thực thi các giải pháp đó liên quan đến hàng loạt các vấn đề khác như :

- Giải pháp đổi mới của Viện SPKT phải tương thích vớimô hình phát triển cũng như giải pháp đổi mới giáo dục của ĐHBK Hà Nội trong CMCN 4.0.

- Đội ngũ giảng viên Viện SPKT phải nâng cao trình độ, đổi mới không ngừng để có đủ năng lực thực hiệncác giải pháp đã đề ra

Đây là một chu trình khép kín, đi lên, liên hệ chặt chẽ với nhau và cũng là bài toán khó đối với Viện SPKT, nhưng không phải là không giải được.

PGS.TS Thái Thế Hùng, PGS.TS Ngô Tứ Thành

Viện Sư phạm kỹ thuật – Đại học Bách khoa Hà Nội