Nam sinh tốt nghiệp loại giỏi dù vừa làm thêm, vừa chăm mẹ bệnh hiểm nghèo

Thu Hoài

(Dân trí) - Thành công hoàn thành ước mơ của người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, Phạm Thanh Hồng Lễ tốt nghiệp sớm loại giỏi ngành Dược của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Biến cố gia đình làm nên sự mạnh mẽ của chàng trai trẻ

Hồng Lễ (24 tuổi, Đồng Tháp) sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề chạy ghe chở hàng hóa. Tuy công việc khó khăn vất vả nhưng với mong muốn con cái thành công, giỏi giang, ba mẹ Lễ luôn cố gắng làm lụng để nuôi hai chị em cậu ăn học. 

Cứ ngỡ với cuộc sống vất vả, lam lũ của ba mẹ cùng sự hiếu thuận của các con, gia đình Lễ sẽ bình yên, hạnh phúc chờ ngày con cái thành đạt. Tuy nhiên, khi Lễ bước vào năm thứ 2 đại học, mẹ và chị cậu đã mắc phải căn bệnh hiểm nghèo khó chữa trị.

Hồng Lễ cho biết cậu đã chết lặng vài giây khi nghe tin mẹ bị bệnh ung thư phổi. "Mình cảm thấy hụt hẫng, lo sợ, hình ảnh cuộc sống về một tương lai thiếu mẹ hiện lên trong đầu khiến mình đau khổ, sợ hãi.

Đêm hôm ấy, mình đã khóc rất nhiều vì bất lực. Mình biết, ai cũng phải trải qua quá trình sinh lão bệnh tử, song mình khó có thể chấp nhận sự thật đó. Khi đó, trong đầu mình hiện lên suy nghĩ bảo lưu kết quả học tập và đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình".

Nam sinh tốt nghiệp loại giỏi dù vừa làm thêm, vừa chăm mẹ bệnh hiểm nghèo - 1
Hồng Lễ thấy hụt hẫng, lo sợ khi nghe tin mẹ mắc bệnh hiểm nghèo. (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, sau khi bình tĩnh, Hồng Lễ nhận ra: "Hiện tại mình không còn lựa chọn khác ngoài việc cố gắng để tự cứu lấy mình. Bởi lẽ, một mình ba khó có thể gồng gánh sức nặng kinh tế trong thời gian dài, nếu mình yếu đuối thì sẽ chỉ tạo thêm gánh nặng cho ba. Vậy nên, mình đã quyết định tiếp tục hành trình học tập và nhìn mọi thứ theo hướng tích cực nhất".

May mắn thay, sau hơn 6 tháng điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Quân y 175, liên tục những đợt hóa trị, xạ trị, sức khỏe của mẹ Hồng Lễ nay đã có chuyển biến tích cực, ổn định hơn. 

Sau khi mẹ lên TPHCM để chữa bệnh, kinh tế gia đình trở nên khó khăn, Hồng Lễ vừa học vừa làm để phụ giúp ba mẹ. Nam sinh đã lựa chọn những công việc làm thêm ngắn hạn ở siêu thị hoặc làm gia sư để kiếm thêm thu nhập.

Tiết lộ về chi phí chữa bệnh cho mẹ, nam sinh cho biết: "Mình không nắm rõ được phí chữa trị là bao nhiêu bởi số tiền mà gia đình tiêu trong thời điểm đó khá lớn. Ngoài ra, người chị bị bệnh viêm não của mình cũng cần phải thuê người để trông coi".

Nỗ lực chạy đua với thời gian để thực hiện ước mơ của mẹ

Vượt qua biến cố gia đình, chàng trai trẻ đạt được thành tích học tập xuất sắc với các giải thưởng, học bổng của nhà trường và doanh nghiệp: Sinh viên 5 tốt cấp Trường năm học 2020 - 2021; Khen thưởng hoàn thành tốt phong trào đoàn hội Trường Đại học Nguyễn Tất Thành năm học 2020 -2021; Học bổng "Pharmacity Scholarship 2021"; Học bổng "Nhất Anh năm học 2022". 

Ngoài ra, cậu còn là sinh viên đầu tiên của khoa Dược Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hoàn thành 171 tín chỉ trong 4 năm với điểm tốt nghiệp 3.51/4, xếp loại tốt nghiệp giỏi.

Chia sẻ về cảm xúc trong buổi lễ tốt nghiệp, Phạm Thanh Hồng Lễ cho biết: "Mình cảm thấy rất tự hào về bản thân, trong ngày lễ trọng đại ấy giọt nước mắt của mình cũng như ba mẹ đã rơi xuống vì hạnh phúc. Mình cảm thấy may mắn khi có thể hoàn thành sớm ước mơ của chính mình và người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời mình".

Cách đây 3 năm, Hồng Lễ từng thắc mắc và hỏi mẹ: "Ước mơ của mẹ là gì?", mẹ cậu liền đáp: "Ước mơ của mẹ là được sống và được nhìn ngắm con trong bộ đồ tốt nghiệp". Để đạt được mong ước của mẹ, chàng trai trẻ đã phải quá trình học tập, làm việc vất vả trong thời gian dài.

Nam sinh tốt nghiệp loại giỏi dù vừa làm thêm, vừa chăm mẹ bệnh hiểm nghèo - 2
Hồng Lễ tươi cười hạnh phúc bên ba mẹ khi hoàn thành ước mơ của mẹ. (Ảnh: NVCC).

Tâm sự về những trở ngại khi gia đình gặp biến cố, Lễ cho hay: "Khó khăn lớn nhất đối với mình có lẽ là việc sắp xếp thời gian để học tập, làm thêm và chăm mẹ. Không những vậy, để có thể tốt nghiệp sớm, mình đã đăng ký học nhiều môn nên lượng kiến thức phải ôn tập rất lớn.

Để đạt được kết quả như mong muốn, mình đã tìm hiểu kỹ chương trình học, phân chia lịch để đăng ký các học phần phù hợp. Mình phải sắp xếp các môn học một cách khoa học nhất để có thời gian nghỉ ngơi và ôn thi. Ngoài ra, mình còn tham khảo, học hỏi các anh chị khóa trên để sắp xếp chương trình học một cách hợp lý".

Không những vậy, để có thể tiếp thu kiến thức, nam sinh đã phải sử dụng tối đa tất cả thời gian trống. Chàng trai trẻ thường đưa sách vở đến chỗ làm để ôn tập những lúc rảnh rỗi.

Lễ cho biết, trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, các môn thực hành trong chương trình học bị trì hoãn, nam sinh đã phải ôn thi 19 môn trong một học kỳ sau khi dịch bệnh ổn định. Tại thời điểm đó, cậu đã phải thức liên tục hai tuần để ôn thi, mỗi ngày chỉ ngủ được 2-4 tiếng. Nhờ sự chăm chỉ, cách học thông minh, cậu đã vượt qua tất cả kỳ thi với thành tích tốt.

Để có thể tập trung ôn tập, Hồng Lễ đã sử dụng cafe để giúp bản thân tỉnh táo. Tuy nhiên, với thời gian nghỉ ngơi quá ít cùng với áp lực cuộc sống, nam sinh đã phải sử dụng thuốc an thần để bước vào giấc ngủ.

"Tốc độ thành công của bạn phải nhanh hơn tốc độ già đi của ba mẹ" 

Đã có lúc Hồng Lễ muốn buông bỏ tất cả vì mệt mỏi. Sau một ngày dài đi học, làm thêm, chăm mẹ, chàng trai trẻ về phòng với trạng thái mệt mỏi, kiệt sức. Song, áp lực điểm số, tiền bạc, bệnh tình của mẹ đã giúp cậu vực dậy học bài. 

Hồng Lễ tâm sự: "Có những đêm mình trằn trọc khó ngủ vì lo cho mẹ, suy ngẫm về nỗi đau mẹ đã phải chịu đựng trong thời gian qua. Khi đó, mình biết rằng, bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa để đáp ứng ước mơ của người phụ nữ đã sinh thành, nuôi dưỡng mình".

Khi bản thân rơi vào trạng thái chán nản, nam sinh thường lướt TikTok xem lễ tốt nghiệp của người ta và nghĩ đến mẹ đang chờ ngày đứa con trai của bà trong bộ đồ cử nhân để có thêm động lực để học tập cũng như làm việc.

Nam sinh tốt nghiệp loại giỏi dù vừa làm thêm, vừa chăm mẹ bệnh hiểm nghèo - 3
Hồng Lễ vinh dự trở thành sinh viên đầu tiên tốt nghiệp ngành Dược trong vòng 4 năm của Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NVCC).

Để đạt được thành tích cao trong học tập, Lễ chia sẻ: "Đối với mình, quản lý thời gian là quan trọng nhất. Mình đã có ý định học vượt từ lúc bước chân vào giảng đường Đại học nên mọi kế hoạch đã được chuẩn bị ngay từ đầu. Mình đã sắp xếp lịch học xen kẽ lý thuyết và thực hành để thuận tiện cho việc học bài và ôn thi.

Ngoài ra, khi đến lớp, mình thường xuyên ngồi bàn đầu để có thể tiếp thu đầy đủ kiến thức. Nếu có thời gian, mình thường đọc, nghiên cứu bài và xem video các bài giảng trên YouTube trước khi đến lớp. Nhờ vậy, khi về nhà, mình chỉ cần xem lại và vẽ sơ đồ tư duy để tóm tắt lại nội dung và củng cố kiến thức đã học".

Về điểm số, để bản thân không cảm thấy áp lực trong bài thi cuối kỳ, Lễ luôn cố gắng đạt điểm cao trong tất cả các bài kiểm tra trước đó. Bởi vì một học kỳ cậu thường học 10-12 môn, thay vì lựa chọn nhồi nhét kiến thức một lần, nam sinh đã lựa chọn ôn tập từng ngày.

Sau khi trở thành tân dược sĩ, Lễ nhận thấy bản thân chín chắn, trưởng thành hơn. Nhìn lại những khó khăn đã trải qua, nam sinh muốn gửi đôi lời tới những bạn trẻ đang gặp khó khăn hoặc chưa tìm thấy động lực để phấn đấu: "Mỗi khi thấy chán nản với việc học, hãy suy nghĩ đến ước mơ của ba mẹ, ngẫm về những giọt mồ hôi, nước mắt của đấng sinh thành trong cuộc sống lam lũ để nỗ lực. 

Thanh xuân của chúng ta chỉ có một lần, ba mẹ không thể gắn bó với ta suốt cả cuộc đời, bởi vậy hãy học tập, làm việc hết mình để làm cho đấng sinh thành cảm thấy tự hào. Bởi vậy, tốc độ thành công của bạn phải nhanh hơn tốc độ già đi của ba mẹ".