1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Nữ sinh viết luận về đàn tỳ bà giành học bổng tiền tỷ của 4 đại học ở Mỹ

Tú Như

(Dân trí) - Lê Diệu Linh (Hà Nội) đạt học bổng 4 trường đại học Mỹ, trong đó có học bổng 8,7 tỷ đồng Đại học Brown, nhờ bài luận viết về đàn tỳ bà.

Lê Diệu Linh (sinh năm 2005) là học sinh lớp 12 Anh 2 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Tháng 1 vừa qua, Diệu Linh đã rất bất ngờ khi nhận được tin trúng tuyển Đại học Richmond (xếp hạng 18 đại học khai phóng Mỹ, theo U.S. News) với học bổng trị giá 5,3 tỷ đồng.

Hai tháng sau, Linh lại tiếp tục nhận được tin vui khi em lần lượt đỗ các trường: Đại học Georgia, Đại học Tulane với học bổng toàn phần trị giá 6,1 tỷ đồng, Đại học Brown (thuộc khối Ivy League) với học bổng toàn phần trị giá 8,7 tỷ đồng. 

Điều đặc biệt để Diệu Linh lọt vào "mắt xanh" của hội đồng tuyển sinh chính là nhờ các chi tiết mang giá trị văn hóa, truyền thống về đàn tỳ bà; như một cách quảng bá Việt Nam đến với thế giới.

Chuyện GenZ tìm đến những giá trị xưa cũ 

Nữ sinh viết luận về đàn tỳ bà giành học bổng tiền tỷ của 4 đại học ở Mỹ - 1
Nhờ đàn tỳ bà, Diệu Linh đã có cơ hội được tiếp xúc và trải nghiệm màu sắc văn hóa (Ảnh: NVCC). 

Khác với những người bạn đồng trang lứa, khi đến với âm nhạc, thay vì chọn lựa những nhạc cụ phổ biến như đàn guitar, piano, violin,... Diệu Linh đã lựa chọn đàn tỳ bà. 

Chia sẻ lý do vì sao lựa chọn loại nhạc cụ này, Diệu Linh cho biết: "Ban đầu em chọn đàn guitar để học. Tuy nhiên sau đó, các anh chị ở trung tâm dạy nhạc cụ đã giới thiệu đàn tỳ bà cho em. 

Đàn tỳ bà cũng phần nào giống guitar vì đều là nhạc cụ dây. Nhưng điều đặc biệt khiến em lựa chọn tỳ bà vì nó là nhạc cụ dân tộc truyền thống". 

Sau khi được giới thiệu về nhạc cụ khá mới lạ với mình, Diệu Linh về nhà tìm hiểu các video trình diễn đàn tỳ bà. Và Linh lập tức bị cuốn hút bởi âm thanh phát ra từ đàn tỳ bà: "Nó hay hơn những gì mà em từng tưởng tượng". 

Mới đầu học đánh đàn, Linh gặp khá nhiều khó khăn vì dây đàn khá cứng và em bấm thường hay bị mỏi tay. Tuy nhiên, sau một thời gian luyện tập và đặt nhiều tâm huyết cho đàn tỳ bà, Linh đã có thể thành thạo chơi đàn và điều chỉnh lực tay khiến cho động tác mượt mà hơn. 

"Trở ngại lớn nhất của em khi chơi đàn tỳ bà nói riêng và học nhạc nói chung chính là việc phải đọc bản nhạc. 

Vì em không được học nhạc lý từ trước nên đôi lúc để đọc và đánh một bài hoàn chỉnh, em cũng mất một khoảng thời gian khá lâu", Diệu Linh tâm sự về khoảng thời gian đầu học đàn. 

Bài luận về đàn tỳ bà đạt học bổng toàn phần các trường đại học Mỹ 

Ngoài các con số ấn tượng như điểm trung bình 9.7, SAT 1560, IELTS 8.0; bài luận nói về các giá trị văn hóa cổ truyền của Việt Nam chính là yếu tố quyết định giúp Linh đạt được học bổng hàng tỷ đồng.

Tiếp xúc với đàn tỳ bà, một nhạc cụ truyền thống Việt Nam, đã khơi gợi trong Linh sự tò mò, mong muốn được tìm hiểu các màu sắc văn hóa. 

Để trau dồi sở thích của mình, ngoài việc luyện tập với đàn tỳ bà, Diệu Linh còn tham gia hoạt động ngoại khóa biểu diễn nhạc cụ dân tộc như sáo, đàn bầu, đàn tranh,... với các bạn có chung sở thích. 

Những buổi biểu diễn của Linh thường kết hợp cùng với các hoạt động gây quỹ hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. 

Song song đó, Linh cùng bạn mở website, đảm nhận vai trò phát triển nội dung, cung cấp các khóa học về nhạc cụ dân tộc, mong muốn lan tỏa, chia sẻ rộng rãi các thông tin về nhạc cụ đến với mọi người. 

"Trong cuộc sống hằng ngày, em luôn chứng kiến nhiều sự khác biệt. Nó có thể là những sự khác biệt nhỏ như màu âm, tần âm,... giữa các nhạc cụ dân tộc khi được chơi cùng nhau, hay những sự khác biệt lớn hơn như khoảng cách giữa giá trị xưa cũ và hiện đại. 

Em luôn cố gắng tìm kiếm và kết nối vẻ đẹp trong những thứ khác biệt đó. 

Nó có thể không trọn vẹn, nhưng em nghĩ sự cố gắng của em sẽ giúp mọi thứ hài hòa và để những giá trị đẹp không triệt tiêu lẫn nhau.

Như với nhạc cụ truyền thống, em mong muốn những âm thanh và giai điệu đặc biệt của văn hóa vẫn được lắng nghe, trân trọng và phát triển song hành với những xu thế âm nhạc hiện đại thời nay", Linh nói. 

Nhờ những tìm tòi, say mê và hứng thú của Diệu Linh đối với màu sắc văn hóa, nữ sinh trường Ams đã xuất sắc đạt được các học bổng danh giá từ Đại học Richmond, Đại học Tulane, Đại học Brown (Mỹ). 

Niềm say mê học hỏi trong bài luận đạt học bổng 8,7 tỷ đồng Đại học Brown 

Một tháng sau khi nhận được tin mình đã đỗ học bổng 5,3 tỷ đồng Đại học Richmond, Diệu Linh tiếp tục chuẩn bị hồ sơ và các bài luận để nộp vào các trường đại học khác. 

Linh chia sẻ, điểm đặc biệt mà em yêu thích ở Đại học Brown chính là việc trường không có khái niệm chuyên ngành, mà sinh viên tại nơi đây hoàn toàn theo Chương trình giảng dạy mở cho bậc đại học (Open Curriculum). 

Sinh viên có thể học bất cứ lĩnh vực nào mà mình yêu thích trong hai năm đầu. Sau đó, sinh viên sẽ được chọn một hoặc một vài lĩnh vực để tập trung học và nghiên cứu chuyên sâu hơn. 

"Đại học Brown luôn xây dựng chương trình học theo phương diện mong muốn sinh viên được phát triển toàn diện, khám phá những lĩnh vực mình yêu thích. 

Bản thân em rất thích được học hỏi, khai phá nhiều khía cạnh mới trong cuộc sống. Chính vì thế, Đại học Brown là mảnh ghép phù hợp cho em phát triển trong chặng đường bốn năm sắp tới của mình", Linh nói. 

Nữ sinh viết luận về đàn tỳ bà giành học bổng tiền tỷ của 4 đại học ở Mỹ - 2
Một phần trong bài luận, Linh kể chuyện bố thường dạy em tên của loài cây, loài hoa. Từ đó Linh say mê và yêu thích cây cối. Em ví sự tìm tòi về các loài cây như việc tìm tòi trong học tập, nghiên cứu. 

Chia sẻ với Dân trí, nữ sinh bày tỏ niềm yêu thích đến các lĩnh vực Comparative Literature (Tạm dịch: Văn học so sánh), Lịch sử, Cognitive Neuroscience (Tạm dịch: Khoa học thần kinh nhận thức). 

Ở bài luận, Linh đề cập đến các ngành trên giống như một "sợi dây liên kết" về văn hóa - xã hội. Và với chương trình đặc biệt tại Đại học Brown, trường sẽ trao cho em cơ hội để đi theo sợi dây đó, tiếp tục tìm hiểu và trải nghiệm tường tận các lĩnh vực này. 

Những áp lực đằng sau con số học bổng hàng tỷ đồng

Được tiếp xúc với môi trường học tập năng động từ năm cấp 3, Diệu Linh đã từng bị áp lực bởi các bạn đồng trang lứa khá nhiều.

"Mỗi khi em đạt được một thành tích, ngày hôm sau em sẽ nghe được có bạn khác cũng đạt được thành tích giống em. Hoặc có khi thậm chí là giỏi hơn em. 

Những lúc như thế em sẽ cảm thấy không tự hào về những gì mình đã đạt được. Hay thậm chí em còn nghĩ những điều mình làm được còn thua kém hơn so với các bạn khác. 

Khi những áp lực ấy trở nên lớn hơn, em thường nghỉ ngơi để sắp xếp, cân bằng lại mọi thứ", Linh bày tỏ. 

Khoảng thời gian chuẩn bị hồ sơ đi du học, Diệu Linh kể rằng không ít lần em muốn từ bỏ. 

Có những hôm Linh thức đến 3-4 giờ sáng để kịp viết bài luận nhưng em hoàn toàn không thể nghĩ ra được ý tưởng nào: "Những lúc như thế em thường dành cho mình 1-2 tiếng đi làm những điều mình thích. 

Vừa làm vừa tìm giải pháp cho vấn đề mà em đang gặp phải. Khi quay trở lại làm việc, em sẽ cảm thấy có động lực và ý tưởng hơn". 

Nữ sinh xem khoảng thời gian chơi đàn tỳ bà là lúc em được thư giãn và lấy lại tinh thần nhanh chóng. 

"Nhờ đàn tỳ bà em đã có cơ hội được tiếp xúc với những điều trước đây em chưa từng nghĩ mình sẽ học hỏi như nhạc cụ dân tộc. Từ đó, em có thể trải nghiệm và kết nối màu sắc văn hóa lại với nhau", Linh chia sẻ.