Câu chuyện giáo dục:
Nỗi đau từ điểm số
(Dân trí) - Học sinh giỏi đánh dấu bài thi, 14 em bị điểm... 0 trong kỳ thi học sinh giỏi, giám thị gạ tình nữ sinh để đổi điểm. Những điều bất thường nhất có thể diễn ra trong môi trường giáo dục xuất phát có “cái cớ” từ điểm số.
Mới đây, tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hoá phát hiện 58 bài thi ở nhiều môn thi của học sinh hàng loạt trường học có đánh dấu bài thi, có cả đánh dấu tập thể.
Không lâu sau đó, tại tỉnh Tây Ninh, kết quả kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 có đến 14/79 học sinh dự thi môn Toán… dính điểm 0. Điều bất ngờ là trước đó, một số em ở vòng thi huyện đã đạt giải Nhì, giải Ba. Một trong những nguyên nhân được lãnh đạo lý giải là dù biết các em không đủ khả năng nhưng vẫn phải "chọn đại" cho đủ chỉ tiêu. Thậm chí có thầy hiệu trưởng còn than, sao không cho các em… nửa điểm công viết.
Khó để chấp nhận được bất kỳ một lý lẽ nào để có thể thanh minh cho những sự việc quá bất thường trên. Thế nhưng, điều đáng lo ngại nhất là dường như chính những người trong cuộc lại cho rằng điều bất thường đó là bình thường - miễn sao để đạt được kết quả dù kết quả mang tính hình thức, thành tích.
Vì căn bệnh thành tích, có thể kèm cả lý do “thương” học trò mà ít người nhìn nhận một cách thấu đáo rằng thực ra mình đang làm hại các em. Các em được tiếp tay để làm quen với sự dối trá và đứng về phía dối trá chỉ vì cái lợi trước mắt. Thi học sinh giỏi là để chọn những học sinh có khả năng vậy nhưng điều thầy và trò đang chạy theo là con điểm chứ không phải là năng lực.
Giáo dục là để đào tạo con người có thực lực chứ không phải để tạo ra những con người chờ đợi sự nâng đỡ - nhất là những sự nâng đỡ cực kỳ nguy hại. Thậm chí đó là một gánh nặng với học trò. Những em chưa đủ khả năng nhưng vẫn phải khoác lên mình những chiếc áo quá rộng nên mới có chuyện thi học sinh đạt điểm 0. Ai sẽ trả lời cho các em biết năng lực thực của mình?
Nguy hiểm nhất là điểm số có thể biến người ta thành con rối và đi giật dây những con rối khác. Mới đây, chúng ta lại phải chứng kiến thêm nỗi đau xuất phát từ điểm số khi thầy giám thị tại một Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở TPHCM có hành vi gạ gẫm nhiều nữ sinh với đánh đổi… đi nhà nghỉ mà vẫn kèm biện minh vì "thương học trò", vì "học trò có nhu cầu".
Những sự việc này khiến không ít người băn khoăn: Phải chăng khi giáo dục chưa đảm bảo được việc học thật, thi thật thì nỗi đau về điểm số vẫn sẽ còn tiếp diễn?
Hoài Nam