“Vì sao cô bỏ dạy?”

Học kỳ II năm học 2013-2014, Phương Nga (học sinh cá biệt) viết cho tôi lá thư trong đó có đoạn: “Cô ơi, em nhớ cô lắm, nhưng tiếc là cô không chủ nhiệm nữa, lúc cô đi lớp mình tệ lắm, em cũng vậy…”.

Tôi bật khóc ở góc sân trường vắng lặng khi học sinh đã về hết. Tôi luôn là giáo viên chuyên trị học sinh cá biệt nhưng không phải bằng roi, bằng lời đe dọa mà bằng những lá thư…

Cuộc sống gia đình tôi vất vả lắm, lưu lạc khắp nơi. Tôi làm công nhân lột tôm được vài tháng rồi thi đỗ vào trường sư phạm… Học giỏi, nhiều cơ hội tiến thân nhưng rồi tôi đã trở về chính cái nơi mình đã lặn lội từ Lâm Đồng xuống để làm công nhân lột tôm - thị trấn Cái Đôi Vàm, Cà Mau - để dạy học.

Năm 1999, thị trấn xó biển ấy lưa thưa nhà cửa, leo lét đèn dầu; trường nằm trên bãi đất rất rộng, có hai dãy nhà lá mà giáo viên bên này giảng thì lớp bên kia cũng… học được. Thế mà tôi yêu đôi chân lấm bùn của học trò cầm bó đuốc lá dừa lội bộ đi học từ 4 giờ sáng. Tôi yêu bàn tay, giọt mồ hôi đọng trên trán người dân miền biển từ từ chảy xuống khóe mắt, vụng về lấy miếng giấy kiếng bao sổ cho con.

Ngày ấy, tôi xin dạy phụ đạo học sinh miễn phí. Tôi còn lặn lội đến nhà năn nỉ người lớn cho con nít đi học, tặng bọn trẻ sách để “dụ” các em đến trường, gom góp tiền trao học bổng cho các em…

Ngày ấy, khi chấm bài, tôi luôn tỉ mẩn với từng câu từng chữ của học trò, sửa lỗi chính tả, lỗi dùng câu. Tôi chọn những lời phê vừa đủ sự nghiêm khắc, bao dung và cả sự động viên. Thường thì một xấp bài tôi phải mất hai đêm miệt mài mới chấm xong.

Không phải giờ văn nào tôi dạy cũng hay nhưng niềm đam mê thì theo tôi suốt…

Cho đến khi quá nhiều thay đổi của hệ thống giáo dục tác động vào ngôi trường xó biển. Tôi đi dạy mà cứ như đi lạc. Lương giáo viên bây giờ nếu khéo thu vén cũng có thể đủ sống dù khá chật vật. Nhưng đó không phải là vấn đề chính tác động đến tôi. Tôi thấy áp lực vì chỉ tiêu, vì trường đạt chuẩn, vì phong trào...

Những xấp bài tôi ngần ngừ không dám phát, những dấu mực đỏ khi xưa thưa dần. Tôi sợ cho học sinh điểm kém. Vì học sinh không được phép lưu ban, bỏ học nên tôi không thể trả lời khi các em hỏi rằng: “Bạn ấy nghỉ học suốt, học kém, vô lễ với thầy cô sao vẫn được lên lớp hả cô?”. Và tôi cũng chỉ biết im lặng khi học trò hỏi: “Cô ơi, vì sao không học thêm bị thầy cô ghét thế?”. Hằng ngày, tôi nhìn thấy cảnh học trò cãi nhau tay đôi với thầy cô, đánh bạn, thậm chí đánh cả thầy mình…

Nhiều chuyện buồn ngay trong chính cái nơi các em sẽ được giáo dục thành một công dân tốt về năng lực và phẩm chất. Những cải cách được áp dụng khiến tôi hoang mang.Tôi trở thành một người đồng lõa với sự dối trá ngay chính bục giảng, trong sổ điểm. Sự bứt rứt, khổ tâm len lỏi cả trong giấc ngủ...

Tôi chuyển nghề. Tôi đã quyết định rời ngôi trường mình đã gắn bó 15 năm. Tôi đã đi một con đường rất khác nhưng không thể quên lời thì thầm của học trò: “Cô ơi, vì sao cô bỏ dạy? Chúng em nhớ cô lắm…”. Thỉnh thoảng trên hành trình của mình, tôi dừng lại ngơ ngẩn nhìn một ngôi trường khuất sâu trong hẻm núi. Tôi có gọi với theo đứa trẻ lủi thủi đi sau mẹ, mẹ thì đi sau đuôi ngựa rằng: “Em có đến trường không?”.

Tôi ước sau những hành trình tôi đang đi, tôi có đủ điều kiện để xây một ngôi trường như trong mơ của tôi. Ngôi trường ấy học trò của tôi sẽ chẳng bảo giờ hỏi “Cô ơi, tại sao…?”, những câu hỏi chỉ khiến tôi im lặng mà không cách nào trả lời được.

Theo Việt My
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm