Điểm số “bóp méo” học trò
(Dân trí) - Nhiều học trò quay cuồng học với mục đích duy nhất là điểm số, thành tích đến mức tư duy của các em bị méo mó một cách thảm hại đến mức đáng sợ.
1.Trước kỳ thi cuối năm, cô học trò lớp 4 lúc nào cũng lo lắng, thấp thỏm. Mà không phải em quan tâm mình hổng kiến thức ở chỗ nào, chưa nắm chắc bài phần nào mà chỉ vì lý do duy nhất Nếu không được điểm 10, con chỉ có nước chết!
Năm ngoái, em tham vào kỳ thi thố nào đó chỉ được… giải Ba. Một không khí u ám bao trùm cả gia đình. "Đó là lần đầu tiên trong đời mẹ thức trắng đêm, không chợp mặt nổi" – đến giờ người mẹ vẫn nhắc đi nhắc lại hậu quả do con gây ra để "thúc" con học.
Điều lạ ở chỗ, khi nói chuyện với nhau, vợ chồng anh chị thừa nhận con mình chậm, không thông minh nhưng tuyệt nhiên không chấp nhận con được điểm… dưới 10. Họ không quan tâm năng lực thực của con ở đâu, không chấp nhận những đánh giá đúng với khả năng của cháu mà thứ duy nhất họ cần là điểm 10 đỏ chót nằm trên trang giấy.
Thế nên, cũng không chẳng có gì lạ khi học trò một trường tiểu học ở TPHCM sau đợt thi học kỳ đã bỏ ăn, bỏ uống và đòi tự vẫn vì bị điểm 8. Tư duy học vì điểm ăn sâu vào em đến mức chẳng cần ai phải hù dọa, quát tháo nữa em cũng tự biết sợ và thấy: nhục nhã và xấu hổ, không dám nhìn mặt ai - lời của em, đứa trẻ lên 8.
2. Học để có điểm đẹp, thành thích sáng láng làm học trò nhìn sai lệch, méo mó hết mọi thứ xung quanh. Nhiều hoạt động ngoại khóa, xã hội giúp các có thêm nhiều giá trị sống, trải nghiệm lẫn các kỹ năng - những thứ cần cho cuộc đời các em - cũng bị quy ra điểm.
Đáng sợ hay không khi, tham gia những hoạt động như vậy, không ít em HS còn hỏi liệu có được cộng thêm vào điểm cuối năm, điểm thi không? Không được thì miễn, các em vùi đầu vào học các môn để thi cho yên tâm.
Chúng ta giáo dục thế nào mà các em ra nông nỗi như thế này?
Trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo thành phố, lãnh đạo ngành, không thiếu những lời chia sẻ của học trò, các em muốn tham gia vào các hoạt động Đoàn, Hội, hoạt động ngoại khóa nhưng bị bố mẹ cấm với lý do “được thêm điểm nào không”. Một số giáo viên cũng khó chịu ra mặt khi các em tham gia các hoạt động bổ ích, chỉ thích học trò học để giành điểm thật cao.
Điểm số không có tội, là mục tiêu tốt nếu được đo đúng khả năng. Nhưng điều đáng nói điểm số hiện nay của chúng ta đã đo đúng khả năng, năng lực của mỗi người hay chưa? Đo sai lệch mà vẫn kéo người người, nhà nhà và cả xã hội lao đầu theo thì nguy hiểm vô cùng.
Điểm số hiện nay đang làm nhếch nhác tất cả mọi giá trị. Điểm số không chỉ bóp méo tư duy mà còn bào mòn nhân cách con người. Điểm số làm con người ta sẵn sàng chà đạp, hủy hoại lòng tự trọng của người khác và của chính mình. Học lệch, quay bài, ném bài cho HS, nâng điểm, mua điểm, thi hộ, chạy bằng cấp… là những hệ lụy rõ ràng nhất.
Sản phẩm của những hệ lụy đó là những con người méo mó về trí tuệ lẫn nhân cách, tâm hồn mà lại háo danh, ưa thành tích - mà con em chúng ta phải hứng chịu.
Hoài Nam