PGS Văn Như Cương: “Mô hình Homeschool không thích hợp ở Việt Nam”
(Dân trí) - PGS Văn Như Cương, TS Nguyễn Tùng Lâm và nhà tư vấn giáo dục Trần Hồng Quang cùng chung nhận định, Việt Nam hiện nay khó có điều kiện để phát triển mô hình tự học tại nhà - homeschool.
Homeschool - dạy trẻ học tại nhà thay vì đến trường đang là một mô hình/xu hướng giáo dục khá phát triển ở các nước tiên tiến. Tại Việt Nam, mô hình này cũng đã “manh nha” nhiều năm về trước và hiện đang trở thành nhu cầu của không ít phụ huynh.
Ngay sau khi báo Dân trí phản ánh trường hợp một gia đình ở quận Tân Bình - TPHCM cho con nghỉ học phổ thông, tự học ở nhà trong bài viết “Mệt mỏi với việc học ở trường, bố mẹ cho 2 con trai ở nhà tự học”, đông đảo độc giả, đặc biệt là các bậc phụ huynh đã bày tỏ sự quan tâm và có phản ứng đa chiều về mô hình homeschool.
Vậy các chuyên gia giáo dục phổ thông nói gì về tính khả thi của mô hình này ở Việt Nam?
PGS Văn Như Cương: “Dễ… làm hỏng trẻ”
PGS Văn Như Cương cho biết, ông chưa thấy một nghiên cứu nào ở Việt Nam về tỉ lệ gia đình áp dụng phương pháp homeschool, áp dụng ra sao và kết quả thế nào.
“Ở Việt Nam, phương pháp này hiện tại không thích hợp”, PGS Văn Như Cương nhận định.
Ông lý giải, không thích hợp bởi lẽ đa số bố mẹ Việt đều bận đi làm (hiếm trường hợp bố/mẹ nghỉ làm hẳn để dạy dỗ con như câu chuyện gia đình có 2 con trai ở TP.HCM).
Hơn nữa, dù học sinh có học ở nhà thì vẫn phải theo một chương trình nào đó và cũng cần có chương trình kiểm tra chất lượng, năng lực học các môn của cháu có đạt không.
“Nếu cho con học ở nhà thì ai là người kiểm tra chúng học gì, được bố mẹ dạy gì? Nên chăng cần có thêm một chương trình kiểm tra/thi đánh giá chung cho những em tự học ở nhà vào cuối năm?”, PGS Văn Như Cương nêu quan điểm.
Riêng cá nhân PGS Văn Như Cương khẳng định: “Tôi sẽ không cho con cháu tôi đi theo con đường ấy. Vì một phụ huynh có tài giỏi đến mấy cũng thể dạy được con theo hướng này. Đầu tiên là không có thì giờ, nữa là không có sự chuyên sâu/chuyên môn về kiến thức. Chẳng hạn, phụ huynh từng tốt nghiệp loại Giỏi ở ĐH Bách khoa có thể dạy con môn Toán, còn môn Lý, Hóa, Sinh và Khoa học xã hội… thì sao”.
Ông nhận định, áp dụng giáo dục tại nhà khi không có sự chuẩn bị và điều kiện đủ thì ưu điểm chưa thấy đâu, chỉ… làm hỏng các con nhiều hơn.
“Như thế là tách biệt trẻ con vui chơi với bạn bè. Có thể phụ huynh vẫn đưa con đi chơi gặp gỡ giao tiếp bên ngoài nhưng chơi cùng bạn bè trong một lớp nó khác, sinh hoạt tập thể nó khác.
Ở trường có kỷ luật, sinh hoạt tập thể của lớp. Thiếu nhi được quàng khăn đỏ, sinh hoạt Đoàn/Đội, hát ca, chúng tham gia trò chơi với bè bè đồng trang lứa”, GS Văn Như Cương chia sẻ về lí do lớn nhất khiến ông không ủng hộ phương pháp giáo dục tại nhà.
Nói về những “sóng gió” ở trường lớp khiến nhiều phụ huynh căng thẳng hoặc bức xúc muốn cho con nghỉ học hẳn ở trường, PGS Văn Như Cương cho rằng, phụ huynh hoàn toàn có thể báo cáo, phản ánh sai phạm của trường. Chẳng hạn như việc nhà trường ở TP.HCM áp dụng hình phạt đứng cầm cuốn sách trong giờ ra chơi với học sinh là hoàn toàn sai.
“Chỉ cần phụ huynh báo cáo thì chắc chắn cơ sở giáo dục đó sẽ bị thanh tra, kỷ luật. Nếu mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường căng thẳng quá thì có thể chuyển con đi học ở trường khác”, PGS Văn Như Cương nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm: “Không thể đóng cửa nhào nặn trẻ nên người”
TS Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) cho rằng: Phương pháp tự học mà không đến trường các nước trên thế giới đã làm nhưng phải có quy chế. Hiện nay, chúng ta chưa có quy chế nào.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, muốn áp dụng mô hình homeschool thì cần có những quy chế, quy định cụ thể đối với các phụ huynh về điều kiện thực hiện và nội dung thực hiện, đặc biệt có sự liên kết chứ không thể “nhà nào đóng cửa dạy con nhà đấy”.
Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội lưu ý, “nếu chỉ đóng cửa ở nhà” thì sẽ rất nguy hại.
“Việc học sinh tương tác với bạn bè còn quan trọng hơn cả tương tác với bố mẹ hay thầy cô vì chúng ở cùng độ tuổi, cùng tâm sinh lý, cùng kích thích sự phát triển của nhau”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định.
Ông lấy ví dụ về mô hình homeschool được triển khai ở các nước tiên tiến như Mỹ, Canada thì các gia đình áp dụng phải tập trung lại với nhau hàng tuần, phối hợp với nhau tạo sự liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, cùng cho con cái tham gia các hoạt động cộng đồng.
“Tuyệt đối không thể đóng cửa nhào nặn một đứa trẻ nên người”, TS Lâm nhấn mạnh.
Nhà tư vấn giáo dục Trần Hồng Quang: “Cái khó” ở thủ tục hành chính
Về xu hướng tự học tại nhà, chuyên gia tư vấn giáo dục Trần Hồng Quang cho biết, ông đã có cơ hội quan sát chứ chưa dám nói là nghiên cứu sâu.
Theo đó, mô hình homeschool ở Việt Nam bắt nguồn từ một số gia đình người nước ngoài là chuyên gia làm việc tại Việt Nam. Họ cảm thấy việc chi trả cho giáo dục Việt Nam đối với các trường có yếu tố quốc tế bị cao quá. Đồng thời sau một thời gian cho con học ở đó thì họ cũng không cảm thấy hài lòng với chất lượng giáo dục. Và họ quyết định dạy con tại nhà - phương pháp tiên tiến nhiều nước đã áp dụng.
Chuyên gia này nêu vấn đề: “Ở nước ngoài thì học sinh hoàn toàn có thể đăng ký để dự các kì thi cuối năm, hoàn thành yêu cầu của hệ thống giáo dục mà không cần phải theo học ở trong các hệ thống nhà trường công lập hay tư thục. Trong khi ở Việt Nam chúng ta chưa có tiền lệ đó”.
Ngoài “cái khó” từ mặt hành chính - luật pháp thì đặc thù của mô hình homeschool cũng là vấn đề cần quan tâm. Ông Quang cho hay, việc các cháu học tại nhà hoàn toàn ít nhiều có biểu hiện “thiếu cân bằng”. Đơn giản như tính cạnh tranh của việc học tại nhà là thấp hơn rất nhiều so với việc học chung cùng bạn bè ở trong trường, trong lớp.
Theo ông Quang, xét yếu tố về xã hội thì các cháu cần rất nhiều sân chơi cộng đồng.
Nói về “thiệt thòi” của một số gia đình Việt áp dụng mô hình homeschool, chuyên gia Trần Hồng Quang nhận định, đa số gia đình chọn con cái theo phương pháp giáo dục tại nhà một là họ có xu thế ra nước ngoài sinh sống hoặc học tiếp các bậc học tiếp theo ở nước ngoài. Với định hướng như thế thì họ không quá lo đến việc ảnh hưởng vì thủ tục hành chính, bằng cấp trong nước.
Tuy vậy, ông cũng bày tỏ lo ngại về trình độ sư phạm của các bậc cha mẹ áp dụng phương pháp dạy con tại nhà.
Hiệu quả của homeschool phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ - người dạy các cháu. Đôi khi, không phải tất cả đều có năng lực sư phạm và lắm lúc, họ cũng hơi… chủ quan về năng lực bản thân. Do đó, ông Quang cũng cho rằng, cần thiết tạo ra cộng đồng chung để các cha mẹ cùng dạy con theo mô hình homeschool có thể có nghiên cứu, trao đổi thông tin.
Lệ Thu